Thursday, July 24, 2008

Thiếu cái thật bình thường.


Văn phòng tự dưng được xây ở một khu dân cư mới. Mà lại ở một góc cuối cùng, giáp ranh với ruộng và vườn. Mở cửa sổ là thấy ngay một màu xanh ngắt của đám dừa từ xa xa và cả đám lau sậy ở ngay trước mặt. Ông Kim- nhà thơ mà ngồi ở văn phòng này chắc mỗi tuần ra được một tập thơ. Ở góc nhìn này, những khi trời mưa thì thật là thúi ruột. trời tối hù, lau sậy ngã nghiêng, còn đám dừa oằn oại. Nước lên xâm xấp khiến cá rô nhảy long lóc trên mặt đường. Mấy đứa nhân viên hớn hở, phóng ra bắt cá bất chấp trời mưa. Nghịch ngợm như con nít, đến khi ướt nhẹp hết mới hay. Buổi chiều tụi nó có vài con cá rô kho ăn cơm. Ăn cho vui vậy thôi chứ nhiều nhỏ gì, mà đứa nào cũng nói: thiệt là đã. Thấy vậy, mình cứ nghĩ bụng: chuyện bình thường vậy mà tụi bây cũng thấy đã.


Cái chậu kiểng ở nhà không có người tưới thường xuyên nên chết queo. Thấy cái chậu trống không nên một hôm lượm mấy hột khổ qua nhét xuống đất. Vậy mà nó lên vù vù. Dây khổ qua càng ngày càng dài ra nhưng lại oằn oại, yếu xìu vì không có cái gì cho nó bám lấy để leo lên. Thấy vậy mới lượm mấy cành kiểng chết khô hôm trước cắm vào chậu cho nó leo lên. Thằng nhỏ ở nhà thấy mới cắm cành khô xuống một chút mà mấy cọng râu của dây khổ qua đã quấn riết. Nó vổ tay: Hay quá, đã quá. Tội nghiệp nó xưa nay có thấy đâu. Có vậy mà cũng đã quá. Rồi cha con phải kiếm dây giăng qua giăng lại trên hàng rào sắt để cho nó leo lên, dung dăng dung dẽ. Cái khoảng trống nơi hàng rào giờ đan đầy những lá xanh và những hoa vàng nho nhỏ, coi cũng vui mắt; còn đã hơn trồng kiểng nhiều. Buổi sáng thằng nhỏ rú lên khoái trá vì có một cái trái khổ qua nhỏ xíu trên đầu có một nụ bông, bất chợt xuất hiện từ một nách lá. Nó vô khoe: Đã quá ba ơi. Mình chạy ra coi thấy trong bụng vui lắm, ngộ lắm mà miệng cứ nói với con: vậy mà cũng đã.


Hôm rồi về quê công tác. Hồi còn nhỏ sống ở đây mà bây giờ thấy lạ hoắc. Nhiều thay đổi, nhiều cái biến mất tiêu. Đi vòng vòng thị xã, lúc nào cũng thấy thiếu thiếu cái gì. Chợt thấy một bà nhà quê (nói vậy thôi chứ chưa chắc bả nhà quê đâu nhe) gánh một cái nồi đen tròn tròn có mấy cái ống tre bốc khói bên trên. Trời đất ơi, bả bán bánh ống. Lần nào về cũng đi kiếm vậy mà giờ mới gặp. Kêu lái xe, tấp vô lề mua bánh. Bả hết hồn tưởng bị công anh xúc tới nơi. Hóa ra có mấy thằng cha thèm bánh quá ghé mua ăn vậy mà. Khoai mì mài ra trộn với nước lá dứa tạo màu xanh và mùi thơm. Rọc bánh đã chín ra rồi nhét dừa, đường và muối mè vô. Chưa xong gói thứ hai thì gói thứ nhất đã được ăn mất tiêu. Miếng lá chuối bóng lưỡng vì được liếm sạch! Bà bán bánh cười cười, chắc trong bụng rủa: đồ chết thèm. Mà đã thiệt lâu lắm rồi mới hưởng được cái hương vị này; nó có cao sang gì cho cam. Bình thường thôi mà. Sáng hôm sau, rủ nhau đi ăn bún nước lèo. Cái thứ bún suông nấu bằng mắm, tô bún không có muỗng, chỉ có đũa. Không có thịt chỉ có rau. Vậy mà bưng tô húp một cái rột, sạch cặn; đứa nào cũng kêu đã thiệt.


Bây giờ có những cái thật bình thường nhưng hay làm mình có những cảm giác thiệt đã. Nó bình thường nhưng vắng bóng trong cuộc sống bề bộn lâu quá lại trở nên xa xỉ. Nhưng những cái giản dị, bình thường đó đâu có lỗi. Lỗi là ở mình, lỗi là mình đã quên và lâu rồi không tìm đến nó.
Buổi tối, do làm biếng đội nón bảo hiểm mới lấy xe đạp của thằng nhóc chạy ra nhà ông bạn uống cà phê. Trên đường về, thả dốc cầu cho xe chạy xuống. Đã thiệt, lâu nay chạy xe máy qua lại hàng ngày mà đâu có cảm giác này. Hóa ra những cái bình thường vẫn còn đang ở quanh ta.

Wednesday, July 9, 2008

"EXIT AS PRO"

Cái phòng làm việc mới ở cái công ty mới này nhìn ra một khoảng không mênh mông. Mỗi khi trời chuyển mưa thấy trong lòng tao tác, chung quanh lặng lẽ dù xung quanh nhân viên và đồng nghiệp nhiều hơn. Chả bù cho cái lồng kính, ngày nào cũng bắt mình nhìn xuống con đường lăng xăng người, lăng xăng xe cộ; còn nếu nhìn ngược lại chỉ thấy những bức tường. Rồi cũng tới lúc này. Tôi đã rời cái nơi mà mình gắn bó và làm việc chung với một nhóm nhỏ như một “công ty gia đình” một thời gian dài. Chỉ khi nghỉ việc mới thấy nó dài ơi là dài, mới thấy lý ra không nên để nó dài như vậy. Biết rằng sẽ có một lúc nào đó mình sẽ ra đi vì có một cơ hội tốt, một cái job tốt hơn, muốn về gần nhà hơn hay chỉ vì không vừa lòng chuyện gì đó; nhưng khi nộp cái đơn xin nghỉ việc rồi cũng thấy hụt hẩng thấy mất mát trong khi ở đầu kia cái công việc mới đang cứ vẩy tay, đợi chờ.
Ra đi cũng phải cho “pro”. Một cái đơn xin nghỉ thống thiết lâm ly, một cái lý do vô cùng hợp lý tới mức ai đọc cũng thấy sao nặng… “xạo”. Cái đơn không uẩn khúc, không chửi bới, không luyến tiếc và theo ông bạn, đó là một cái đơn kinh điển. Một kế hoạch bàn giao (mặc dù chắc không cần), một list công việc đang làm, một số công việc đang làm cho xong… tất cả được viết y như trong sách hướng dẫn. Cái khó khi viết đơn là phần ghi thời gian khi nào chính thức nghỉ. Mai chăng, tuần sau chăng, hay tháng sau. Chỉ sợ ghi mai nghỉ thì thằng xếp nó biểu cuốn gói xéo ngay hay bị áp tải ra thang máy tức khắc mà chưa kịp chia tay mấy đứa nhân viên, bạn bè. Cuối cùng rồi resignation letter (đơn xin nghỉ) cũng làm xong và nhắm mắt đếm ngược cho đến khi bấm nút send. Ngồi bần thần một lúc rồi tưởng tượng ra đủ thứ cảnh chia tay (không biết có nước mắt nước mũi gì không hở trời). Ra khỏi phòng bạn bè đứa thì nói chúc mừng, đứa thì hỏi sao vậy, đứa thì thêu dệt tình tiết cho một quyển hồi ký… và cuối cùng thì… không có gì xảy ra, như chưa hề có cuộc chia ly!
Một buổi ăn bánh xèo Đinh Công Tráng là kết thúc cho mười năm làm cùng nhau. Thế thôi. Xếp lớn xếp nhỏ gửi vài mail giã từ, tiếc rẽ ( chắc cũng kiểu như cái đơn của mình), còn xếp trực tiếp thì lạnh tanh, không hề có một thông điệp nào ngoại trừ cả tuần sau mới nhận cái message từ bộ phận nhân sự: Xếp OK rồi! Hê. Khác biệt văn hóa mà. Có mấy đứa xúi giục: cứ tà tà nhưng không làm gì hết. Đợi nó đuổi, bồi thường một đống tiền chơi chứng khoán. Đứa thì biểu: chửi nó đi cho nó đuổi lẹ rồi lãnh tiền. Trời, làm vậy chắc bên công ty mới chạy mình luôn. Làm người ai làm thế. Nói vậy chứ cũng ra mua cuốn Luật lao động đem về coi nó trả mình mấy tháng lương.
Hồi còn làm có thấy ai gọi rủ rê gì đâu. Vậy mà khi vừa nộp đơn xong, điện thoại cứ tấp nập chào mời. Một em “săn đầu người” xinh tươi cảm thấy tiếc rẻ khi mình nói đã có nơi trao thân gửi phận rồi. Vậy mà em còn quyến rủ. Em chờ anh sáu tháng nữa nhe, bảo đảm với anh sau thời gian đó anh sẽ xin nghỉ tiếp. Cái job sau đó mới bền. Kinh nghiệm của em đó.
Vái trời cho lời tiên đoán của em trật lất. Đã hơn một tháng rồi kể từ ngày chính thức nghỉ việc. Thỉnh thoảng bạn bè, đồng nghiệp cũ cũng í ới gọi nhau tâm sự, kể chuyện cơ quan như không có chuyện gì hết. Riết rồi cũng quen dần, tên của mấy đứa trong công ty mới cũng đã gần thuộc hết. Chỉ thỉnh thoảng nhìn ra cửa sổ thấy cái mênh mông trống trãi mà nhớ tới không gian ăm ắp người. Muốn được vậy, ra đi cũng phải cho “pro”.

Wednesday, March 12, 2008

NGAO NGÁN LỄ HỘI ẨM THỰC


Quê mình có lễ hội lớn là dịp để đi khoe rùm. Gặp bạn, đứa nào mình cũng nhắn tới đó xuống chơi , cứ như là lễ hội của nhà mình. Mà có cần mình quảng cáo làm chi. Trên báo đài, ngoài đường, trong khách sạn ai mà nghe nói vụ này.

Đùng một cái hôm lễ hội, mọi người tề tựu về hết mới chết. Ngập đường phố toàn là người, xe cộ bị hạn chế một số nơi, đúng kiểu festival, biểu diễn hoành tráng…Thằng bạn thấy xe hoa của quê mình, khoái chí hỏi: quê mày cũng có chợ Bến Thành ? Cứng họng. May mà có một màn trình diễn sử thi to đùng mà nó chỉ có thể coi qua truyền hình gỡ gạc. Nếu không chắc nó nhắc hoài tới chết.

Biết có một lễ hội ẩm thực đặc trưng của quê hương mình sẽ diễn ra rất đặc sắc. Dẫn nó đi ăn một chầu cho căng bụng là hết ấm ức. Chín giờ sáng tới khu ẩm thực, gửi xe. Hớn hở đi vô mấy gian hàng. Ai cũng lắc đầu nói chưa bán trong khi thấy trên quầy bày biện đầy nhóc thức ăn. Hỏi ra mới biết: Ban giám khảo chưa ăn ) mà bán buôn gì cha nội (ăn mới biết để chấm chứ. Tức quá mấy thằng rủ nhau vô nhà hàng nhậu quắc cần câu về ngủ.

Hôm sau, bạn bè về hết. Tức trong bụng dẫn mấy thằng nhóc nhà mình trở vô khu ẩm thực xem có gì để sau này còn bào chữa với chúng bạn. Thằng út nhìn qua lại hỏi: Ba ơi, xúc xích Đức là đặc sản của vùng quê mình hả? Trời đất. Xung quanh thấy có rất nhiều nơi bán xúc xích, gà rán, cá viên chiên…Đâu cũng thấy mấy món mà giờ mới biết là món ngon quê mình (Vì lễ hội ẩm thực bán món ngon của xứ mình mà). Để đi kiếm mấy món mà mình biết xứ mình xưa nay có cho chắc ăn). Đến quầy Bánh Canh Bến Có. Ba ơi thứ này ở quê nội nè. Cha con hớn hở đi vào. Người bán nói Bánh canh Bến có nhưng chưa có, chỉ có bánh canh xứ này thôi, được không? Thằng lớn đói meo bảo thôi vô ăn đại bánh xèo nhãn hiệu nổi tiếng trên báo cho rồi. Mua vé 3 cái bánh xèo. Chẳng thấy ai dòm ngó tới mà người ta đứng chờ như kẹt phà Cần Thơ. Cha con tự động lấy dĩa rau, lấy nước mắm dọn ra. Còn đứa anh cầm cái dĩa chìa ra chờ mấy bà chiên bánh động lòng hảo tâm cho một cái. Thằng nhỏ uất ức: Sao mình giống ăn xin quá. Chừng 30 phút thằng lớn quay lại nói nghe bà chủ bán bánh vừa làm vừa chửi thề nghe ghê quá nên bỏ luôn!

Vậy là cha con hài lòng với mấy que xúc xích mua từ quầy của mấy khách sạn nổi tiếng trên Sài Gòn xuống bán rồi uống lon Coca đi về. Mấy đứa nhỏ cằn nhằn còn mình thì không dám nói một câu sợ quê với tụi nó. Tới bãi giữ xe mới thấy thằng lớn hớn hở chạy ra tay cầm một khúc tre dài, đầu tóc bờm xờm, áo quần xộc xệch…khoe: con mới giành mua được một khúc cơm Lam! Lấy xe ra thì có điện thoại của ông bạn. Ổng nói như hét: Đừng vô khu ẩm thực ăn cơm rang Dương Châu (địa danh này gần Cà Mau thì phải). Cơm thiu đó, thằng cha bếp trưởng mới xin lỗi tao xong !!!

*****************************************************

Hôm sau đi công tác xa. Chuyện đã vào quên lãng thì đùng một cái thằng bạn lấy xe chở vợ con xuống chơi, gọi điện thoại hỏi: Xuống quê ông dự lễ hội chỉ có mấy gánh hàng rong dọc bờ sông vậy thôi đó hả. Nghe nói có khu ẩm thực lớn lắm. Đi đường nào tới chỉ với.
Vội vàng tắt máy luôn. Có gì mai nói với nó là mình hết pin.

Wednesday, February 6, 2008

CHIỀU 30 TẾT - CẦN THƠ

Chiều 30 tết - 15 h rồi. Những cành mai đã héo úa. Người bán vẫn còn hy vọng. Mà vẫn còn người mua kia mà

Xe bánh mì còn đầy. Chiều rồi, ế ẩm. Bà nghĩ không biết sẽ làm gì với mớ bánh ế trong đêm giao thừa

Sunday, February 3, 2008

TẾT NÈ BÀ CON ƠI


CÓ MAI MỚI CÓ TẾT CHỨ

MỘT VÒNG CHỢ XUÂN CẦN THƠ

Bán vàng, bán lộc "giả"

Bán lộc thiệt


Bánh tổ. Khi cần đi kiếm muốn chết


Trên bến dưới thuyền





Thuyền hoa


Hoa mai




Bán "ghế ngồi" cho dưa hấu




Thần tài đến




Chợ Xuân thì vui lắm. Nhưng nhất là chợ hoa





Và ..........

TẢN MẠN NGOÀI QUÁN CUỐI NĂM



Bên ngoài quán, không biết người ta đi đâu mà dữ vậy. Sao giờ này mà không chịu về nhà. Cứ đổ xô ra ngoài đường như thể lúc nào ở trong thành phố này cũng có lễ hội. Một lần ở Malaysia, ở trên một khách sạn cao tầng buổi sáng thấy rõ ràng những dòng xe “chảy vào” thành phố; tới hơn 8 giờ là hết. Buổi chiều, tan tầm, những dòng xe chảy ngược ra tới gần 7 giờ là vắng lặng. Sao ở Sài Gòn mình lúc nào ngoài đường cũng đông, 9 -10 giờ mới là lúc đông nhất. Người ta đi đâu vậy? người ta không đi làm à? Câu hỏi này một người bạn nước ngoài thắc mắc. Nhột quá không biết nói sao cho vẹn toàn, bèn nói rằng ở các nơi “tiền” nằm trong văn phòng, siêu thị… còn Việt Nam “tiền” ở ngoài đường. Do vậy, người Việt mới đổ xô ra đường kiếm tiền. Thiệt chứ, người ta mua bán ở ngoài đường. Lề đường là phương tiện trung gian. Cửa hàng là những căn nhà mặt tiền. Người ta ra đây bán, người ta tới đây mua và phải đi ra đường mới tới được. Các công ty thì chỉ có bộ phận hành chính, kế toán… mới ở văn phòng còn muốn bán buôn gì thì cũng ra đường mới tới khác hàng được vì khách hàng cũng ở “ngoài đường”. Ai cũng nhao nhao: quán mình nhậu cũng ở ngoài đường nè.! Đâu có xứ nào ra ngồi ngoài lề đường nhậu như mình.
Hội nhập rồi thì phải giống người ta chứ. Ít nhất là cũng giống hàng xóm. Chứ gì mà hễ đụng chuyện là có người so sánh: ở bển nó như vậy….còn mình thì như vầy. Từ hồi vô WTO tới giờ, cái cụm từ so sánh kiểu này nghe hơi nhiều. Chắc là vì có ra “đường lớn” nhiều mới thấy người ta như thế nào mà so sánh chứ. Chỉ mong từ từ rồi nó cũng hết.
Ai cũng thấy rằng từ khi có cái vụ hội nhập, cuộc sống như hối hả hơn. Chính phủ cũng vậy,.mà người dân cũng vậy. Mọi thứ đều phải được bắt kịp và mọi người đều sợ “cái không giống ai”. Tỷ như cái vụ đội nón bảo hiểm, sở dĩ làm tốt là vì mọi người sợ không giống ai. Mai mốt chỉ cho nhậu trong nhà, nhậu ngoài đường không giống ai. Là hết liền hà


***************************************

Giáng Sinh, rồi kéo theo Tết Dương lịch. Những ngày cuối năm này thành phố như ở một xứ khác, cây thông tràn ngập, tuyết phủ khắp nơi, ông già Noel chạy honda ngời ngời còn hơn cưỡi tuần lộc. Mấy ông bình luận là năm nay đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi của mình đâu có khác gì Orchard Road của Singapore đâu. Không khí cũng hội nhập ghê, khác gì các nước phương Tây, mặc dù dân mình ăn Tết Nguyên đán. Một ông buộc miệng nói: không biết sao này có cái ngày mà mình chỉ ăn Tết tây mà bỏ Tết Nguyên đán không, cho nó giống người ta? Đang vui mà ổng làm cho chùng xuống. Bàn tiệc chiều cuối năm giữa những người bạn giống như cùng đi xem tivi. Lúc tường thuật bóng đá thì cùng la hét. Lúc nghe nhạc, bình thơ thì lặng im. Không có nhạc trưởng nhưng nhịp nhàng lắm. Những chuyện của năm rồi móc ra hết, không theo thứ tự thời gian nào. Nhớ gì nói nấy. Có những chuyện bức xúc, ai cũng quơ tay quơ chân sợ không được góp tiếng. Có những chuyện kể ra mọi người lặng lẽ nuốt ực ly bia như nuốt xuống cái gì đó.

Mọi người thi nhau kể chuyện ăn tết hồi xưa. Tết đến người ta gói bánh tét, Tết đến người ta quết bánh phồng, tráng bánh… Không biết Tết này bà già ở dưới quê có gói bánh không, có làm dưa kiệu không…Tự nhiên không nói ra nhưng ai cũng sợ sẽ mất một cái gì đó. Cái được thì trước mắt còn cái mất thì vô hình nhưng dường như quý giá lắm. Nhưng chỉ sợ vậy thôi. Mọi người chợt cầm ly lên la to: Vô. Rồi nuốt cái ực.

CÁI BÁNH ÍT NGÀY XƯA

Bánh ít hay bánh ích? Hồi nhỏ tôi đã thắc mắc như vậy. Nhưng lúc ấy bà tôi nội đưa cho cái bánh "ít", rồi gõ đầu bảo bánh này mà ít sao? Do phát âm nên người dân miền tây không phân biệt được là ích hay là ít. Mà có quan trọng gì đâu cơ chứ. Miễn sao có cái để mà thưởng Xuân, ăn Tết. Ít nhưng mà không ít.

Ngày xưa, chúng tôi mong Tết dữ lắm. Đầu tháng 12 âm lịch đã nôn nao rồi. Lúc đó thường là 28-29 tết. Thường khi ấy gió chướng về thổi phần phật, mấy cây mai chỉ toàn nụ xanh, ngã qua ngã lại. Không khí có cái gì đó khan khác, vui lắm, không giống ngày thường. Bọn trẻ chúng tôi càng nôn nao tợn. Khi bà nội tôi bảo rửa lá chuối gói bánh ít thì Tết đã đến gần. Những tàu lá chuối chọn cho lành nguyên, rọc ra và xé thành những miếng khoảng 30 cm vuông. Lá đem rửa cho sạch rồi, cắt tròn góc rồi phơi một tí nắng cho mềm lá. Mẹ tôi thì nấu đậu xanh cho nhừ rồi nêm nếm để nguội. Vắt đậu thành những viên nhân. Dừa rám-tức không quá già-đem nạo rồi xào với đường. Loại đường thẻ mà ngày nay ít khi thấy có bán trên thị trường. Dừa xào xong cũng vắt thành nhân. Công đoạn của bà tôi làm là chuẩn bị bột. Bột nếp xay ra từ mấy ngày trứơc, sau đó cho bột nuớc vào trong cái bao "bồng bột". Loại bao làm bằng vải dầy chỉ cho nuớc rĩ ra chứ bột thì còn lại. Sau một ngày đêm cục bột còn lại trong bao phân làm hai, nửa đem xắt phơi khô. Còn phân nửa để trắng như vậy để gói bánh dừa ngọt. Còn bột khô thì nhào nặn với đường nung chảy làm thành thứ bột ngà ngà như mật, thơm lừng mùi đường thẻ. Bột này ngọt dùng để gói nhân đậu xanh.

Tôi chỉ được sai vặt. Lúc thì rửa lá lúc thì nạo dừa, chụm lửa chứ chưa khi nào được mó tay vào việc gói bánh. Vì công việc này đòi hỏi phải có nghề. Nếu không, khi chín, bánh sẽ không đứng thẳng mà bò dài ra. Mẻ bánh hấp được chín đầu tiên bao giờ cũng là để xem bột có khô không, có nhiều nước không. Chúng tôi hay giành nhau mấy chiếc bánh đầu tiên này, nên khi bắt đầu gói bánh thì tích cực ngồi gần giúp bà, giúp mẹ; lúc thì chụm lửa, lúc thì lấy cái này cái kia. Chúng rất ngon vì cái bánh ít đầu tiên mình được nếm trước mọi người nên thích lắm. Ôi cái mùi thơm của đường, cái vị béo của dừa, của đậu. Tất cả kết tinh thành một phần cái mà ta gọi là quê hương

Mấy ngày Tết trôi qua, rỗ bánh to đùng vơi dần. Bà tôi nói không nhờ bánh ít thì làm sao cho lũ trẻ chúng tôi có quà bánh ăn cho đủ trong mấy ngày xuân. Bây giờ, bà già rồi không còn đủ sức ngồi gói, mẹ tôi cũng vậy. Nhưng Tết cũng có bánh ít mà là bánh mua từ chợ về, đặt người gói để ăn Tết. Các con tôi cũng có bánh ít ăn Tết. Nhưng chúng đâu có biết được cái háo hức ngày xưa mà tôi từng tận hưởng mỗi khi cả nhà chuẩn bị gói bánh. Nó không chỉ là nổi nôn nao trẻ con mà còn là sự trào dâng của không khí Tết, của mái ấm gia đình, của quê hương. Sự bận rộn, bôn ba của cuộc sống làm ta mất đi quá nhiều những ký ức đẹp đẽ ngày xưa.

QUẾT BÁNH PHỒNG ĂN TẾT


Giữa cái nắng hanh khô và gió phần phật của mùa giáp Tết, tiếng rao của bà bán bánh vang lên xé toạc cái yên ắng đến nao lòng. “Phồng đê..ê” . Mấy chữ “bánh phồng đây” nói còn chưa trọn tiếng mà mọi người trong con hẻm ai cũng biết đó là gì rồi.
Cái xề đầy ắp những cái bánh phồng đã nướng sẵn, đựng trong một cái túi nylon to đùng. Cái xề nằm lắc lư trên chiếc nón lá như che mát thêm cho người bán giữa buổi trưa oi ả. Không một lời đáp lại, tiếng rao nhỏ dần rồi mất hẳn ở đầu hẻm.

Tiếng rao đi rồi nhưng hình ảnh cái bánh phồng ngày xưa ập đến với đầy nhóc những ký ức. Thời đó cái ăn còn khó. Thời đó quà rong còn là xa xỉ, những miếng ngon, những thứ cầu kỳ đều để chờ Tết. Đưa ông Táo xong học sinh đều được nghỉ học. Những ngày chờ Tết rất là vui. Vui vì chờ chiếc áo mới mà mùng một mới được mặc, vui vì nồi bánh, nồi thịt sẽ được múc ra khi cúng rước ông bà. Những ngày giáp tết là dịp chúng tôi mang chút quà về quê thăm họ hàng. Là dịp mang từ quê ra những thứ chỉ ở quê mới có, trong đó có bánh phồng.

Những ngày này về quê là chỉ đi hết nhà dì này, cậu nọ. Mọi người đều rãnh rang vì đã gặt hái hết rồi. Chỉ có mỗi một bận bịu là công việc quết bánh phồng. Cả xóm từ sáng sớm đã vang tiếng thùm thụp của chày cối. Cục nếp dẽo cứ bịn rịn níu kéo cái chày khiến cho người giã mím môi hết sức mới kéo nổi chày lên và giáng xuống lần nữa. Sự níu kéo cứ thùm thụp mãi như sự giằng co giữa ký ức và hiện tại, cho đến khi cục nếp đã được giã nhuyễn. Tôi hay đứng nhìn cách mà mọi người làm chí bánh phồng thành một tấm bánh tròn trịa. Những phần nếp nhỏ nằm trên lá chuối xanh, người ta lấy ống tre thoa mỡ lăn tráng thành bánh phồng tròn. Nhà nào cũng quết bánh, nhà nào cũng có bánh. Sân nhà ai cũng có những liếp tre phơi đầy bánh phồng. Vậy mà nhà này đem qua nhà kia tặng cho nhau từng chục bánh phồng nếp như là quá Tết. Trong nhà đầy nhóc bánh phồng nhưng dì Năm luôn miệng hỏi cậu Út mày có đem cho bánh chưa, như là một lễ nghi ngày Tết, thiếu thì không được.

Buổi tối, những ngọn gió bấc mặn chát mùi biển mang theo mùi thơm của nếp từ những đám cháy bập bùng, rãi rác khắp nơi trong xóm. Mọi người hay trãi chiếu ngồi trước hàng ba với một ấm trà ủ trong bình bằng võ dừa và một mớ bánh phồng nướng từ rơm. Kẹp tấm bánh vào giữa hai miếng tre. Phải nhanh tay lật qua lật lại trên lữa bánh mới phồng đều và không bị khét. Độ phồng của bánh là thước đo tay nghề của người làm bánh và chiếc bánh nào nướng xong đâm cây tăm xỉa răng vào mà ngập lút thì đạt.

Giờ thì lâu rồi tôi không thấy cảnh quết bánh phồng, không còn chứng kiến những đêm nướng bánh trên rơm. Nhưng bánh phồng thì vẫn được mang đi bán. Bán cho những người không còn có thời gian với ký ức như tôi, có thể như bạn nữa. Tiếng rao bán bánh phồng đi mất rồi, chỉ còn lại một nổi tiếc nuối vô hạn và một thứ lo lắng: liệu ngày nào đó người ta sẽ không còn làm bánh phồng? Tôi muốn có một chiếc bánh nướng rồi hay chưa nướng cũng được và một mớ rơm. Để tôi đốt lên ngọn lữa gìn giữ ngày xuân xưa.