Thursday, July 24, 2008

Thiếu cái thật bình thường.


Văn phòng tự dưng được xây ở một khu dân cư mới. Mà lại ở một góc cuối cùng, giáp ranh với ruộng và vườn. Mở cửa sổ là thấy ngay một màu xanh ngắt của đám dừa từ xa xa và cả đám lau sậy ở ngay trước mặt. Ông Kim- nhà thơ mà ngồi ở văn phòng này chắc mỗi tuần ra được một tập thơ. Ở góc nhìn này, những khi trời mưa thì thật là thúi ruột. trời tối hù, lau sậy ngã nghiêng, còn đám dừa oằn oại. Nước lên xâm xấp khiến cá rô nhảy long lóc trên mặt đường. Mấy đứa nhân viên hớn hở, phóng ra bắt cá bất chấp trời mưa. Nghịch ngợm như con nít, đến khi ướt nhẹp hết mới hay. Buổi chiều tụi nó có vài con cá rô kho ăn cơm. Ăn cho vui vậy thôi chứ nhiều nhỏ gì, mà đứa nào cũng nói: thiệt là đã. Thấy vậy, mình cứ nghĩ bụng: chuyện bình thường vậy mà tụi bây cũng thấy đã.


Cái chậu kiểng ở nhà không có người tưới thường xuyên nên chết queo. Thấy cái chậu trống không nên một hôm lượm mấy hột khổ qua nhét xuống đất. Vậy mà nó lên vù vù. Dây khổ qua càng ngày càng dài ra nhưng lại oằn oại, yếu xìu vì không có cái gì cho nó bám lấy để leo lên. Thấy vậy mới lượm mấy cành kiểng chết khô hôm trước cắm vào chậu cho nó leo lên. Thằng nhỏ ở nhà thấy mới cắm cành khô xuống một chút mà mấy cọng râu của dây khổ qua đã quấn riết. Nó vổ tay: Hay quá, đã quá. Tội nghiệp nó xưa nay có thấy đâu. Có vậy mà cũng đã quá. Rồi cha con phải kiếm dây giăng qua giăng lại trên hàng rào sắt để cho nó leo lên, dung dăng dung dẽ. Cái khoảng trống nơi hàng rào giờ đan đầy những lá xanh và những hoa vàng nho nhỏ, coi cũng vui mắt; còn đã hơn trồng kiểng nhiều. Buổi sáng thằng nhỏ rú lên khoái trá vì có một cái trái khổ qua nhỏ xíu trên đầu có một nụ bông, bất chợt xuất hiện từ một nách lá. Nó vô khoe: Đã quá ba ơi. Mình chạy ra coi thấy trong bụng vui lắm, ngộ lắm mà miệng cứ nói với con: vậy mà cũng đã.


Hôm rồi về quê công tác. Hồi còn nhỏ sống ở đây mà bây giờ thấy lạ hoắc. Nhiều thay đổi, nhiều cái biến mất tiêu. Đi vòng vòng thị xã, lúc nào cũng thấy thiếu thiếu cái gì. Chợt thấy một bà nhà quê (nói vậy thôi chứ chưa chắc bả nhà quê đâu nhe) gánh một cái nồi đen tròn tròn có mấy cái ống tre bốc khói bên trên. Trời đất ơi, bả bán bánh ống. Lần nào về cũng đi kiếm vậy mà giờ mới gặp. Kêu lái xe, tấp vô lề mua bánh. Bả hết hồn tưởng bị công anh xúc tới nơi. Hóa ra có mấy thằng cha thèm bánh quá ghé mua ăn vậy mà. Khoai mì mài ra trộn với nước lá dứa tạo màu xanh và mùi thơm. Rọc bánh đã chín ra rồi nhét dừa, đường và muối mè vô. Chưa xong gói thứ hai thì gói thứ nhất đã được ăn mất tiêu. Miếng lá chuối bóng lưỡng vì được liếm sạch! Bà bán bánh cười cười, chắc trong bụng rủa: đồ chết thèm. Mà đã thiệt lâu lắm rồi mới hưởng được cái hương vị này; nó có cao sang gì cho cam. Bình thường thôi mà. Sáng hôm sau, rủ nhau đi ăn bún nước lèo. Cái thứ bún suông nấu bằng mắm, tô bún không có muỗng, chỉ có đũa. Không có thịt chỉ có rau. Vậy mà bưng tô húp một cái rột, sạch cặn; đứa nào cũng kêu đã thiệt.


Bây giờ có những cái thật bình thường nhưng hay làm mình có những cảm giác thiệt đã. Nó bình thường nhưng vắng bóng trong cuộc sống bề bộn lâu quá lại trở nên xa xỉ. Nhưng những cái giản dị, bình thường đó đâu có lỗi. Lỗi là ở mình, lỗi là mình đã quên và lâu rồi không tìm đến nó.
Buổi tối, do làm biếng đội nón bảo hiểm mới lấy xe đạp của thằng nhóc chạy ra nhà ông bạn uống cà phê. Trên đường về, thả dốc cầu cho xe chạy xuống. Đã thiệt, lâu nay chạy xe máy qua lại hàng ngày mà đâu có cảm giác này. Hóa ra những cái bình thường vẫn còn đang ở quanh ta.

Wednesday, July 9, 2008

"EXIT AS PRO"

Cái phòng làm việc mới ở cái công ty mới này nhìn ra một khoảng không mênh mông. Mỗi khi trời chuyển mưa thấy trong lòng tao tác, chung quanh lặng lẽ dù xung quanh nhân viên và đồng nghiệp nhiều hơn. Chả bù cho cái lồng kính, ngày nào cũng bắt mình nhìn xuống con đường lăng xăng người, lăng xăng xe cộ; còn nếu nhìn ngược lại chỉ thấy những bức tường. Rồi cũng tới lúc này. Tôi đã rời cái nơi mà mình gắn bó và làm việc chung với một nhóm nhỏ như một “công ty gia đình” một thời gian dài. Chỉ khi nghỉ việc mới thấy nó dài ơi là dài, mới thấy lý ra không nên để nó dài như vậy. Biết rằng sẽ có một lúc nào đó mình sẽ ra đi vì có một cơ hội tốt, một cái job tốt hơn, muốn về gần nhà hơn hay chỉ vì không vừa lòng chuyện gì đó; nhưng khi nộp cái đơn xin nghỉ việc rồi cũng thấy hụt hẩng thấy mất mát trong khi ở đầu kia cái công việc mới đang cứ vẩy tay, đợi chờ.
Ra đi cũng phải cho “pro”. Một cái đơn xin nghỉ thống thiết lâm ly, một cái lý do vô cùng hợp lý tới mức ai đọc cũng thấy sao nặng… “xạo”. Cái đơn không uẩn khúc, không chửi bới, không luyến tiếc và theo ông bạn, đó là một cái đơn kinh điển. Một kế hoạch bàn giao (mặc dù chắc không cần), một list công việc đang làm, một số công việc đang làm cho xong… tất cả được viết y như trong sách hướng dẫn. Cái khó khi viết đơn là phần ghi thời gian khi nào chính thức nghỉ. Mai chăng, tuần sau chăng, hay tháng sau. Chỉ sợ ghi mai nghỉ thì thằng xếp nó biểu cuốn gói xéo ngay hay bị áp tải ra thang máy tức khắc mà chưa kịp chia tay mấy đứa nhân viên, bạn bè. Cuối cùng rồi resignation letter (đơn xin nghỉ) cũng làm xong và nhắm mắt đếm ngược cho đến khi bấm nút send. Ngồi bần thần một lúc rồi tưởng tượng ra đủ thứ cảnh chia tay (không biết có nước mắt nước mũi gì không hở trời). Ra khỏi phòng bạn bè đứa thì nói chúc mừng, đứa thì hỏi sao vậy, đứa thì thêu dệt tình tiết cho một quyển hồi ký… và cuối cùng thì… không có gì xảy ra, như chưa hề có cuộc chia ly!
Một buổi ăn bánh xèo Đinh Công Tráng là kết thúc cho mười năm làm cùng nhau. Thế thôi. Xếp lớn xếp nhỏ gửi vài mail giã từ, tiếc rẽ ( chắc cũng kiểu như cái đơn của mình), còn xếp trực tiếp thì lạnh tanh, không hề có một thông điệp nào ngoại trừ cả tuần sau mới nhận cái message từ bộ phận nhân sự: Xếp OK rồi! Hê. Khác biệt văn hóa mà. Có mấy đứa xúi giục: cứ tà tà nhưng không làm gì hết. Đợi nó đuổi, bồi thường một đống tiền chơi chứng khoán. Đứa thì biểu: chửi nó đi cho nó đuổi lẹ rồi lãnh tiền. Trời, làm vậy chắc bên công ty mới chạy mình luôn. Làm người ai làm thế. Nói vậy chứ cũng ra mua cuốn Luật lao động đem về coi nó trả mình mấy tháng lương.
Hồi còn làm có thấy ai gọi rủ rê gì đâu. Vậy mà khi vừa nộp đơn xong, điện thoại cứ tấp nập chào mời. Một em “săn đầu người” xinh tươi cảm thấy tiếc rẻ khi mình nói đã có nơi trao thân gửi phận rồi. Vậy mà em còn quyến rủ. Em chờ anh sáu tháng nữa nhe, bảo đảm với anh sau thời gian đó anh sẽ xin nghỉ tiếp. Cái job sau đó mới bền. Kinh nghiệm của em đó.
Vái trời cho lời tiên đoán của em trật lất. Đã hơn một tháng rồi kể từ ngày chính thức nghỉ việc. Thỉnh thoảng bạn bè, đồng nghiệp cũ cũng í ới gọi nhau tâm sự, kể chuyện cơ quan như không có chuyện gì hết. Riết rồi cũng quen dần, tên của mấy đứa trong công ty mới cũng đã gần thuộc hết. Chỉ thỉnh thoảng nhìn ra cửa sổ thấy cái mênh mông trống trãi mà nhớ tới không gian ăm ắp người. Muốn được vậy, ra đi cũng phải cho “pro”.