Thursday, April 12, 2007

PHÚ QUỐC: 24 GIỜ - ĐI VÀ VỀ



Tôi đã đi gần hết xứ mình mà có một nơi bạn bè hỏi tôi không biết: đảo Phú quốc. Tưởng xa xôi lắm, nó gần ngay cạnh mình mà không tới được. Tưởng khó khăn lắm vậy mà có đủ tàu cao tốc, máy bay ra tận nơi. Một ngày thứ Bảy mùa thu, tôi quyết định ra Phú quốc, đi cùng là cậu nhóc nhà tôi vừa vào lớp 5. Hai cha con mỗi người một balô lên đường. Không tính trước sẽ ở đâu và đi đâu cả. Đến nơi, chắc sẽ có cách mà.
Chuyến bay 6.40 sáng từ TP. HCM làm cha con phải thức rất sớm để ra sân bay. Chờ thì rất lâu (ai cũng biết vụ này mà) nhưng bay thì có chút xíu.

6:40 – 8:00 Chuyến bay sớm
Chiếc ATR hơn 70 chỗ đã ngồi gần kín. Chị ngồi bên cạnh là dân thổ cư ở Phú quốc, than rằng mấy hôm rày trời gió nhiều, biển động nên chị phải về bằng máy bay chứ không thì đi xe đò về Rạch giá, rồi mua vé tàu cao tốc ra Phú quốc. Thích hơn, rẻ hơn mà cũng chỉ mất có 2 giờ. Trên máy bay chị chỉ cho mấy vệt trằng xoá kéo dài trên biển. Đó, tàu cao tốc đó! Tiếp viên chỉ cho uống một cốc nước, vì đường bay ngắn quá mà; nếu đãi ăn chắc sợ dọn không kịp! Hơn 7:30 máy bay đã đáp xuống rồi. sân bay coi cũng khang trang. Khi đi ra ghé ngang quầy tiếp tân, nhặt tờ rơi giới thiệu một khu du lịch, có nhà nghỉ…in hai thứ tiếng Anh-Việt; thằng nhỏ ngó sơ phát hiện 5 lỗi chính tả Việt!

8:00 – 9:00 Nghỉ trong boongalow
Ra đón xe ôm, nhân tiện để hỏi đường, vì cũng không biết mình sẽ đi đâu. Xe ôm mà cũng có đồng phục nhe. Kêu xe cứ chạy đại vô khu nào có chỗ ở là được. Chạy một lúc vô Dương tơ, biết bao nhiêu là khách sạn, nhà nghỉ. Hổng hiểu sao mà lòng vòng một lúc cho hai cha con xem, xe lại chạy tuốt vô khách sạn Sài gòn-Phú quốc. Cầm bảng giá công bố mà hơi run. Mắc quá, mặc dù khách sạn đẹp lắm. Một cô tiếp tân biết ý nói nhỏ mùa này vắng khách có thể tôi sẽ được “offer” giá thoả thuận. May quá, tôi có được một boongalow đẹp, nằm cạnh bờ biển mà giá cũng được lắm. Cô bé tiếp thị tên Ngọc có vẻ chuyên nghiệp cho biết trong năm, tháng nào là cao điểm, tháng nào vắng khách. Khi vắng khách thì có giá thoả thuận. Nhận phòng xong hai cha con ra nhà hàng của khách sạn ăn sáng trong một phòng ăn tuyệt vời có tầm nhìn hướng sơn, hướng biển thật lý tưởng, có nhiều món ăn dân dã địa phương thật ngon. Ngồi vừa ăn vừa ngắm biển hai cha con quên mất mình chỉ có 24 giờ trên đảo này. Sau này la cà với dân địa phương mới biết còn có nhiều khách sạn “vừa ở” hơn ở xung quanh khu này. Nhưng sang nhất là Sài gòn-Phú quốc.

9:30 – 10:30 Ngọc trai Phú quốc
Ăn sáng xong, cầm bản đồ vừa lấy ở tiếp tân khách sạn để nghiên cứu. Thời gian ngắn quá nên chọn đại hướng Nam mà đi. Đứng lóng ngóng trước khách sạn, mấy tay xe ôm nhào vô chào mời. Cho thuê xe honda, một ngày 100.000 đồng. Vừa gật đầu là giao xe ngay, kèm theo một nón bảo hiểm. Không hỏi tiền trước, khỏi cần giấy tờ. Hỏi bộ không sợ mất sao. Mấy ảnh cười hô hố: rồi ông chạy đi đâu? Chạy dọc bờ biển trên con đường đất đỏ, xuôi về Nam. Chừng 5-6 km thấy trên bản đồ có ghi chú: Cơ sở nuôi cấy ngọc trai, liên doanh với Úc. Ghé xe vô mà thất vọng lắm. Kiểu này mà ở Thái Lan, họ làm hoàng tráng lắm chứ đâu có lèo tèo như thế này. Ngọc đúng là ngọc thật, có giấy chứng nhận, đẹp nhưng mắc quá trời mà mẫu mã cũng không phong phú. Thằng nhỏ chán lắm, cứ đòi ra về.


10:30 – 12:30 Đi Hàm Ninh ăn hải sản
Nó ngồi đàng sau, lật bản đồ chỉ đường cho ba đi tắm suối. Con nít mà nghe tắm táp là sướng lắm. Trong bản đồ có ghi nơi tắm là suối Tranh. Đi lằng ngoằng một đoạn, hỏi người dân ven đường mới biết là suối Tranh chỉ cách chợ Hàm Ninh chút xíu. Thuyết phục nó ra chợ ăn cơm trước chứ giữa trưa mà tắm sao được. Chợ Hàm Ninh nhỏ xíu nhưng tập trung. Muốn mua gì đem về cũng có. Khô các loại, từ mực, bào ngư, vi cá…cho đến cá cơm. Hạt tiêu, mật ong rừng…Đủ thứ đồ lưu niệm kể cả ngọc trai óng ánh nhưng loại 8-9 gì đó không biết. Có mấy cô gái hỏi ăn ghẹ tươi hôn. Bao nhiêu một ký. Có 50.000 hà. Hôm trước, ở Sài gòn trong quán bán tới 200.000. Vậy là luộc 2 ký ăn cho khỏi bõ công (tốn thêm 5000 ngàn tiền gas để luộc và muối tiêu). Cuối cùng phải bỏ lại 3 con nho nhỏ vì bụng không chứa nổi nữa và do vậy khỏi ăn cơm.

12:30 – 15:30 Tắm suối như tiên
Chợt nhớ có một ông bạn ở ngoài này định gọi hỏi thăm. Anh nghe điện thoại thấy có người ra mừng lắm. Hỏi ở đâu rồi kêu đứng yên đấy để anh ra đón. Hoá ra, anh có một nhà hàng mang tên Vườn táo, hỏi mấy ông xe ôm ai cũng biết. Chừng 30 phút sau anh ra tới. Thằng nhỏ cứ nằng nặc đòi đi tắm. Anh Phát bảo, tắm suối Tranh không đã đâu để anh dẫn đi tắm suối Đá bàn, hoang sơ hơn nhiều. Mỗi người một chiếc xe, anh dẫn đi lòng vòng, qua những khu dân cư thưa thớt. Đến một cái hồ lớn, nghe nói xưa là một cánh rừng nay ngăn lại chứa nước cho huyện đảo. Đi ngang qua hồ bằng một chiếc đò nhỏ chạy bằng máy đuôi tôm, chúng tôi đến một cánh rừng như còn nguyên sơ, có suối chảy róc rách, phong lan rừng vắt vẻo trên những cành cây, ra hoa ngộ nghĩnh. Khung cảnh vắng vẻ, nếu không có người địa phương cùng đi chắc không dám mò đến nơi này. Mùa này suối rất nhiều nước, đổ ào ạt, mát lạnh rợn cả người. Sức nước mạnh làm massage trên cơ thể, hay gấp nhiều lần hồ jacuzzi trong mấy khách sạn lớn. Nằm trên đá, nước đổ trên người, ngữa mặt lên trời ngắm phong lan. Kiểu này mà gọi là tắm tiên cũng không quá đáng. Nghe nói có hoa hậu ra đây tắm để đóng phim đó.

15:30 – 19:00 “Nhà thùng” và nhà hàng Vườn Táo
Thằng nhỏ chưa muốn về nhưng chiều rồi, vả lại đói bụng nên phải miễn cưỡng rời chốn này tìm nơi ẩm thực. Trên đường về, anh chỉ cho chúng tôi một cơ sở “nhà thùng” (làm nước mắm). Ghé vô coi cái thùng như thế nào? Khổng lồ. Có cả chục thùng như vậy. Chủ cho nếm một muỗng nước mắm nhỉ. Quá thơm. Nhưng mua về không được vì “nhà bay” không cho. Tuy nhiên, họ có đưa số điện thoại ở Sài gòn, kêu một tiếng sẽ mang tới nhà ngay.

Hoá ra nhà hàng Vườn Táo của anh Phát là một điểm đến của du khách. Ở đây còn có cả một hầm rượu vang sim, rượu hải mã thứ thiệt do anh nghiên cứu sản xuất. Nghe nói anh còn định xin khai thác một ngọn đồi để trồng sim và làm hầm rượu vang cho du khách tham quan. Bữa ăn chiều mới là điều kỳ diệu. Món gỏi cá trích danh bất hư truyền quả tiếng đồng không sai! Thứ cá mỏng, dẹp bằng hai ngón tay. Lạng lấy hai miếng thịt bên hông đem trộn với giấm đường. Khi sắp ra dĩa rắc lên trên tỏi ngâm dấm, tỏi phi, đậu phọng, rau răm. Vậy còn ăn làm sao? Ăn với thứ bánh tráng, ướt như bánh cuốn nhưng tráng rất khéo, dai mà rất mỏng. Kèm theo là những thứ rau rừng như đọt bàng, trâm, nang, kim cang, bằng lăng, viết... Khi cuốn phải cho vào một ít dừa nạo béo ngậy. Cái thứ bánh tráng đặc biệt cuốn xong nhìn thấy nó bóng nhẫy phát thèm. Nước chấm là loại nước mắm Phú quốc hảo hạng đã pha chế. Còn mấy món nữa như cơm ghẹ, tôm rang me... nhưng không ấn tượng mạnh vì lỡ ăn món đầu tiên no quá.

19:00 – 10:00 Tắm biển đêm và hủ tiếu mực
Về tới cửa khách sạn, trời đã nhập nhẹm. Ông có xe cho thuê chạy tới hỏi vui hôn. Trả xe trả tiền, rồi good night. Vậy là xong hợp đồng. Ngã lưng trong căn phòng boongalow mới sảng khoái làm sao. Biển bên ngoài cứ vỗ rầm rì. Tắm xong thằng nhỏ đâu chịu tha màn tắm biển. Trời tối hù, nhưng thấy mình xuống bãi là đèn sáng lên, có người ra trông chừng. Thấy phiền quá nên hụp lặn vài cái rồi lên hồ bơi tắm cho chắc ăn. Cũng có mấy người tắm đêm, bar thì kế bên, phòng ở thì gần đó nên chừng nào thấy lạnh thì lên thôi. Hơn 10 giờ đêm mà thằng nhỏ kêu đói, nhà hàng phục vụ cả đêm nhưng thử lội bộ ra ngoài xem sao. Gần khách sạn cũng có nhiều quá bar, ì xèo bên trong. Nhưng bước vào một quán nhỏ có bán hủ tiếu mực 10.000 đồng/tô. Lát mực dày như miếng thịt bò. Hồi đó tới giờ chưa ăn tô hủ tiếu nào ngon như vậy. Êm rồi đó, leo lên giường là thằng nhỏ ngũ liền.

5:00 – 8:10 Goodbye - Hẹn gặp lại
Chuông điện thoại reo. Thì ra là con nhỏ bán cua ở Hàm Ninh (mang 5 ký ghẹ tươi sống và cái thùng xốp tới. Nếu đồng ý trả tiền là niêm thùng lại để mang lên máy bay. Làm vệ sinh xong, xuống nhà hàng ăn sáng là tới giờ ra sân bay.

Trời còn sớm bửng. Chiếc máy bay từ Sài gòn ra chuyến 6:30, giờ quay lại. Máy bay cất cánh lúc 8:10. Về tới nơi thằng nhỏ hỏi: ủa hôm nay còn Chủ nhật hả ba? Tự nhủ, hôm nào đó tôi phải ra lại hòn đảo ngọc làm một cuộc hành trình theo hướng khác

Sunday, April 8, 2007

TIẾNG CHIM TRONG PHỐ

Buổi sáng, cả đám ngồi uống cà phê trong khuôn viên của một bảo tàng. Khách vắng, chỉ vài bàn, hơn chục người. Mà như là toàn khách quen. Không như những nơi khác giờ này khách ra vào tấp nập, ồn ào; khoảng sân như lắng đọng, đến cả nắng cũng không buồn chen ngang. Buổi ăn sáng là những ổ bánh mì, những ly cà phê đen, đá. Đơn giản nhưng ai cũng thấy hể hả, thưởng thức buổi sáng. Bánh mì giòn, vụn rơi vươn vãi trên bàn. Một người thuận tay gom lại và vứt ra khoảng sân. Đàn chim sẻ xà xuống í ới gọi nhau. Rồi vụt bay lên ngọn cây gần đó chim chíp ngóng chờ. Giữa thành phố mà bây giờ còn có chim sẻ xà xuống ăn quanh người là điều hiếm hoi, hi hữu. Ai cũng thích, cũng sướng. Vậy là những chuyện kể về thời ấu thơ cứ râm ran. Chuyện về những giàn thun giắt lưng quần đi bắn chim. Sao thế được? Sao lại là ngắm chim rồi tức cảnh kể chuyện bắn chim. Trời ơi, có trời mới hiểu. Con người tàn ác thế. Trách sao giờ chẳng còn chim trên trời
Trời hửng sáng, chưa kịp giật mình vì thằng nhỏ kêu chở đi học thì đàn chim ríu rít bên ngoài ban công có cây sung trĩu đầy trái chín. Cây sung tự nhiên là cái bàn thờ trời đất hay được đốt nhang, cúng gạo muối. Đồ cúng để qua đêm, sáng ra lũ chim hưởng hết. Âu cũng là trời đất chứng giám. Đàn chim ăn quen sáng nào cũng sà xuống, không gạo cũng sung chín, cũng vài con sâu. Lâu dần, ngày nào không nghe tiếng chim thì không muốn thức. Nhiều người không biết bảo: gì dữ vậy. Đâu phải ở thành phố này ai cũng nghe được tiếng chim hót buổi sáng. Láng giềng là một cặp vợ chồng lúc mặn nồng nuôi mấy con hoàng anh, hoạ mi. Sáng nào hàng xóm cũng được nhờ, nghe chim hót líu lo vui lắm. Đột nhiên, người vợ bỏ đi, gia đình ly tán. Người vợ mang hết mấy cái lồng chim đi bán. Người chồng thảng thốt, tâm thần mua cái lồng chim Trung quốc, có con hoạ mi bằng máy nghe động liền hót một hồi. Nghe khó chịu, nghe giả tạo, đứt gan đứt ruột. May mà họ dọn đi rồi. Đám chim sẻ lại đột nhiên ở đâu kéo đến di trú làm cho không khí cả xóm như gần với thiên nhiên hơn, giống như mang quê ra phố.
Ông bạn là một nhà “thơ”. Hay nhẩn nha với con chữ. Nghe tiếng chim thì ọt ra thơ. Mà trong thành phố làm gì có chim hót cho nghe mà có thơ. Anh bèn mua cặp chim cu gáy về nuôi. Chẳng may. Con chim mái bay mất, con chim đực buồn không gáy nữa. Khiến anh làm bài thơ “cả tuần chim không gáy”. Đọc nghe buồn buồn cười cười… Chính anh quăng vụn bánh mì cho chim sẻ ăn chứ ai. Mai mốt chắc có bài thơ cho mà coi. Chỉ mong anh đừng mang ký ức “bắn chim” thời thơ ấu vào thơ vì sẽ không được đăng vì phá hoại môi sinh. Một hôm ở Singapore, nhởn nha trong sân của khách sạn mà chim sáo, quạ đen cứ quấn quít dưới chân làm mình cứ sợ dẫm phải. làm động tác doạ cho nó bay đi thì mấy người xung quanh nhìn mình như quái vật. Người ta thương chim là thế… Một lần tại Sài Gòn, trong một buổi tiệc ở nhà hàng, một ông khách Tây ngồi lặng câm khi nhà hàng dọn món bồ câu quay, thứ chim mà họ coi là linh vật của hoà bình. Còn mình thì xơi tuốt. Chim gì cũng xơi, từ bồ câu, se sẻ đến sáo sậu, cu gáy… Thế nên mấy con chim ở quê mới ngược đời chạy về phố mà trốn, chứ ở dưới ruộng người ta giăng lưới bắt như bắt cá làm sao mà sống.
Mới tuần rồi, trời chạng vạng tối, đang đợi đèn đỏ vào một buổi chiều ở bùng binh ngã 6 Phù đổng, ngay cột đèn trên đường Cách Mạng tháng 8, tiếng chim ríu rít gọi bầy nghe át cả tiếng xe máy đang nổ bên dưới. Ở ngay góc này có một cái cây, không hiểu sao trên cây có rất nhiều chim đang kéo về ngủ. Chim cũng thích nghi quá hén. Đường phố ồn ào, tiếng xe đậu chờ đèn đỏ vang vang mà chúng cũng ngủ được. Hay thiệt. Có một ông chợt đưa tay lên vuốt đầu, hoá ra chim nó…bậy. Ổng cười, mấy người chung quanh cùng cười rồi theo đèn xanh chạy mất tiêu. Cảnh tượng mới yên bình làm sao!

CHUYỆN CÒ CON

Ông bạn tôi làm nhà báo. Sống không hề gọi là vất vả, nhọc nhằn. Đột nhiên hứng khởi WTO nên “sinh sự” làm ăn. Mơ ước làm chủ, không hứng thú làm công dù là công bộc của dân. Sáng nọ anh chọn một góc phố dịu dàng trong lòng thành phố, rồi thương lượng thuê lại với giá đắt đỏ. Anh sửa sang trang trí thành một nơi thư giãn cho giới công chức, đặc biệt là cho báo giới, những người đồng đội có “một nơi đi về” (không phải một cõi đi về của ông Sơn đâu nhe). Mấy hôm sửa sang anh hay gọi cà phê từ quán của bà tổ trưởng dân phố. Nhưng cà phê uống nghe nặng mùi hoá chất nên anh gọi chỗ khác. Vậy là chiều đó bà ta liền sang hỏi thăm sao anh sửa nhà làm nước chảy ra đường lênh láng, nghẹt cống. Anh cãi lại vì nhà anh chưa tới công đoạn sử dụng nước sao đổ thừa anh. Bà ta nói sẽ có công an hỏi thăm. Hôm sau anh có giấy mời lên phường nói chuyện (ghi vậy thôi chứ không nói rõ chuyện gì). Chưa đi thì dân phòng tới, hỏi tại sao nước đọng chỗ anh mà không xử lý. Anh chỉ chỗ rửa xe lấn chiếm lòng đường mà phường cho thuê sao không thấy nói gì. Họ bảo nước chảy ngang chỗ ai nấy lo, chuyện cho thuê là chuyện của phường, đừng có chuyện nọ xọ chuyện kia. Mai lên giải quyết. Hôm sao vì bận viết bài nên anh cho thằng em lên phường xem có việc gì. Hoá ra, sự việc là có vị quan muốn nhắn một câu: nói anh mày lấy nước đá của tao bán quán nhe. Từ việc không mua cà phê của bà tổ trưởng mà còn là đối thủ đáng gờm của bả trong tương lai, dẫn đến xưởng nước đá của vị quan này. Con đường thật nhiêu khê.
Ông bạn tức khí nói hoài thà ông ta cho in tờ bướm quảng cáo nước đá ở dưới có ký tên: Ông A, trưởng, hay phó gì đó của phường, mình còn đỡ tức hơn. Đàng này, đường dây mối nhợ cuối cùng kết thúc ở xưởng nước đá. (Có ông kia in chức bí thư vô bao thơ thiệp đám cưới rồi đó nghe. Không phải chơi đâu). Một ông bạn khác cũng nuôi mộng mở một cái shop thời trang nghe xong mặt cắt không còn chút máu. Điệu này, cứ an tâm công tác, chứ ra làm ăn thấy ớn quá. Mà sao kỳ vậy, mình vô WTO rồi mà còn mãi thế sao. Hoá ra, ngoài phép vua, còn có lệ làng.
Lỡ rồi đành chuyện nọ xọ chuyện kia. Tuần rồi đi đóng trước bạ. Tức là mang tiền đi nộp cho nhà nước. Vậy mà mấy ông phòng thu trước bạ làm như mình đi xin tiền, mặt ổng hầm hầm. Có người mách nhỏ sao ông không nhờ thằng cha ngồi góc kia làm giúp thì xong ngay. Hoá ra có một “con cò” ngồi chờ giúp cho những người không biết chữ nên ai biết chữ cò ghét lắm. Đã vậy, khi qua kho bạc nộp tiền lại bị hành một phen nữa. Phòng thuế một nơi, kho bạc một nẻo. Tính đến chuyện đi lại mất hết cả buổi…Rồi chuyện một ông nhân viên của phường xuống thu tiền an ninh quốc phòng. Ổng nói lên giá rồi nên tăng thu. Tôi cãi một hồi ổng bớt giá xuống! Ổng dạy đời rằng mọi chuyện phải nhà nước và nhân dân cùng làm, chứ nhà nước bao hết sao nổi. Thấy có lý, tôi chỉ càm ràm lúc này gần Tết phường nên tăng cường giữ an ninh trật tự chứ trong xóm mất cắp quá trời. Ổng bảo đồ nhà ai nấy giữ chứ nhà nước làm sao xuể! Bó tay.
Nhân chuyện ra biển lớn mà nói cảnh bến đò ngang như vậy nghe cũng trái khoáy. Chứ thật tình bụng ai cũng lo lắm. Những lệ làng như vậy, những con người như vậy thì ra biển làm sao đây?