Friday, December 28, 2007

DÂN MÌNH TỐT THIỆT

Dân mình tốt thiệt. Ngày đầu đội nón mà hầu như không ai vi phạm. Ra đường mọi người cười ti toét với cái nón tròn vo trên đầu. Một ngày cuối tuần bình thường như bao ngày thứ bảy khác. Vậy mà cứ tưởng như hôm nay có festival hay lễ hội gì đó. Giống như nấm mọc. Ngoài đường đủ màu sắc tròn tròn trông rất vui (Dân miền Tây gọi là núm mọc. Núm anh màu đen, núm tui màu đỏ, đủ màu…). Khắp nơi, mọi người nhìn nhau qua chiếc nón bảo hiểm như là một biểu hiện thời trang, khoe màu sắc. Đứng trên lầu cao của một khách sạn nhìn xuống thấy một rừng màu sắc tròn tròn trông rất vui mắt. Ở các nước, cứ leo lên xe gắn máy là người ta chộp nón bảo hiểm đội vô liền. Nhưng xe gắn máy bên họ ít nên không thấy lạ. Còn bên mình xe quá trời.

Ngồi ở quán cà phê bên đường, tôi cá với ông bạn xem trong khoảng 1 giờ đồng hồ có bao nhiêu người không đội nón đi ngang. Cuối cùng chỉ đếm được có một người. Một biểu hiện tốt của việc tuân thủ pháp luật của dân mình. Thêm nhiều cơ hội làm ăn nữa cho những ai biết nắm bắt thời cơ. Ông già chạy xe honda ôm hỏi xin tôi mớ quảng cáo dày cộm của tờ báo mới mua. Ông bảo đem về cắt thành từng tấm vuông để phát cho khách đi xe lót vào nón. Vì người ta ngại đội nón chung với nhiều người. Tôi đề nghị ông mua khăn giấy thứ mà người ta lót chén bàn tiệc, rẻ tiền, khỏi mắc công cắt. Ổng khen ý tưởng hay quá trời.

Con bé hàng xóm đem vẽ tranh đủ màu lên nón. Cả đám bạn nó đi sát nhau trông như đang triển lãm nghệ thuật sắp đặt. Thằng nhóc tôi cũng định mua đề can siêu nhân, người nhện dán lên. Rồi sẽ có một loại hình nghệ thuật trên nón bảo hiểm cho mà coi. Ông bạn nhờ tôi mua cái nón sơn rằn ri kiểu như lính ở I-rắc, còn ông kia mua loại nón như của lính Hoàng gia Anh…Hồi trước, nghe nói đội nón ai cũng than thấu trời. Bây giờ, khi không còn trốn được thì xoay ra coi nón bảo hiểm như vật trang sức. Kể cũng hay.

Nón vải sắp tới sẽ chết chắc rồi. Còn nón bảo hiểm khi ai cũng có rồi thì chắc cũng giảm dần thôi. Nói vậy chứ, đã thấy có khuynh hướng xài nón cho khớp màu quần áo rồi nghe. Hôm nào áo xanh thì nón bảo hiểm màu xanh, áo màu hồng thì nón hồng... Một ngày nào đó mọi người chớ có ngạc nhiên khi thấy có trình diễn thời trang nón bảo hiểm kết hợp với quần áo, thời thượng mà. Một người làm nghề thiết kế thời trang còn bỏ nhỏ rằng anh ta đang nghiên cứu một kiểu nón cho nón bảo hiểm. Có như vậy nón bảo hiểm mới đa dạng được.

Chỉ cần tuân thủ pháp luật những cơ hội làm ăn mới mở ra. Lớn nhỏ gì cũng có; nhiều người đoán vậy. Mấy tay lái taxi kháo nhau sắp tới thời của mình rồi. Đi đám cưới mà đội nón bảo hiểm chạy ngoài đường thì còn gì đầu tóc chăm chút. Chắc là các bà sẽ đi taxi thôi. Rồi có khi vấn nạn kẹt xe cũng giảm vì dân chạy long nhong ngoài đường trước nay sẽ nản chí ngồi nhà.

Còn mỗi một chuyện: ông bạn kỹ tính khi mua nón về cầm lên ngang ngực rồi buông xuống xem có bể không. Ông bảo thà mất tiền chứ để đụng chuyện mất mạng thì tức hơn. Và ổng đã bỏ tiền ra mua 3 cái nón mới xài được. Lần cuối, ổng lựa nón rồi hỏi bà chủ tiệm nón này có bể không đây. Bà chủ cầm một đống nón quăng xuống đất: Đó đó, xem thử coi bể không. Mua có một cái cũng bày đặt!!!!

Sunday, October 28, 2007

EO ƠI, CẦN THƠ NGẬP

Tát nước mà cười cha nội

Nước+xe+đèn = vui quá trời, chứ khổ gì. Đẹp hôn

Cũng có sóng nữa nè. Tưởng đang chạy xe trên bãi biển Vũng Tàu

Lũ thì mặc lũ. Xá gì.

Bé cười tươi vì chờ ổ bánh mì. Nước ngập vẫn vui. He he


Hết muốn nhậu!

Cách đây hai mươi mấy năm mà Cần Thơ ngập như bây giờ, ai mà về đây chứ. Mà 10 năm trước cũng có ngập như vầy đâu. Chả lẽ hồi đó không có triều cường, không có lũ. Con hẻm khô ráo hồi xưa, giờ hễ triều cường lên thì thành sông. Mấy đứa nhỏ đi ngang qua phải hỏi nó có biết bơi không.

Có người lý giải: rạch Tham tướớng giờ còn không? con sông ngày xưa nay là đường Trần Văn Khéo? Mấy con rạch dọc đường 3/2 giờ là nhà cửa.... Vậy lấy đâu ra chỗ cho nước rút đi...

Mỗi lần mưa, mỗi lần triều cường là eo ơi Cần Thơ ngập

Wednesday, September 26, 2007

CẦU CẦN THƠ - NGÀY TANG THƯƠNG


Mới hôm qua khi qua phà Cần Thơ còn xách máy ảnh làm một tấm định đem cho mấy anh bạn ở Sài gòn coi chơi vì mấy ảnh có hình dung sự kỳ vĩ nó như thế nào đâu.

Vậy mà... sáng nay ngồi đọc báo (chưa tới 8g) đọc bài của thằng Phương Nguyên nói cây cầu bị ông thứ trưởng rầy vì hai đầu cầu làm chậm quá.

Vô cơ quan 8g30. Ông bạn từ Cần Thơ gọi lên nói cả thành phố như đám ma. Cầu sập rồi! Sài gòn nắng mà thấy sao héo hắt. Gọi cho mấy thằng bạn làm ở công trình Cầu Cần Thơ. Không đứa nào bắt máy. Không biết tụi nó ra sao? Tới trưa tụi nó gọi lại báo là không có gì mới an tâm.

Những người công nhân gặp nạn trên công trình lịch sử này sẽ mãi mãi ở trong lòng ngườời dân xứ này. Vì họ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ của mình cho cả vùng này vươn mình bay lên.

Hãy kêu gọi một ngày để tang cho công nhân cầu Cần Thơ

Tuesday, September 18, 2007

NÓN BẢO HIỂM


Cách đây mấy tháng khi nghe phong phanh việc đội mũ bảo hiểm trên toàn tuyến giao thông, tôi đã nghĩ đến hình ảnh của một thành phố tròn tròn đủ màu sắc nhúng nhít khi nhìn từ trên cao. Chủ nhật rồi, chỉ có hai tuyến quốc lộ đi ngang qua thành phố là bắt đầu áp dụng. Mặc dù chưa có nón cũng ráng chạy vô đường nhánh, tìm quán cà phê ngó ra xem sao. Có người đội, có người không. Ối trời nhà nước làm mấy lần rồi có được đâu. Thằng bạn làm báo chụp một pô hình. Có 6 người mà chỉ có hai người đội nón. Nó kết luận ngày đầu tiên chỉ có 30% người tham gia giao thông đội nón bảo hiểm!

Một hồi bổng nghe tiếng còi hoét hoét của công an. Người ta hoảng hồn, móc điện thoại truyền tin cho nhau ào ào. Chừng nửa tiếng sau con đường vắng hẳn vì... mấy con đường nhánh đông như kiến. Có người đội nón xem nghiêm túc lắm, nhưng rẻ sang đường nhánh vào trung tâm là lột ra ngay. Một ngày hoảng hốt bắt đầu. Mấy người bán bảo hiểm xe máy đột nhiên tăng doanh số. Cứ mua hai năm bảo hiểm xe là có cái nón. Thiên hạ kéo nhau mua ào ào. Ở quán cà phê, người ta bàn chuyện nón. Rằng nón kết, nón vải đã hết thời. Có công ty còn cả ngàn cái nón vải định bán khuyến mãi, kỳ này cho không cũng chẳng ai lấy. Mấy tiệm bán nón sắp dẹp tiệm vì đội nón bảo hiểm còn đội được gì nũa. Rằng taxi sắp lên hương vì chả lẻ đi đám cưới mặc đầm đội bảo hiểm... Rồi sẽ có một phong trào “mất nón” cho mà coi. Ờ, mà thật vậy. Làm sao bây giờ đây.

Vậy đó lo cho bà con an toàn mà không chịu. Có hơn trăm ngàn mua nón đội cho an toàn người ta không đành lòng. Người ta thích bỏ ra 5 triệu để mua sự thoải mái hơn. Hôm nay, đột nhiên mấy tiệm bán xe đạp điện đông nghẹt. Đi xe đạp thì không bị bắt đội mũ bảo hiểm nên mọi người mới làm vậy. Chạy trốn nón nên mới mua xe. Dân mình vốn chuộng sự thoải mái, phóng túng mà. Ông bạn gọi di động ơi ới: chờ tao một chút vì phải đi đường vòng 15 phút mới tới quán cà phê được!
Trong đầu mọi người không ai nghĩ tới cái đầu của mình mà chỉ nghĩ tới “công an”. Làm sao để khỏi bị công an bắt mới là mục đích. Ngay cả khi đội cái nón trên đầu rồi, còn ngoái cổ nhìn lại khi vượt qua mặt công an; xem có vẻ hễ hả lắm. Đội nón hay không đội nón cũng chỉ nhằm đối phó mà thôi. Chỉ tội cho ông bạn cẩn thận quá nên khi mua chiếc nón mới hàng hiệu, có tem chống giả về ổng cầm lên ngang ngực rồi buông xuống để kiểm tra chất lượng. Nó không tưng lên lên mà chỉ nghe cái tẹt. Tét làm hai. Ổng định đem vứt đi. Tôi xin lại lấy keo dán sắt hàn kín. Vẫn đội tốt, miễn công an thấy đội nón không thổi còi là được. Coi chừng mấy ông sản xuất nón nắm lấy tâm lý này làm ra những cái nón có kiểu dáng dễ coi cho dễ bán, còn cứng hay không còn tuỳ à nghen.

Tưởng tượng chiều chiều chở vợ con đi chơi mà đội nón, ba cái nồi cơm trên một chiếc xe máy. Cảnh này nghĩ cũng phiền. Ở nước ngoài, cứ leo lên xe máy là người ta đội nón bảo hiểm, như là phản xạ. Cũng phải thôi vì chung quanh toàn xe hơi chạy ào ào. Chỉ vài chiếc xe máy mà đua với ngần ấy xe hơi lo là phải. Còn mình xe máy quá trời. Kỳ này cả nước phải có hơn 40 triệu cái nón mới đủ. Bàn bạc, ngợi khen, chê bai, ngán ngẩm. Tự nhiên thấy hai anh, một chị Tây chạy xe đạp, đeo ba lô mà đội nón bảo hiểm. Ai cũng nín thinh hết trơn

Saturday, August 25, 2007

ĐÚC TỪ KHUÔN RA



Hồi nhỏ Bo có một tấm hình như vầy nhưng lúc đó mới đứng ngang rốn ba. Còn bây giờ nó gần bằng ba rồi.

Thursday, August 23, 2007

CON LÊN LỚP SÁU RỒI




Hôm qua, thằng nhỏ đi học lớp Sáu ngày đầu tiên. Cả mấy năm trời nó học tiểu học mình không nhìn ra, cứ nghĩ nó còn nhỏ xíu, có hôm còn ở truồng tắm mưa. Vậy mà hôm nay nó mặc bộ đồng phục, đeo balô, leo lên chiếc xe đạp ( mới mua tặng nhóc nhân dịp con lên cấp II), mới giật mình thấy nó lớn quá trời.



Nó leo lên chiếc xe, đeo balô trên lưng ngoáy mông, đạp miết. Mặt nghiêm trọng lắm, vì làm lớp phó mà. Đi xe máy sau lưng nó, cứ tìm cách bấm một tấm hình từ điện thoại di động mà không cho nó hay. Một bản sao của tôi đang chạy song song. Một hình ảnh tuổi thơ đang ở kia. Nhìn nó mà cứ ngỡ là mình của mấy chục năm trước.

Saturday, August 18, 2007

CHUYỆN BÀ MƯỜI XIỀM


Tui ở Cần Thơ cả mấy chục năm nay có biết bà Mười Xiềm là ai, mặc dù bà bán bánh xèo cũng ngần ấy năm ở trên Trà Nóc. Vậy mà đùng một cái bà Mười đi Mỹ, quán của bà trở nên đình đám quá trời. bà thành người nổi tiếng, có khi cả nước à nghen. Hàng xóm có người ghen tỵ: trời ơi bả đổi đời rồi. Trong bụng chắc bà Mười, ông Mười cũng khoái chứ có phải không đâu. Mà được vậy đâu phải khơi khơi. Gì cũng có cái giá của nó. Giống như thương hiệu của một thứ hàng hoá. Vốn nó có đó nhưng ít ai biết thì thôi, giống như một củ khoai, trái bí ngoài ruộng. Nhưng cả tỉnh biết thì khác, cả nước biết còn khác hơn. Đằng này tới bên Mỹ còn biết thì là “nhất bộ đăng vân”, ai cũng muốn đầu tư, ai cũng muốn có phần. Cũng là lẽ thường, vấn đề là cái cách mà người ta dành được thôi.


Đổ đường đi xa, gần chục cây số để ăn bánh xèo của bà Mười. Thằng bạn vô tư vì không biết chuyện này, nó chỉ để ý mấy thứ chứng khoán thôi. Chứ mấy vụ bánh xèo bỏ bèn gì. Ăn xong nó xía răng, khẻ khàng nói: cũng được. Vậy thôi. Bà Mười làm bán cho người bình dân làm sao mà thịt thà, tôm, cá được. Cái bánh xèo 4, 5 ngàn làm sao so được với cái bánh mấy chục ngàn bán trong nhà hàng. Vả lại, bà còn làm mấy thứ bánh dân dã khác, bảo đảm dân chợ vô ăn là mê liền. Cái làm nên bà Mười Xiềm “nổi tiếng” như bây giờ là cái dân dã, là cái tính truyền thống địa phương trong các loại bánh như bánh tét, bánh chuối, bánh bò… Cũng tại bánh xèo người ta ăn nhiều, ngày nào cũng bán được mới sinh chuyện. Chứ có ai dành bánh tét bà Mười Xiềm đâu. Mà bà lại “tham chính” từ bánh tét mới chết chứ.

Nói theo kiểu mấy bà già xưa, giờ đây bà Xiềm đi làm cho “hãng” rồi. Tới hãng của bà làm, thấy khác quá trời so với cái quán sập xệ trước đây của bà. Kiểu như vầy mà mở ở trên xóm của bà chắc tui không dám vô ăn đâu. Nhìn bà Mười làm thấy cũng khác. Nắn nót hơn nhiều. Hết cái kiểu bà Mười Xiềm xưa. Mấy người bạn hiếu kỳ từ Sài Gòn về chơi biểu dẫn đi ăn bánh xèo của bà. Cất công qua sông qua suối chỉ ăn mấy cái bánh xèo rồi về. Hết. Đâu còn gì nữa đâu. Tụi bạn thấy tưng tức mà không dám nói. Ai biểu đòi đi.


Tui định nói mấy ông bạn dạy bên marketing (còn định gửi thư cho ông Philip Kotler nữa kìa) đem sự kiện bà Mười Xiềm vô giáo trình như là một điển hình về xây dựng thương hiệu với các bài học thú vị. Nhưng giờ bỏ ý đó rồi vì sợ giáo trình in xong thì thương hiệu này không còn hay đang thoi thóp thì ăn nói sao với học trò. Nói xin lỗi bà Mười, chứ trong ngành ăn uống, mấy cái thương hiệu có khởi đầu kha khá cũng chỉ thọ chừng vài năm, rồi phải đổi mới làm lại.

Cái bánh của bà Mười là bánh bình dân vì vậy cần phải có tính phổ cập. Chứ cái bánh xèo đem bán 10 đô trong nhà hàng máy lạnh, như cái bánh pizza thì thua liền. Cũng như cái quán của bà phải gần với bà con mới được. Mà bà Mười cũng hơn 60 tuổi rồi, đưa bà ra chiến trường làm chi (ủa quên, là thương trường). Để bà còn tráng bánh cho tui ăn, cho con tui ăn, cho bà con ăn. Ai muốn làm gì hãy xay bột và tráng cái bánh xèo khác đi. Hãy đặt cho nó cái tên BAXETO ( bánh xèo tôm) hay gì gì cũng được. Rồi xách nó đem thi đấu với PIZZA, Big MAC… Chuyện này bà làm không nổi đâu nhe. Phải vậy hôn bà Mười.

Friday, June 15, 2007

HỒI XƯA & BÂY GIỜ

Buổi sáng ông bạn ra uống cà phê mà hí hửng lắm. Anh khoe mới mua cuốn Quốc Văn Giáo khoa thư mà từ lâu rồi anh vẫn tìm kiếm. Quyển sách vẫn có hình ảnh, giọng văn, chữ nghĩa như cũ nhưng được in lại mới toanh. Cả bàn cà phê nhao nhao hỏi anh mua ở đâu. Và rồi một cuốc hội thảo bỏ túi về Quốc văn giáo khoa thư mở ra, và...hôm đó nhà sách bán được trên chục cuốn.

Tôi cũng mua một cuốn. Thật tình mà nói, tôi không bao giờ mong mình lại có cuốn sách này với giấy trắng, bìa cứng đẹp đẽ như vầy. Trong đầu tôi đó là một quyển sách vàng khè, cũ xì. Những câu chuyện trong sách vẫn còn đó, nhưng khi đọc lại tôi cũng thấy nó ngồ ngộ làm sao. Đó là lời văn của cả thế kỷ trước, bảo sao không thấy lạ. Có cả những từ mà bây giờ hiếm ai xài. Có cả những kiến thức mà đọc thấy buồn buồn cười cười, tỷ như bài “Bệnh ghẻ”, viết rằng: “...Ai mắc bệnh ấy thì nên chữa ngay. Mà chữa thì phải lấy xà phòng đen và bàn chải cứng mà xát vào những chỗ ghẻ cho bật máu ra, rồi tắm rữa cho thật sạch...”. Trời ơi, vậy là chết chắc.

Cách đây 15 năm đã là lạ rồi. Hồi đó, ông bạn sáng nay khoe sách mới là một nhà báo, cũng có chức vụ khá trong toà soạn địa phương. Hắn ta khuyến khích: viết đi cho vui với đời. Bài viết là một dạng tài liệu, gọt dũa, chế biến lại thành bài. Vậy mà hắn cũng đăng cho mình. Trời ơi, hồi đó có bài được đăng còn đã hơn được in sách bây giờ. Nhuận bút nhận xong làm một chầu. Rồi hắn bảo viết nữa nhe. Mỗi lần có bài được đăng là cắt ra bỏ vào bìa cứng lưu lại (làm gì có máy tính hay USB mà sao chép, lưu trữ). Một lần do công việc, thấy một quan chức thuộc hạng đầu tỉnh uống rượu theo kiểu bét nhè. Giận quá viết bài kiểu “trà dư tửu hậu” khều nhẹ chơi. Có điều tả hơi kỹ nên khi đọc là biết ai liền. Bài đăng rồi mới nói cho hắn biết. Chỉ còn nước kêu trời, hồi hộp chờ thư mời họp. Hên quá, không ai đọc báo nên...qua luôn. Những bài viết như vậy vẫn còn cất giữ, nhưng không dám đọc lại. Càng không dám để ai đọc, vì thấy nó ngố lắm. Từ cách viết cho đến, từ ngữ. Bây giờ báo chí thấy trái tai gai mắt là đăng rùm trời. Toàn chuyện động trời. Chứ không như cái bài trà dư tửu hậu viết về anh hai tỉnh mình uống rượu khiến cho cả toà soạn đứng ngồi không yên năm nào.

Quyển Quốc văn Giáo khoa thư mang về đưa cho thằng nhỏ. Bắt nó đọc ngay bài đầu tiên: Tôi đi học. Nó nhăn nhó đọc, rồi tiếp thêm vài bài nữa. Bỏ xuống rồi bảo sao viết gì kỳ vậy. Tôi giải thích rằng hồi xưa như vậy. Nhưng nó không dễ dàng chấp nhận. Buồn trong bụng, giận. Nhưng giận vì lý do gì thì không biết. Lấy ra đọc cũng thấy khó. Những bài học đạo đức còn y nguyên giá trị nhưng để vận dụng và nâng cao giá trị thì chắc phải làm thế nào, chứ cứ bảo bọn trẻ đọc nguyên xi thì không tác dụng rồi. Tối đến, cố gắng đọc cho nó nghe mấy bài đạo đức trong Quốc văn giáo khoa thư nhưng cải biên theo kiểu Đôrêmon. Thằng nhỏ cười khanh khách, hỏi sao nữa ba, sao nữa ba...Đêm về, lôi mấy bài báo cũ ra. Bình tâm đọc lại. Nghiệm ra rằng hồi xưa mà mình viết kiểu bây giờ chắc không ai chấp nhận và với nội dung đó mà mình thể hiện lại theo kiểu bây giờ thì chắc cũng còn người đọc. (Thiệt đó, hôm nào viết thử cho coi)

Vậy đó, sự phát triển đi theo vòng tròn, nhưng rộng ra, cao hơn, xa hơn. Vấn đề là cái TÂM. Ai muốn hiểu sao hiểu. Nó là cái tâm vòng tròn, là cái mốc cho ta giữ để không làm cho vòng tròn méo đi khi phát triển, khi đi càng xa. Cũng là cái TÂM con người, nếu chính đại thì lúc nào cũng vậy thôi. Bây giờ có phong trào tặng chữ cho nhau. Ước gì ai đó tặng mình chữ tâm

Sunday, May 13, 2007

MUA GÌ, BÁN GÌ?

Trong lúc thị trường chứng khoán đang làm nóng ngay cả những cái đầu của mấy bà nội trợ, mấy ông nông dân thì ai có chút đỉnh tiền rủng rĩnh cũng phải sốt ruột nghĩ ra kế để tiền đẻ ra tiền. Mấy người bạn rủ rê mua chứng khoán, nhưng bỏ ra mấy trăm ngàn, hoặc cả triệu để mua một tờ cổ phiếu giá có một trăm ngàn; rồi ngồi chờ nó lên giá thì thật là không có gan. Buổi sáng, ở một quán cóc cạnh cao ốc văn phòng, mọi người tĩnh lặng bên ly cà phê, nói chuyện phiếm chờ giờ làm việc. Một ông béo phị ôm con chó vô quán ngồi cạnh. Chả quen biết gì tự nhiên hỏi ông có chơi chứng khoán không? Lắc đầu bảo không dám. Ông bèn làm một hơi chơi chứng khoán là gì? Lời lãi ra sao, trúng mánh, bể mánh như thế nào...Toàn là tiền tỷ, nhưng cứ càu nhàu sao ly cà phê hôm nay lên giá 500 đồng! Thỉnh thoảng ổng chêm vô: hiểu không, hiểu không? Nghe sốc hết biết. 8 giờ mọi người hân hoan đi vô làm vì thoát được cái của nợ. Không biết ông ta có phải là nạn nhân của trò chứng khoán. Đi mua đồ trong siêu thị, bên cạnh là một tay bảnh bao ôm cái điện thoại: anh còn khoảng 50 chai thôi. Để em 2 chấm đó. Quen mới vậy....Chán quá. Tới vô trong toilet của toà nhà văn phòng còn nghe 3 chấm, 4 chấm.

Thằng bạn tiếc rẻ. Hôm trước công ty nào đó rủ mua 100 triệu tiền cổ phiếu mới phát hành. Nó không dám. Giờ giá lên tới mười mấy chấm. Phải biết nó bán nhà chơi rồi... Cơn sốt chứng khoán lây lan khắp nơi. Về quê mấy người bà con hỏi mầy có chơi chứng ...chứng gì đó không. Làm sốt cả ruột. Nhưng nhớ mấy bộ phim Hồng Kông thấy người ta nhảy lầu vì chứng khoán hoài chứ gì nên thôi, mặc dù từ lầu nhà mình nhảy xuống chỉ cao lắm là gãy chân. Người mua chứng khoán là để đầu tư, còn mình thì muốn đầu cơ!

Nghe mấy cha bán thuốc tây rủ rê hấp dẫn hơn. Mua một bán gấp ba. Chắc ăn hơn. Rủ mấy ông bạn đang mua bán trên thị trường thuốc tây một chầu nhậu để thọ giáo. Mấy ổng kể rất nhiều chuyện. Có cha thấy khuyến mãi hấp dẫn quá mua cho cả đống, tới chừng hết khuyến mãi này nó làm khuyến mãi khác “dầy” hơn. Cả đống hàng mua vô chờ ngày hết đát. Trong kinh doanh, bất kỳ ở ngành nào cũng đều có tiếp thị. Dược phẩm cũng không thể đứng ngoài. Các công ty cố đẩy hàng ra thị trường (push), rồi lôi kéo người tiêu dùng về (pull). Đẩy cho được hàng ra các nhà bán sỉ chỉ mới được một nửa. Về chiến lược lâu dài phải làm đủ các hoạt động để lôi kéo khách hàng về với họ mới xong. Nhiều công ty tập trung “push” ra hết sức, rồi không có tiền làm cái gọi là “pull” lại. Thì mình chết. Chưa kể bán thiếu, bán nợ. Bị quỵt hoài chứ không đâu. Mấy ổng nói hàng đi lòng vòng, về nguyên tắc là giá tăng lên nhưng không ít trường hợp giá giảm xuống. Nhiều người chết hoài chứ gì. Còn bảo là bán cho bệnh viện ăn ngon, miễn có chi huê hồng là được. Đừng hòng. Nhiều công ty nhà nước hẳn hoi ngắt ngoải vì bán nợ cho bệnh viện, cả năm trời chưa thanh toán được kìa...

Ủa sao khó khăn quá vậy. Người ta nói hàng ngày, thấy nó dễ ăn quá mà. Thật ra có một nguyên tắc, ai cũng biết mà ít ai nhớ, là “chuyện dễ ăn thì đâu tới mình”. Dân mình hay thấy “người ta ăn khoai vác mai đi đào”. Thấy người ta trồng tiêu có ăn, thì mình trồng tiêu. Thấy nuôi cá có lý thì mình nuôi cá. Thấy chơi chứng khoán làm giàu mình bán heo mua cổ phiếu... Ở trên con phố nhỏ, có một tiệm phở, nấu ngon nên khách ăn đông. Vậy là chừng vài tháng sau đi ngang con phố nhỏ đương nhiên trở thành con phố “phở” vì cả chục tiệm phở mọc lên. Không lâu sau cả mới lẫn cũ đều dẹp dần để con phố trở lại như xưa.

Cũng tại vì làm ăn khó quá mà. Cũng tại vì không nhiều cơ hội làm ăn, muốn mở cái gì cũng ngại thủ tục. Vì vậy nghe thấy có người làm rồi thì bắt chước cho chắc ăn. Mấy người bạn nói chắc ăn nhất là đầu tư mua bán xăng, chỉ có lên giá chứ không có xuống. Nhưng rủi phát hoả thì sao? Cuối cùng kết luận: ai biểu có ít tiền làm chi mà khóc.

Wednesday, May 9, 2007

MÙA MƯA TỚI RỒI

Hồi nhỏ hay mơ mộng lắm. Thích nằm nghe mưa tí tách. Thích đi trong mưa cho ướt nhẹp cả người, rồi về rúc người vô cái mền ấm áp...và lấy đó làm điều hạnh phúc. Lớn lên, cũng còn thích mưa; đơn giản vì mưa mát mẻ hơn nắng, mà cái nắng bây giờ mới gay gắt làm sao. Mấy ngày nắng nóng, cứ hay nhìn ra xa xăm thấy có đám mây đen nào từ phía chân trời là cứ hy vọng sẽ có mưa. Nhưng mây chưa tới đã tan hết rồi. lại còn nóng hơn. Trong người cứ bực bội, nóng nảy, stress. Rồi khi mòn mõi, không thèm nhìn mây bay về nữa thì trời mưa. Thích mưa nên cứ hay để ý xem cơn mưa đầu mùa bắt đầu vào ngày nào trong năm. Khoảng giữa tháng Tư, không ngày 15 thì cũng 20, thường có một cơn mưa sau những ngày rát bỏng vì nắng. Giữa tháng Tư vừa rồi, buổi chiều vừa tan sở. Chưa kịp về đến nhà, cơn mưa đã ập xuống. Bên hàng hiên đông đúc người trú mưa vẫn còn nghe hừng hực cái nóng từ mặt đường bốc lên thổi tạt vào. Mưa rơi xuống mặt đường nhựa còn nóng hổi, cảm giác như nghe được tiếng xèo xèo. Hơi nước còn bốc lên từ ngoài đường, bốc lên từ những mái nhà tôn nóng bỏng, từ những bức tường cao ốc. Khi mưa tạnh rồi cái mát mẻ mới tới. Ngoài đường thấy người ta hớn hở hơn, nhưng từ từ chậm rãi hơn thay vì đăm đăm nhăn nhó, vội vàng như chạy...vì nóng. Mưa rồi, mưa rồi. Hạ nhiệt rồi.

Tối qua đài thông báo gió Tây nam đã về. Sáng sớm nay chợt mưa ầm ầm. Mưa từ 5 giờ sáng. Bảy giờ mà vẫn còn lâm râm, mây tan nhưng trời mịt mù lắm. Không khí mát lạnh. Ngoài đường, cũng ngần ấy người, cũng bao nhiêu đó xe cộ (có ai vì mưa mà ở nhà không đi làm đâu) nhưng sao thấy nó bình lặng, yên ắng hơn mọi ngày. Tới mấy cái cây bên đường trông cũng có vẻ xanh tươi, vui vẻ hẳn ra. Ai cũng cố núng níu ở ngoài đường hơn là vào cơ quan trong cái khí trời lành lạnh, dù không gian hơi tối, hơi buồn buồn... Tự nhiên thấy làm biếng. Thế mới hay môi trường nó tác động đến con người như thế nào, không chỉ là những tác động vậy lý như nắng nóng, gió lạnh mà còn đem lại những tâm trạng khác nhau, khác lắm. Ở dưới quê, trời này mà mấy ông lực điền chịu ra ruộng mới là lạ. Trời này mà lai rai là hết biết, trời này mà uống rượu biết bao giờ say. Những cơn mưa ở thành phố nghe đùng đùng, dữ dội nhưng ít thấy sợ. Mưa ngập cả đường, mưa hàng giờ, khiến cho không ai còn có thể đi đâu được. Lỡ bộ thì ngồi đồng luôn ở quán cà phê, hay nhẫn nha trong siêu thị. Còn mưa ở ngoài đồng thì ghê lắm. Sấm chớp rợn người. Có khi đang đi trên đường, bầu trời đen thui như sắp đổ sập xuống đầu, đi tới mà cứ ngỡ là bước vào cõi mê đồ.
Khi mưa được rồi thì đám mây nhỏ xíu cũng thành mưa. Cứ sáng sớm mưa thì mấy ngày sau hễ sáng sớm thì mưa. Nếu mưa buổi chiều thì liên tục mấy ngày cứ đến giờ tan sở là mưa. Mưa mà vô vụ rồi thì người ta đâm ra sợ mưa. Mưa thúi đất, mưa ngập đường. Mưa thấm tường nhà, dột, ngập...đủ thứ. Đi đâu cũng kè kè cái áo mưa, vướng víu. Lúc đó cứ mong có một ngày nắng.
*****

Con người thì lắm điều, nắng không ưa mưa không chịu. Ông trời thì quan liêu, thái quá (vì ở xa quá mà). Nếu gặp được thì mưa thuận gió hoà còn gì. Tiếc thay ít khi nào ý trời và ý người gặp nhau, nên người ta hay kêu: trời ơi! mỗi khi không vừa ý về việc gì đó, kể cả lúc không thấy mưa (trời ơi, nóng quá) hay cả lúc mưa dầm (trời ơi, mưa hoài). Dẫu sao, trời mưa vẫn thích hơn. Có mưa quá thì ở trong nhà, ngồi lì trong cơ quan. Trời mưa làm mát mẻ mọi thứ, cây cối xanh tươi, con người sảng khoái, trời mưa làm lúa tốt. Vì vậy, cứ tháng Tư, tháng Năm là trông ngóng, là mõi mắt nhìn mây. Mưa xuống là thấy hạnh phúc rồi. Hạnh phúc vì cái mà mình mong chờ đã đến. Hạnh phúc thật giản dị. Mùa mưa đã đến rồi.

Friday, May 4, 2007

PARIS MÙA HÈ KHÔNG CÓ CHIỀU THỜI GIAN

Đến Paris lúc này thời gian như lắng đọng lại. Không còn khái niệm ngày và đêm. Mười giờ đêm mà mặt trời vẫn còn trên không như 5 giờ chiều ở Sài gòn. Đi ngủ lúc trời còn sáng, thức dậy thì đã sáng trời thì còn phân biệt làm sao ngày và đêm. Nhiều người hỏi thấy sao về Paris. Hiện đại không? Tân kỳ không?
Cổ kính, thanh bình và cà phê vỉa hè. Đó là Paris.
Thật ra khi đáp xuống sân bay Charles de Gaulle, nhìn vách tường và mấy cây cột thấy thất vọng lắm. Sao nó tàng tàng thế nào. Không sơn phết gì cả, trần không đóng. Hệ thống điện, làm mát cứ nằm khơi khơi ra đó. Mấy người ở đây bảo không phải người Pháp không có tiền làm mà họ muốn như vậy. Thô mộc như vậy ngay tại sân bay để du khách sẽ không bị choáng ngợp vì sự cổ kính trong lòng Paris. Từ sân bay vào trung tâm Paris xa lắm, qua bao nhiêu con phố...và phải đi lên “Ring”(một con đường vòng quanh Paris, chạy một mạch. Muốn xuống phố thì tìm các exit-ngõ ra để xuống), Lần đầu đến Paris nhưng thấy quen lắm, có những con đường đi ngang tưởng đang ở Sài Gòn, có những góc phố cứ như là Hà Nội. Những căn nhà phố cổ kính lối vào hẹp, cửa sổ từ các căn hộ để mấy chậu hoa...vỉa hè lát đá xanh cũ kỹ.
Không thể tìm ra một kiến trúc cao tầng hiện đại nào trong lòng Paris. Toàn là những kiến trúc cũ, kiểu Gotique, không sơn phết. Trên đường Rue du Louvre, người hành khất ăn mặc đàng hoàng ngồi bên góc phố, mặt cúi gầm với chiếc nón cũ phía trước đầy những đồng centimes...
Paris giống bên ta lắm, gần gũi lắm. Giống Sài gòn nhất với cà phê vỉa hè, nhưng trật tự, lịch sự hơn nhiều. Mùa hè, người Paris thấy nóng nực, nhàn tản ra ngồi quán cà phê nhâm nhi, tán gẫu, đọc báo. Nói là quán cà phê nhưng có bán đủ thức uống, có cả vang, cả bia, rượu mạnh (chỉ bán từng cốc)...và thức ăn nhẹ. Chung quanh toà nhà Bourse de commerce ( Phòng Thương mại Paris) có nhiều quán cà phê như vậy. Buổi sáng 10 giờ rồi mà còn ngồi nghe mấy ông già ngồi nói đủ thứ chuyện thời sự. Thấy mình là dân Việt mới sang họ cũng xúm nhau bắt chuyện.

Paris hiện đại
Khỏi nói gì hết Paris hiện đại là cái chắc rồi, trung tâm châu Âu kia mà. Chỉ hệ thống xe điện ngầm Metropolitan Paris thôi, không nơi nào có thể sánh kịp. Có thể nói ở dưới lòng đất Paris là một thành phố của xe điện ngầm chằng chịt với 284 trạm dừng và đổi tàu. Muốn đến bất cứ nơi nào trong Paris, chỉ cần 1,4 euro (một euro bằng 20.000 đồng) là đến, cho dù gần hay xa. Trong khi từ trung tâm ra quận 13-nơi người Việt tập trung sinh sống với nhiều cửa hàng ăn Việt nam, Tàu, Thái...phải mất hơn 20 euro tiền taxi. Dưới các đường metro này, thức ăn nhanh, nước ngọt đều có bán bằng máy tự động. Xem bảng đồ để biết trạm gần nhất nơi mà mình muốn đến thuộc line số mấy, line này theo hướng nào. Nơi đang đứng của mình gần trạm nào nhất, cần đổi hướng mấy lần, ở đâu để đến nơi. Thế là lên đường thôi. Muốn đi lòng vòng cả ngày ở dưới đất bằng xe điện cũng được, nhưng khi bước lên trên là vé hết hạn ngay. Phải đến ngày thứ ba ở Paris, chúng tôi mới biết và bắt đầu sử dụng rành phương tiện rẻ và tiện lợi bậc nhất này.
Paris ngày càng được mở rộng ra. Các khu mới của Paris được xây dựng cách đây 15 năm từ những cánh rừng nay đã là những khu dân cư sầm uất như khu vực gần sân bay Charles de Gaulle nơi có rất nhiều người Việt sinh sống. Để khuyến khích người dân ra sống ở những khu mới này, hệ thống xe điện ngầm được kéo ra tận đây. Và dù ở ngoại ô, nhưng khi đi làm cũng chỉ mất 20 phút để vào khu trung tâm như những người sống trong thành phố (trong nội ô đi bằng xe hơi có khi lâu hơn).
Mấy ngày đầu nhiều người muốn liên lạc bằng e-mail tỏ ra rất bức xúc vì không tìm đâu ra các điểm internet như bên mình. Trong khách sạn thì không có line điện thoại dùng internet. Cứ cằn nhằn là nước Pháp già nua, không chơi internet, không có ADSL. Hoá ra bên đây người ta xài sans fil (không dây) và lap top cá nhân. Cứ mua một thẻ internet (nhiều mệnh giá từ 5 euro trở lên, mỗi euro khoảng 30 phút) cào lấy mật mã rồi kết nối bằng máy cá nhân. Vậy thì mở internet công cộng như mình chắc chỉ để chơi game! Thỉnh thoảng ở nơi công cộng có những máy internet công cộng xài tiền xu. Cứ bỏ xu vào là kết nối, hết tiền bỏ vào tiếp... Nhìn lên bầu trời nước Pháp thì biết, khói máy bay đan thành lưới không lúc nào dứt, mới hay họ hiện đại cỡ nào...

Thiên đường của thời trang và mua sắm...?
Ở khu trung tâm Paris (phía trước Musée du Louvre) rất nhiều cửa hàng của những thương hiệu nổi tiếng. Có những thương hiệu mà ở Việt Nam mình cũng có. Vào xem thì được chứ mua thì chưa chắc. Ghé mắt qua cửa kính thấy đôi dép lê. Cũng thường thôi, bên mình chắc không ai mua vì kiểu dáng kỳ lắm. Vậy mà treo giá 52 euro! (hơn một triệu)...Cái áo sơmi nam hiệu gì lạ lắm giá 179 euro? Mấy anh chị bên đây bảo đừng nhân giá lên 20.000 thành giá bên mình. Khó mua lắm.
Một khu mua sắm sang trọng khác gần khu đại lộ Champs Elyssee, trên đường Goerge V có đủ Louis Vuiton, Armany, L’Oreal, Channel. Toàn là đồ cao cấp và giá thì khỏi chê. Còn mua đồ cao cấp tập trung hơn là khu vực nổi tiếng trên đại lộ Haussman là Galleries La Fayette. Từ son phấn nước hoa, đến thời trang cao cấp đều có mặt tại đây. Khi đi xe điện ngầm, chọn trạm Les Halles, bước ra khỏi xe điện là một khu mua sắm dưới lòng đất Centre de Commerce sầm uất, thuộc loại to nhất Paris, giá cả tương đối...không bị nghẹt thở. Người ta đông như kiến, lớp thì xuống đi xe điện, lớp thì mua sắm... Một số địa chỉ được nhiều Việt kiều chỉ cho để mua hàng giá “hợp lý” là các siêu thị Auchan...ở đây bán đủ thứ và cũng dễ mua thật.
Một chuyên gia cho rằng người Pháp bây giờ xài tiền cẩn thận hơn. Họ vẫn thời thượng, vẫn có tiền thế nhưng hàng giá rẻ thì tại sao không? Nghĩ thế nên hàng thời trang nhập từ Việt nam, Trung quốc sang rất được ưa chuộng. Đặc biệt là hàng Trung quốc vì giá quá rẻ. Áo sơmi treo ngoài cửa hàng giá gần trăm euro vậy mà mấy nhà bán sỉ nói áo nhập của Trung quốc có 3 đồng !(euro).
Vậy là thiên đường của thời trang thì có nhưng thiên đường của mua sắm thì không đâu nhé. Ngoài đường dân Paris ăn mặc cũng rất bình thường, không cầu kỳ. Chủ yếu là màu sắc, là kiểu dáng. Mấy thứ này thay đổi xoành xoạch, nếu mắc quá thì làm sao đổi nhanh được. Cũng tiếc tiền chứ. Vậy là hàng may mặc của ta có cửa...

***********
Sài Gòn có nhiều nét giống Paris nên sang Paris thấy thân thuộc và gần gũi lắm, mặc dù Paris rất hiện đại và người Paris thì đủng đỉnh. Buổi sáng thứ Bảy, mười giờ sáng mà đường phố vắng ngắt. Đến quá trưa người ta mới ra đường đi chơi. Còn các siêu thị, cửa hàng đã đóng cửa từ 9 giờ tối thứ sáu. Chỉ có những quán cà phê vỉa hè đầy ắp người đến nhâm nhi ly Bordeau và nhìn xuống phố...

Thursday, April 12, 2007

PHÚ QUỐC: 24 GIỜ - ĐI VÀ VỀ



Tôi đã đi gần hết xứ mình mà có một nơi bạn bè hỏi tôi không biết: đảo Phú quốc. Tưởng xa xôi lắm, nó gần ngay cạnh mình mà không tới được. Tưởng khó khăn lắm vậy mà có đủ tàu cao tốc, máy bay ra tận nơi. Một ngày thứ Bảy mùa thu, tôi quyết định ra Phú quốc, đi cùng là cậu nhóc nhà tôi vừa vào lớp 5. Hai cha con mỗi người một balô lên đường. Không tính trước sẽ ở đâu và đi đâu cả. Đến nơi, chắc sẽ có cách mà.
Chuyến bay 6.40 sáng từ TP. HCM làm cha con phải thức rất sớm để ra sân bay. Chờ thì rất lâu (ai cũng biết vụ này mà) nhưng bay thì có chút xíu.

6:40 – 8:00 Chuyến bay sớm
Chiếc ATR hơn 70 chỗ đã ngồi gần kín. Chị ngồi bên cạnh là dân thổ cư ở Phú quốc, than rằng mấy hôm rày trời gió nhiều, biển động nên chị phải về bằng máy bay chứ không thì đi xe đò về Rạch giá, rồi mua vé tàu cao tốc ra Phú quốc. Thích hơn, rẻ hơn mà cũng chỉ mất có 2 giờ. Trên máy bay chị chỉ cho mấy vệt trằng xoá kéo dài trên biển. Đó, tàu cao tốc đó! Tiếp viên chỉ cho uống một cốc nước, vì đường bay ngắn quá mà; nếu đãi ăn chắc sợ dọn không kịp! Hơn 7:30 máy bay đã đáp xuống rồi. sân bay coi cũng khang trang. Khi đi ra ghé ngang quầy tiếp tân, nhặt tờ rơi giới thiệu một khu du lịch, có nhà nghỉ…in hai thứ tiếng Anh-Việt; thằng nhỏ ngó sơ phát hiện 5 lỗi chính tả Việt!

8:00 – 9:00 Nghỉ trong boongalow
Ra đón xe ôm, nhân tiện để hỏi đường, vì cũng không biết mình sẽ đi đâu. Xe ôm mà cũng có đồng phục nhe. Kêu xe cứ chạy đại vô khu nào có chỗ ở là được. Chạy một lúc vô Dương tơ, biết bao nhiêu là khách sạn, nhà nghỉ. Hổng hiểu sao mà lòng vòng một lúc cho hai cha con xem, xe lại chạy tuốt vô khách sạn Sài gòn-Phú quốc. Cầm bảng giá công bố mà hơi run. Mắc quá, mặc dù khách sạn đẹp lắm. Một cô tiếp tân biết ý nói nhỏ mùa này vắng khách có thể tôi sẽ được “offer” giá thoả thuận. May quá, tôi có được một boongalow đẹp, nằm cạnh bờ biển mà giá cũng được lắm. Cô bé tiếp thị tên Ngọc có vẻ chuyên nghiệp cho biết trong năm, tháng nào là cao điểm, tháng nào vắng khách. Khi vắng khách thì có giá thoả thuận. Nhận phòng xong hai cha con ra nhà hàng của khách sạn ăn sáng trong một phòng ăn tuyệt vời có tầm nhìn hướng sơn, hướng biển thật lý tưởng, có nhiều món ăn dân dã địa phương thật ngon. Ngồi vừa ăn vừa ngắm biển hai cha con quên mất mình chỉ có 24 giờ trên đảo này. Sau này la cà với dân địa phương mới biết còn có nhiều khách sạn “vừa ở” hơn ở xung quanh khu này. Nhưng sang nhất là Sài gòn-Phú quốc.

9:30 – 10:30 Ngọc trai Phú quốc
Ăn sáng xong, cầm bản đồ vừa lấy ở tiếp tân khách sạn để nghiên cứu. Thời gian ngắn quá nên chọn đại hướng Nam mà đi. Đứng lóng ngóng trước khách sạn, mấy tay xe ôm nhào vô chào mời. Cho thuê xe honda, một ngày 100.000 đồng. Vừa gật đầu là giao xe ngay, kèm theo một nón bảo hiểm. Không hỏi tiền trước, khỏi cần giấy tờ. Hỏi bộ không sợ mất sao. Mấy ảnh cười hô hố: rồi ông chạy đi đâu? Chạy dọc bờ biển trên con đường đất đỏ, xuôi về Nam. Chừng 5-6 km thấy trên bản đồ có ghi chú: Cơ sở nuôi cấy ngọc trai, liên doanh với Úc. Ghé xe vô mà thất vọng lắm. Kiểu này mà ở Thái Lan, họ làm hoàng tráng lắm chứ đâu có lèo tèo như thế này. Ngọc đúng là ngọc thật, có giấy chứng nhận, đẹp nhưng mắc quá trời mà mẫu mã cũng không phong phú. Thằng nhỏ chán lắm, cứ đòi ra về.


10:30 – 12:30 Đi Hàm Ninh ăn hải sản
Nó ngồi đàng sau, lật bản đồ chỉ đường cho ba đi tắm suối. Con nít mà nghe tắm táp là sướng lắm. Trong bản đồ có ghi nơi tắm là suối Tranh. Đi lằng ngoằng một đoạn, hỏi người dân ven đường mới biết là suối Tranh chỉ cách chợ Hàm Ninh chút xíu. Thuyết phục nó ra chợ ăn cơm trước chứ giữa trưa mà tắm sao được. Chợ Hàm Ninh nhỏ xíu nhưng tập trung. Muốn mua gì đem về cũng có. Khô các loại, từ mực, bào ngư, vi cá…cho đến cá cơm. Hạt tiêu, mật ong rừng…Đủ thứ đồ lưu niệm kể cả ngọc trai óng ánh nhưng loại 8-9 gì đó không biết. Có mấy cô gái hỏi ăn ghẹ tươi hôn. Bao nhiêu một ký. Có 50.000 hà. Hôm trước, ở Sài gòn trong quán bán tới 200.000. Vậy là luộc 2 ký ăn cho khỏi bõ công (tốn thêm 5000 ngàn tiền gas để luộc và muối tiêu). Cuối cùng phải bỏ lại 3 con nho nhỏ vì bụng không chứa nổi nữa và do vậy khỏi ăn cơm.

12:30 – 15:30 Tắm suối như tiên
Chợt nhớ có một ông bạn ở ngoài này định gọi hỏi thăm. Anh nghe điện thoại thấy có người ra mừng lắm. Hỏi ở đâu rồi kêu đứng yên đấy để anh ra đón. Hoá ra, anh có một nhà hàng mang tên Vườn táo, hỏi mấy ông xe ôm ai cũng biết. Chừng 30 phút sau anh ra tới. Thằng nhỏ cứ nằng nặc đòi đi tắm. Anh Phát bảo, tắm suối Tranh không đã đâu để anh dẫn đi tắm suối Đá bàn, hoang sơ hơn nhiều. Mỗi người một chiếc xe, anh dẫn đi lòng vòng, qua những khu dân cư thưa thớt. Đến một cái hồ lớn, nghe nói xưa là một cánh rừng nay ngăn lại chứa nước cho huyện đảo. Đi ngang qua hồ bằng một chiếc đò nhỏ chạy bằng máy đuôi tôm, chúng tôi đến một cánh rừng như còn nguyên sơ, có suối chảy róc rách, phong lan rừng vắt vẻo trên những cành cây, ra hoa ngộ nghĩnh. Khung cảnh vắng vẻ, nếu không có người địa phương cùng đi chắc không dám mò đến nơi này. Mùa này suối rất nhiều nước, đổ ào ạt, mát lạnh rợn cả người. Sức nước mạnh làm massage trên cơ thể, hay gấp nhiều lần hồ jacuzzi trong mấy khách sạn lớn. Nằm trên đá, nước đổ trên người, ngữa mặt lên trời ngắm phong lan. Kiểu này mà gọi là tắm tiên cũng không quá đáng. Nghe nói có hoa hậu ra đây tắm để đóng phim đó.

15:30 – 19:00 “Nhà thùng” và nhà hàng Vườn Táo
Thằng nhỏ chưa muốn về nhưng chiều rồi, vả lại đói bụng nên phải miễn cưỡng rời chốn này tìm nơi ẩm thực. Trên đường về, anh chỉ cho chúng tôi một cơ sở “nhà thùng” (làm nước mắm). Ghé vô coi cái thùng như thế nào? Khổng lồ. Có cả chục thùng như vậy. Chủ cho nếm một muỗng nước mắm nhỉ. Quá thơm. Nhưng mua về không được vì “nhà bay” không cho. Tuy nhiên, họ có đưa số điện thoại ở Sài gòn, kêu một tiếng sẽ mang tới nhà ngay.

Hoá ra nhà hàng Vườn Táo của anh Phát là một điểm đến của du khách. Ở đây còn có cả một hầm rượu vang sim, rượu hải mã thứ thiệt do anh nghiên cứu sản xuất. Nghe nói anh còn định xin khai thác một ngọn đồi để trồng sim và làm hầm rượu vang cho du khách tham quan. Bữa ăn chiều mới là điều kỳ diệu. Món gỏi cá trích danh bất hư truyền quả tiếng đồng không sai! Thứ cá mỏng, dẹp bằng hai ngón tay. Lạng lấy hai miếng thịt bên hông đem trộn với giấm đường. Khi sắp ra dĩa rắc lên trên tỏi ngâm dấm, tỏi phi, đậu phọng, rau răm. Vậy còn ăn làm sao? Ăn với thứ bánh tráng, ướt như bánh cuốn nhưng tráng rất khéo, dai mà rất mỏng. Kèm theo là những thứ rau rừng như đọt bàng, trâm, nang, kim cang, bằng lăng, viết... Khi cuốn phải cho vào một ít dừa nạo béo ngậy. Cái thứ bánh tráng đặc biệt cuốn xong nhìn thấy nó bóng nhẫy phát thèm. Nước chấm là loại nước mắm Phú quốc hảo hạng đã pha chế. Còn mấy món nữa như cơm ghẹ, tôm rang me... nhưng không ấn tượng mạnh vì lỡ ăn món đầu tiên no quá.

19:00 – 10:00 Tắm biển đêm và hủ tiếu mực
Về tới cửa khách sạn, trời đã nhập nhẹm. Ông có xe cho thuê chạy tới hỏi vui hôn. Trả xe trả tiền, rồi good night. Vậy là xong hợp đồng. Ngã lưng trong căn phòng boongalow mới sảng khoái làm sao. Biển bên ngoài cứ vỗ rầm rì. Tắm xong thằng nhỏ đâu chịu tha màn tắm biển. Trời tối hù, nhưng thấy mình xuống bãi là đèn sáng lên, có người ra trông chừng. Thấy phiền quá nên hụp lặn vài cái rồi lên hồ bơi tắm cho chắc ăn. Cũng có mấy người tắm đêm, bar thì kế bên, phòng ở thì gần đó nên chừng nào thấy lạnh thì lên thôi. Hơn 10 giờ đêm mà thằng nhỏ kêu đói, nhà hàng phục vụ cả đêm nhưng thử lội bộ ra ngoài xem sao. Gần khách sạn cũng có nhiều quá bar, ì xèo bên trong. Nhưng bước vào một quán nhỏ có bán hủ tiếu mực 10.000 đồng/tô. Lát mực dày như miếng thịt bò. Hồi đó tới giờ chưa ăn tô hủ tiếu nào ngon như vậy. Êm rồi đó, leo lên giường là thằng nhỏ ngũ liền.

5:00 – 8:10 Goodbye - Hẹn gặp lại
Chuông điện thoại reo. Thì ra là con nhỏ bán cua ở Hàm Ninh (mang 5 ký ghẹ tươi sống và cái thùng xốp tới. Nếu đồng ý trả tiền là niêm thùng lại để mang lên máy bay. Làm vệ sinh xong, xuống nhà hàng ăn sáng là tới giờ ra sân bay.

Trời còn sớm bửng. Chiếc máy bay từ Sài gòn ra chuyến 6:30, giờ quay lại. Máy bay cất cánh lúc 8:10. Về tới nơi thằng nhỏ hỏi: ủa hôm nay còn Chủ nhật hả ba? Tự nhủ, hôm nào đó tôi phải ra lại hòn đảo ngọc làm một cuộc hành trình theo hướng khác

Sunday, April 8, 2007

TIẾNG CHIM TRONG PHỐ

Buổi sáng, cả đám ngồi uống cà phê trong khuôn viên của một bảo tàng. Khách vắng, chỉ vài bàn, hơn chục người. Mà như là toàn khách quen. Không như những nơi khác giờ này khách ra vào tấp nập, ồn ào; khoảng sân như lắng đọng, đến cả nắng cũng không buồn chen ngang. Buổi ăn sáng là những ổ bánh mì, những ly cà phê đen, đá. Đơn giản nhưng ai cũng thấy hể hả, thưởng thức buổi sáng. Bánh mì giòn, vụn rơi vươn vãi trên bàn. Một người thuận tay gom lại và vứt ra khoảng sân. Đàn chim sẻ xà xuống í ới gọi nhau. Rồi vụt bay lên ngọn cây gần đó chim chíp ngóng chờ. Giữa thành phố mà bây giờ còn có chim sẻ xà xuống ăn quanh người là điều hiếm hoi, hi hữu. Ai cũng thích, cũng sướng. Vậy là những chuyện kể về thời ấu thơ cứ râm ran. Chuyện về những giàn thun giắt lưng quần đi bắn chim. Sao thế được? Sao lại là ngắm chim rồi tức cảnh kể chuyện bắn chim. Trời ơi, có trời mới hiểu. Con người tàn ác thế. Trách sao giờ chẳng còn chim trên trời
Trời hửng sáng, chưa kịp giật mình vì thằng nhỏ kêu chở đi học thì đàn chim ríu rít bên ngoài ban công có cây sung trĩu đầy trái chín. Cây sung tự nhiên là cái bàn thờ trời đất hay được đốt nhang, cúng gạo muối. Đồ cúng để qua đêm, sáng ra lũ chim hưởng hết. Âu cũng là trời đất chứng giám. Đàn chim ăn quen sáng nào cũng sà xuống, không gạo cũng sung chín, cũng vài con sâu. Lâu dần, ngày nào không nghe tiếng chim thì không muốn thức. Nhiều người không biết bảo: gì dữ vậy. Đâu phải ở thành phố này ai cũng nghe được tiếng chim hót buổi sáng. Láng giềng là một cặp vợ chồng lúc mặn nồng nuôi mấy con hoàng anh, hoạ mi. Sáng nào hàng xóm cũng được nhờ, nghe chim hót líu lo vui lắm. Đột nhiên, người vợ bỏ đi, gia đình ly tán. Người vợ mang hết mấy cái lồng chim đi bán. Người chồng thảng thốt, tâm thần mua cái lồng chim Trung quốc, có con hoạ mi bằng máy nghe động liền hót một hồi. Nghe khó chịu, nghe giả tạo, đứt gan đứt ruột. May mà họ dọn đi rồi. Đám chim sẻ lại đột nhiên ở đâu kéo đến di trú làm cho không khí cả xóm như gần với thiên nhiên hơn, giống như mang quê ra phố.
Ông bạn là một nhà “thơ”. Hay nhẩn nha với con chữ. Nghe tiếng chim thì ọt ra thơ. Mà trong thành phố làm gì có chim hót cho nghe mà có thơ. Anh bèn mua cặp chim cu gáy về nuôi. Chẳng may. Con chim mái bay mất, con chim đực buồn không gáy nữa. Khiến anh làm bài thơ “cả tuần chim không gáy”. Đọc nghe buồn buồn cười cười… Chính anh quăng vụn bánh mì cho chim sẻ ăn chứ ai. Mai mốt chắc có bài thơ cho mà coi. Chỉ mong anh đừng mang ký ức “bắn chim” thời thơ ấu vào thơ vì sẽ không được đăng vì phá hoại môi sinh. Một hôm ở Singapore, nhởn nha trong sân của khách sạn mà chim sáo, quạ đen cứ quấn quít dưới chân làm mình cứ sợ dẫm phải. làm động tác doạ cho nó bay đi thì mấy người xung quanh nhìn mình như quái vật. Người ta thương chim là thế… Một lần tại Sài Gòn, trong một buổi tiệc ở nhà hàng, một ông khách Tây ngồi lặng câm khi nhà hàng dọn món bồ câu quay, thứ chim mà họ coi là linh vật của hoà bình. Còn mình thì xơi tuốt. Chim gì cũng xơi, từ bồ câu, se sẻ đến sáo sậu, cu gáy… Thế nên mấy con chim ở quê mới ngược đời chạy về phố mà trốn, chứ ở dưới ruộng người ta giăng lưới bắt như bắt cá làm sao mà sống.
Mới tuần rồi, trời chạng vạng tối, đang đợi đèn đỏ vào một buổi chiều ở bùng binh ngã 6 Phù đổng, ngay cột đèn trên đường Cách Mạng tháng 8, tiếng chim ríu rít gọi bầy nghe át cả tiếng xe máy đang nổ bên dưới. Ở ngay góc này có một cái cây, không hiểu sao trên cây có rất nhiều chim đang kéo về ngủ. Chim cũng thích nghi quá hén. Đường phố ồn ào, tiếng xe đậu chờ đèn đỏ vang vang mà chúng cũng ngủ được. Hay thiệt. Có một ông chợt đưa tay lên vuốt đầu, hoá ra chim nó…bậy. Ổng cười, mấy người chung quanh cùng cười rồi theo đèn xanh chạy mất tiêu. Cảnh tượng mới yên bình làm sao!

CHUYỆN CÒ CON

Ông bạn tôi làm nhà báo. Sống không hề gọi là vất vả, nhọc nhằn. Đột nhiên hứng khởi WTO nên “sinh sự” làm ăn. Mơ ước làm chủ, không hứng thú làm công dù là công bộc của dân. Sáng nọ anh chọn một góc phố dịu dàng trong lòng thành phố, rồi thương lượng thuê lại với giá đắt đỏ. Anh sửa sang trang trí thành một nơi thư giãn cho giới công chức, đặc biệt là cho báo giới, những người đồng đội có “một nơi đi về” (không phải một cõi đi về của ông Sơn đâu nhe). Mấy hôm sửa sang anh hay gọi cà phê từ quán của bà tổ trưởng dân phố. Nhưng cà phê uống nghe nặng mùi hoá chất nên anh gọi chỗ khác. Vậy là chiều đó bà ta liền sang hỏi thăm sao anh sửa nhà làm nước chảy ra đường lênh láng, nghẹt cống. Anh cãi lại vì nhà anh chưa tới công đoạn sử dụng nước sao đổ thừa anh. Bà ta nói sẽ có công an hỏi thăm. Hôm sau anh có giấy mời lên phường nói chuyện (ghi vậy thôi chứ không nói rõ chuyện gì). Chưa đi thì dân phòng tới, hỏi tại sao nước đọng chỗ anh mà không xử lý. Anh chỉ chỗ rửa xe lấn chiếm lòng đường mà phường cho thuê sao không thấy nói gì. Họ bảo nước chảy ngang chỗ ai nấy lo, chuyện cho thuê là chuyện của phường, đừng có chuyện nọ xọ chuyện kia. Mai lên giải quyết. Hôm sao vì bận viết bài nên anh cho thằng em lên phường xem có việc gì. Hoá ra, sự việc là có vị quan muốn nhắn một câu: nói anh mày lấy nước đá của tao bán quán nhe. Từ việc không mua cà phê của bà tổ trưởng mà còn là đối thủ đáng gờm của bả trong tương lai, dẫn đến xưởng nước đá của vị quan này. Con đường thật nhiêu khê.
Ông bạn tức khí nói hoài thà ông ta cho in tờ bướm quảng cáo nước đá ở dưới có ký tên: Ông A, trưởng, hay phó gì đó của phường, mình còn đỡ tức hơn. Đàng này, đường dây mối nhợ cuối cùng kết thúc ở xưởng nước đá. (Có ông kia in chức bí thư vô bao thơ thiệp đám cưới rồi đó nghe. Không phải chơi đâu). Một ông bạn khác cũng nuôi mộng mở một cái shop thời trang nghe xong mặt cắt không còn chút máu. Điệu này, cứ an tâm công tác, chứ ra làm ăn thấy ớn quá. Mà sao kỳ vậy, mình vô WTO rồi mà còn mãi thế sao. Hoá ra, ngoài phép vua, còn có lệ làng.
Lỡ rồi đành chuyện nọ xọ chuyện kia. Tuần rồi đi đóng trước bạ. Tức là mang tiền đi nộp cho nhà nước. Vậy mà mấy ông phòng thu trước bạ làm như mình đi xin tiền, mặt ổng hầm hầm. Có người mách nhỏ sao ông không nhờ thằng cha ngồi góc kia làm giúp thì xong ngay. Hoá ra có một “con cò” ngồi chờ giúp cho những người không biết chữ nên ai biết chữ cò ghét lắm. Đã vậy, khi qua kho bạc nộp tiền lại bị hành một phen nữa. Phòng thuế một nơi, kho bạc một nẻo. Tính đến chuyện đi lại mất hết cả buổi…Rồi chuyện một ông nhân viên của phường xuống thu tiền an ninh quốc phòng. Ổng nói lên giá rồi nên tăng thu. Tôi cãi một hồi ổng bớt giá xuống! Ổng dạy đời rằng mọi chuyện phải nhà nước và nhân dân cùng làm, chứ nhà nước bao hết sao nổi. Thấy có lý, tôi chỉ càm ràm lúc này gần Tết phường nên tăng cường giữ an ninh trật tự chứ trong xóm mất cắp quá trời. Ổng bảo đồ nhà ai nấy giữ chứ nhà nước làm sao xuể! Bó tay.
Nhân chuyện ra biển lớn mà nói cảnh bến đò ngang như vậy nghe cũng trái khoáy. Chứ thật tình bụng ai cũng lo lắm. Những lệ làng như vậy, những con người như vậy thì ra biển làm sao đây?