Saturday, August 25, 2007

ĐÚC TỪ KHUÔN RA



Hồi nhỏ Bo có một tấm hình như vầy nhưng lúc đó mới đứng ngang rốn ba. Còn bây giờ nó gần bằng ba rồi.

Thursday, August 23, 2007

CON LÊN LỚP SÁU RỒI




Hôm qua, thằng nhỏ đi học lớp Sáu ngày đầu tiên. Cả mấy năm trời nó học tiểu học mình không nhìn ra, cứ nghĩ nó còn nhỏ xíu, có hôm còn ở truồng tắm mưa. Vậy mà hôm nay nó mặc bộ đồng phục, đeo balô, leo lên chiếc xe đạp ( mới mua tặng nhóc nhân dịp con lên cấp II), mới giật mình thấy nó lớn quá trời.



Nó leo lên chiếc xe, đeo balô trên lưng ngoáy mông, đạp miết. Mặt nghiêm trọng lắm, vì làm lớp phó mà. Đi xe máy sau lưng nó, cứ tìm cách bấm một tấm hình từ điện thoại di động mà không cho nó hay. Một bản sao của tôi đang chạy song song. Một hình ảnh tuổi thơ đang ở kia. Nhìn nó mà cứ ngỡ là mình của mấy chục năm trước.

Saturday, August 18, 2007

CHUYỆN BÀ MƯỜI XIỀM


Tui ở Cần Thơ cả mấy chục năm nay có biết bà Mười Xiềm là ai, mặc dù bà bán bánh xèo cũng ngần ấy năm ở trên Trà Nóc. Vậy mà đùng một cái bà Mười đi Mỹ, quán của bà trở nên đình đám quá trời. bà thành người nổi tiếng, có khi cả nước à nghen. Hàng xóm có người ghen tỵ: trời ơi bả đổi đời rồi. Trong bụng chắc bà Mười, ông Mười cũng khoái chứ có phải không đâu. Mà được vậy đâu phải khơi khơi. Gì cũng có cái giá của nó. Giống như thương hiệu của một thứ hàng hoá. Vốn nó có đó nhưng ít ai biết thì thôi, giống như một củ khoai, trái bí ngoài ruộng. Nhưng cả tỉnh biết thì khác, cả nước biết còn khác hơn. Đằng này tới bên Mỹ còn biết thì là “nhất bộ đăng vân”, ai cũng muốn đầu tư, ai cũng muốn có phần. Cũng là lẽ thường, vấn đề là cái cách mà người ta dành được thôi.


Đổ đường đi xa, gần chục cây số để ăn bánh xèo của bà Mười. Thằng bạn vô tư vì không biết chuyện này, nó chỉ để ý mấy thứ chứng khoán thôi. Chứ mấy vụ bánh xèo bỏ bèn gì. Ăn xong nó xía răng, khẻ khàng nói: cũng được. Vậy thôi. Bà Mười làm bán cho người bình dân làm sao mà thịt thà, tôm, cá được. Cái bánh xèo 4, 5 ngàn làm sao so được với cái bánh mấy chục ngàn bán trong nhà hàng. Vả lại, bà còn làm mấy thứ bánh dân dã khác, bảo đảm dân chợ vô ăn là mê liền. Cái làm nên bà Mười Xiềm “nổi tiếng” như bây giờ là cái dân dã, là cái tính truyền thống địa phương trong các loại bánh như bánh tét, bánh chuối, bánh bò… Cũng tại bánh xèo người ta ăn nhiều, ngày nào cũng bán được mới sinh chuyện. Chứ có ai dành bánh tét bà Mười Xiềm đâu. Mà bà lại “tham chính” từ bánh tét mới chết chứ.

Nói theo kiểu mấy bà già xưa, giờ đây bà Xiềm đi làm cho “hãng” rồi. Tới hãng của bà làm, thấy khác quá trời so với cái quán sập xệ trước đây của bà. Kiểu như vầy mà mở ở trên xóm của bà chắc tui không dám vô ăn đâu. Nhìn bà Mười làm thấy cũng khác. Nắn nót hơn nhiều. Hết cái kiểu bà Mười Xiềm xưa. Mấy người bạn hiếu kỳ từ Sài Gòn về chơi biểu dẫn đi ăn bánh xèo của bà. Cất công qua sông qua suối chỉ ăn mấy cái bánh xèo rồi về. Hết. Đâu còn gì nữa đâu. Tụi bạn thấy tưng tức mà không dám nói. Ai biểu đòi đi.


Tui định nói mấy ông bạn dạy bên marketing (còn định gửi thư cho ông Philip Kotler nữa kìa) đem sự kiện bà Mười Xiềm vô giáo trình như là một điển hình về xây dựng thương hiệu với các bài học thú vị. Nhưng giờ bỏ ý đó rồi vì sợ giáo trình in xong thì thương hiệu này không còn hay đang thoi thóp thì ăn nói sao với học trò. Nói xin lỗi bà Mười, chứ trong ngành ăn uống, mấy cái thương hiệu có khởi đầu kha khá cũng chỉ thọ chừng vài năm, rồi phải đổi mới làm lại.

Cái bánh của bà Mười là bánh bình dân vì vậy cần phải có tính phổ cập. Chứ cái bánh xèo đem bán 10 đô trong nhà hàng máy lạnh, như cái bánh pizza thì thua liền. Cũng như cái quán của bà phải gần với bà con mới được. Mà bà Mười cũng hơn 60 tuổi rồi, đưa bà ra chiến trường làm chi (ủa quên, là thương trường). Để bà còn tráng bánh cho tui ăn, cho con tui ăn, cho bà con ăn. Ai muốn làm gì hãy xay bột và tráng cái bánh xèo khác đi. Hãy đặt cho nó cái tên BAXETO ( bánh xèo tôm) hay gì gì cũng được. Rồi xách nó đem thi đấu với PIZZA, Big MAC… Chuyện này bà làm không nổi đâu nhe. Phải vậy hôn bà Mười.