Chuyến công tác cuối năm về Kim Hòa một xã vùng sâu vùng xa, những người dân hiếu khách nằng nặc mời về nhà ăn một chém cơm rồi mới được về. Chúng tôi đến một căn nhà lá mà bên hông nhà là một cây rơm to đùng chất đó để cho bò ăn tới vụ mùa sau và để… nướng cá lóc.
Trên bàn dọn sẳn một dĩa rau sống một tô mắm tép trộn đu đủ… và một chai nước đùng đục, gọi là đế Xuân Thạnh! Gia chủ là một nông dân rặc Nam bộ bẻ một nhánh tre đâm xuyên từ họng đến đuôi của ba con cá lóc còn giẫy đành đạch. Sau đó anh cắm 3 con cá trên sân đuôi chĩa lên trời như 3 cây phướn nhỏ mọc lên từ đất. Lấy rơm phủ kín 3 con cá đang quẩy đuôi trên cành tre, anh đốt bùng lên ngọn lữa rơm vàng rực, mùi cá nướng bốc lên từ sân làm mọi người náo nức vì cái bao tử kêu lên vì đói. Cứ ngỡ là biết bao giờ mới có cá mà ăn, nhưng ngọn lữa vừa tàn và để cho tro nguội chừng 10 phút anh ta đã bới tro lên nhìn 3 con cá há miệng to. Há miệng to là cá đã chín. Một nắm rơm khô dùng để chà xát trên thân con cá nướng đen xì, tro và những tấm vảy cháy khét rơi ra là nhường chỗ cho da cá vàng ươm.
Con cá để vào dĩa và được xẻ dọc ra, còn bốc khói thơm phức. Rượu được rót ra mời. Miếng cá nóng hổi kẹp với chuối sống, ra thơm chấm vào trong tô mắm tép. Chất gì đó ngọt ơi là ngọt chảy tọt vào bụng, thơm ơi là thơm. Một ngụm rượu Xuân Thạnh nuốt xuống, mọi thứ tinh túy như đang chìm đắm trong ta, một thứ quà quê mà không phải lúc nào ta muốn cũng có, một chút hồn quê mà ta mãi không quên