Ba Động ở Trà Vinh là cách nói trại ba cái đụn cát nổi lên bên bờ biển; hay là sóng dữ như cái tên chữ Hán của nó: điều này không ai rõ cả. Ba Động cái tên từ lâu đối với người dân địa phương như là một tên gọi bình thường, chẳng ai để tâm xem ý nghĩa của nó là gì. Còn với những người lớn tuổi thì địa danh Ba Động-Trà Vinh như là một chỗ nghỉ mát của Tây. Ngày xưa, Pháp đã cho xây một khu nghỉ mát ở xứ này cho quan chức thuộc địa nghỉ ngơi. Và cũng không rõ vì cớ gì mà ở khu vực huyện Cầu Ngang có nhiều nhà thờ được xây từ thời Pháp thuộc, rất đẹp, như nhà thờ Giồng Rùm, nhà thờ Phước Hảo… đã hơn trăm năm tuổi. Có lẽ họ dự định biến nơi này thành một thành phố nghỉ mát ven biển chăng? Cũng chẳng ai biết.
Vài năm trước nhắc tới Ba Động, ai cũng le lưỡi, lắc đầu vì xa xôi, vì đường đi không chỉ có ổ gà mà còn cả ổ voi, lại qua phà nhiêu khê... Quê ngoại tôi ở Ba Động vậy mà mãi đến năm 40 tuổi mới biết, mới đi đến. Bây giờ con đường đi tuy hẹp nhưng xe chạy bon bon. Chỉ cách Trà Vinh có hơn 50 km, thời gian đi chỉ độ 1 giờ là đến. Nhiều người tính rằng từ Cần Thơ muốn tắm biển chỉ đi có 150km là tới Ba Động, thay vì hơn 300km để đến với Vũng Tàu.
Bãi cát trãi dài mút mắt, bờ biển được che chắn bởi hàng phi lao cao vút. Gió thổi vào hàng phi lao như hát, như kể lể, như mời chào người phương xa. Xe chạy ngay trên bãi cát chắc nịch. Thứ cát biển chẳng giống nơi nào cả. Nó vàng vàng, sánh chặc như cái màu nước mắm rươi đặc sản xứ này. Ba Động không giống bất kỳ bãi biển nào khác: nó hoang sơ, hoang sơ lắm. Cái hoang sơ nhưng rất thu hút, nhất là đối với những ai có máu mê du lịch sinh thái. Buổi chiều nứơc rút xuống, bãi biển đầy những vỏ sò, ốc và dấu chân dã tràng. Ông ngư phủ cho đứa con gái mới khoảng 10 tuổi giữ chặt tay lưới trong bờ. Còn vợ chồng ông đánh một vòng ra xa rồi từ từ khép lưới vào bờ. Cá đối trắng bạc nhảy soi sói dưới ánh nắng chiều. Mua một mớ vài ngàn đã có hơn chục con. Hải âu thấy cá nhảy cứ lượn lờ trên biển. Xa xa các cụm đáy hàng khơi trông giống như những khu phố giữa biển. Buổi chiều mới man mác làm sao.
Mớ cá vừa mang từ biển lên được chiên xù, dòn tan. Chấm với nước mắm rươi nguyên chất, cái mùi nước mắm rươi đặc trưng hăng hăng, nhưng ngọt lịm. Mớ rau sống mà dân ở đây gọi sâm biển, trông giống như một loại xà lách mọc hoang, quả là thứ trời cho để ăn với cá đuối dơi, thứ to bằng cái quạt mo. Cá còn sống nhăn, đem chặt thành miếng vuông cho vào nồi cơm mẻ sôi sùng sục. Nhúng sâm biển vào là có ngay một món mà thị thành đố ai tìm được. Ngoài cái ngọt tinh khiết của hải sản tươi, cái cảm giác được ăn những con cá mà mới vừa rồi mình tận mắt thấy còn nhảy tưng tưng ngoài biển, giờ nằm trên dĩa, mới thú vị làm sao. Những món ăn như thế giản đơn nhưng độc đáo, như cái vẻ hoang sơ của xứ Ba Động.
Dân ở đây giờ khá lắm rồi. Nhà lầu xe máy khắp nơi. Tôm nuôi sống người dân ở đây và hơn thế còn giúp họ làm giàu. Đường xá khang trang, nhà hàng mọc bên bờ biển, khiến cho giá đất rục rịch, không yên. Khai thác du lịch còn rất tự phát. Một chuyên gia du lịch nhìn mấy cái nhà hàng lắc đầu: không giống ai! Giữa cái hoang sơ, thiên nhiên như vậy, những túp liều bán bê tông, cái thì vuông, cái thì bát giác trông lạc lõng, quê mùa. Cần phải có qui hoạch, phải có can thiệp cho một chiến lược du lịch sinh thái.
Khách du lịch có thể đến Trà Vinh, thưởng thức thành phố yên tĩnh và xanh. Những món ăn không cầu kỳ, nhưng độc đáo như bún nước lèo (dân Trà Vinh là Việt kiều ở các nước nghe nhắc đến là thèm), bánh canh Bến có...rồi ra Ba Động ngắm biển. Bao nhiêu phiền toái của cuộc đời sẽ rủ sạch. Chẳng còn stress, chẳng còn bon chen...
Ba Động như nàng công chúa còn mãi ngủ trong rừng. Hoàng tử nào sẽ đánh thức nàng đây. Một khu du lịch xanh, văn hóa và sinh thái ở Trà Vinh không phải là chuyện xa vời. Một nền văn hóa đa đạng Việt-Hoa-Khmer ở Trà Vinh với chùa chiền Khmer, Hoa; các lễ hội Nghing Ông, cúng biển, Dolta, Oc Om Bóc… tạo nên một tiềm năng lớn cho du lịch Trà Vinh. Một chương trình xúc tiến du lịch tổng thể sẽ là một cú huých cho du lịch biển Ba Động. Từ sự phát triển du lịch sẽ kéo theo sự phát triển của công nghiệp và các dịch vụ khác. Cái đáng quý nhất mà Ba Động hiện có là sự hoang sơ, còn trinh nguyên. Ngay bây giờ, Ba Động cần phải được qui hoạch ngay, không xây cất bừa bãi, không đầu tư tự phát, thì mới có thể biến nơi đây thành một trung tâm du lịch sinh thái mới.
No comments:
Post a Comment