Buổi sáng ông bạn ra uống cà phê mà hí hửng lắm. Anh khoe mới mua cuốn Quốc Văn Giáo khoa thư mà từ lâu rồi anh vẫn tìm kiếm. Quyển sách vẫn có hình ảnh, giọng văn, chữ nghĩa như cũ nhưng được in lại mới toanh. Cả bàn cà phê nhao nhao hỏi anh mua ở đâu. Và rồi một cuốc hội thảo bỏ túi về Quốc văn giáo khoa thư mở ra, và...hôm đó nhà sách bán được trên chục cuốn.
Tôi cũng mua một cuốn. Thật tình mà nói, tôi không bao giờ mong mình lại có cuốn sách này với giấy trắng, bìa cứng đẹp đẽ như vầy. Trong đầu tôi đó là một quyển sách vàng khè, cũ xì. Những câu chuyện trong sách vẫn còn đó, nhưng khi đọc lại tôi cũng thấy nó ngồ ngộ làm sao. Đó là lời văn của cả thế kỷ trước, bảo sao không thấy lạ. Có cả những từ mà bây giờ hiếm ai xài. Có cả những kiến thức mà đọc thấy buồn buồn cười cười, tỷ như bài “Bệnh ghẻ”, viết rằng: “...Ai mắc bệnh ấy thì nên chữa ngay. Mà chữa thì phải lấy xà phòng đen và bàn chải cứng mà xát vào những chỗ ghẻ cho bật máu ra, rồi tắm rữa cho thật sạch...”. Trời ơi, vậy là chết chắc.
Cách đây 15 năm đã là lạ rồi. Hồi đó, ông bạn sáng nay khoe sách mới là một nhà báo, cũng có chức vụ khá trong toà soạn địa phương. Hắn ta khuyến khích: viết đi cho vui với đời. Bài viết là một dạng tài liệu, gọt dũa, chế biến lại thành bài. Vậy mà hắn cũng đăng cho mình. Trời ơi, hồi đó có bài được đăng còn đã hơn được in sách bây giờ. Nhuận bút nhận xong làm một chầu. Rồi hắn bảo viết nữa nhe. Mỗi lần có bài được đăng là cắt ra bỏ vào bìa cứng lưu lại (làm gì có máy tính hay USB mà sao chép, lưu trữ). Một lần do công việc, thấy một quan chức thuộc hạng đầu tỉnh uống rượu theo kiểu bét nhè. Giận quá viết bài kiểu “trà dư tửu hậu” khều nhẹ chơi. Có điều tả hơi kỹ nên khi đọc là biết ai liền. Bài đăng rồi mới nói cho hắn biết. Chỉ còn nước kêu trời, hồi hộp chờ thư mời họp. Hên quá, không ai đọc báo nên...qua luôn. Những bài viết như vậy vẫn còn cất giữ, nhưng không dám đọc lại. Càng không dám để ai đọc, vì thấy nó ngố lắm. Từ cách viết cho đến, từ ngữ. Bây giờ báo chí thấy trái tai gai mắt là đăng rùm trời. Toàn chuyện động trời. Chứ không như cái bài trà dư tửu hậu viết về anh hai tỉnh mình uống rượu khiến cho cả toà soạn đứng ngồi không yên năm nào.
Quyển Quốc văn Giáo khoa thư mang về đưa cho thằng nhỏ. Bắt nó đọc ngay bài đầu tiên: Tôi đi học. Nó nhăn nhó đọc, rồi tiếp thêm vài bài nữa. Bỏ xuống rồi bảo sao viết gì kỳ vậy. Tôi giải thích rằng hồi xưa như vậy. Nhưng nó không dễ dàng chấp nhận. Buồn trong bụng, giận. Nhưng giận vì lý do gì thì không biết. Lấy ra đọc cũng thấy khó. Những bài học đạo đức còn y nguyên giá trị nhưng để vận dụng và nâng cao giá trị thì chắc phải làm thế nào, chứ cứ bảo bọn trẻ đọc nguyên xi thì không tác dụng rồi. Tối đến, cố gắng đọc cho nó nghe mấy bài đạo đức trong Quốc văn giáo khoa thư nhưng cải biên theo kiểu Đôrêmon. Thằng nhỏ cười khanh khách, hỏi sao nữa ba, sao nữa ba...Đêm về, lôi mấy bài báo cũ ra. Bình tâm đọc lại. Nghiệm ra rằng hồi xưa mà mình viết kiểu bây giờ chắc không ai chấp nhận và với nội dung đó mà mình thể hiện lại theo kiểu bây giờ thì chắc cũng còn người đọc. (Thiệt đó, hôm nào viết thử cho coi)
Vậy đó, sự phát triển đi theo vòng tròn, nhưng rộng ra, cao hơn, xa hơn. Vấn đề là cái TÂM. Ai muốn hiểu sao hiểu. Nó là cái tâm vòng tròn, là cái mốc cho ta giữ để không làm cho vòng tròn méo đi khi phát triển, khi đi càng xa. Cũng là cái TÂM con người, nếu chính đại thì lúc nào cũng vậy thôi. Bây giờ có phong trào tặng chữ cho nhau. Ước gì ai đó tặng mình chữ tâm