Buổi sáng, cả đám ngồi uống cà phê trong khuôn viên của một bảo tàng. Khách vắng, chỉ vài bàn, hơn chục người. Mà như là toàn khách quen. Không như những nơi khác giờ này khách ra vào tấp nập, ồn ào; khoảng sân như lắng đọng, đến cả nắng cũng không buồn chen ngang. Buổi ăn sáng là những ổ bánh mì, những ly cà phê đen, đá. Đơn giản nhưng ai cũng thấy hể hả, thưởng thức buổi sáng. Bánh mì giòn, vụn rơi vươn vãi trên bàn. Một người thuận tay gom lại và vứt ra khoảng sân. Đàn chim sẻ xà xuống í ới gọi nhau. Rồi vụt bay lên ngọn cây gần đó chim chíp ngóng chờ. Giữa thành phố mà bây giờ còn có chim sẻ xà xuống ăn quanh người là điều hiếm hoi, hi hữu. Ai cũng thích, cũng sướng. Vậy là những chuyện kể về thời ấu thơ cứ râm ran. Chuyện về những giàn thun giắt lưng quần đi bắn chim. Sao thế được? Sao lại là ngắm chim rồi tức cảnh kể chuyện bắn chim. Trời ơi, có trời mới hiểu. Con người tàn ác thế. Trách sao giờ chẳng còn chim trên trời
Trời hửng sáng, chưa kịp giật mình vì thằng nhỏ kêu chở đi học thì đàn chim ríu rít bên ngoài ban công có cây sung trĩu đầy trái chín. Cây sung tự nhiên là cái bàn thờ trời đất hay được đốt nhang, cúng gạo muối. Đồ cúng để qua đêm, sáng ra lũ chim hưởng hết. Âu cũng là trời đất chứng giám. Đàn chim ăn quen sáng nào cũng sà xuống, không gạo cũng sung chín, cũng vài con sâu. Lâu dần, ngày nào không nghe tiếng chim thì không muốn thức. Nhiều người không biết bảo: gì dữ vậy. Đâu phải ở thành phố này ai cũng nghe được tiếng chim hót buổi sáng. Láng giềng là một cặp vợ chồng lúc mặn nồng nuôi mấy con hoàng anh, hoạ mi. Sáng nào hàng xóm cũng được nhờ, nghe chim hót líu lo vui lắm. Đột nhiên, người vợ bỏ đi, gia đình ly tán. Người vợ mang hết mấy cái lồng chim đi bán. Người chồng thảng thốt, tâm thần mua cái lồng chim Trung quốc, có con hoạ mi bằng máy nghe động liền hót một hồi. Nghe khó chịu, nghe giả tạo, đứt gan đứt ruột. May mà họ dọn đi rồi. Đám chim sẻ lại đột nhiên ở đâu kéo đến di trú làm cho không khí cả xóm như gần với thiên nhiên hơn, giống như mang quê ra phố.
Ông bạn là một nhà “thơ”. Hay nhẩn nha với con chữ. Nghe tiếng chim thì ọt ra thơ. Mà trong thành phố làm gì có chim hót cho nghe mà có thơ. Anh bèn mua cặp chim cu gáy về nuôi. Chẳng may. Con chim mái bay mất, con chim đực buồn không gáy nữa. Khiến anh làm bài thơ “cả tuần chim không gáy”. Đọc nghe buồn buồn cười cười… Chính anh quăng vụn bánh mì cho chim sẻ ăn chứ ai. Mai mốt chắc có bài thơ cho mà coi. Chỉ mong anh đừng mang ký ức “bắn chim” thời thơ ấu vào thơ vì sẽ không được đăng vì phá hoại môi sinh. Một hôm ở Singapore, nhởn nha trong sân của khách sạn mà chim sáo, quạ đen cứ quấn quít dưới chân làm mình cứ sợ dẫm phải. làm động tác doạ cho nó bay đi thì mấy người xung quanh nhìn mình như quái vật. Người ta thương chim là thế… Một lần tại Sài Gòn, trong một buổi tiệc ở nhà hàng, một ông khách Tây ngồi lặng câm khi nhà hàng dọn món bồ câu quay, thứ chim mà họ coi là linh vật của hoà bình. Còn mình thì xơi tuốt. Chim gì cũng xơi, từ bồ câu, se sẻ đến sáo sậu, cu gáy… Thế nên mấy con chim ở quê mới ngược đời chạy về phố mà trốn, chứ ở dưới ruộng người ta giăng lưới bắt như bắt cá làm sao mà sống.
Mới tuần rồi, trời chạng vạng tối, đang đợi đèn đỏ vào một buổi chiều ở bùng binh ngã 6 Phù đổng, ngay cột đèn trên đường Cách Mạng tháng 8, tiếng chim ríu rít gọi bầy nghe át cả tiếng xe máy đang nổ bên dưới. Ở ngay góc này có một cái cây, không hiểu sao trên cây có rất nhiều chim đang kéo về ngủ. Chim cũng thích nghi quá hén. Đường phố ồn ào, tiếng xe đậu chờ đèn đỏ vang vang mà chúng cũng ngủ được. Hay thiệt. Có một ông chợt đưa tay lên vuốt đầu, hoá ra chim nó…bậy. Ổng cười, mấy người chung quanh cùng cười rồi theo đèn xanh chạy mất tiêu. Cảnh tượng mới yên bình làm sao!
No comments:
Post a Comment