Thursday, September 16, 2010

CÔN MINH KÝ SỰ

Cái mát mẽ của khí hậu miền núi làm nhiều người chợt nhớ khí hậu ở Đà lạt bên mình. Đã quá trưa mà nhiệt độ chỉ có 18-190C nên người dân qua lại trên phố luôn mặc áo khoác bên ngoài. Dọc đường người ta trồng hoa ở những bãi đất trống, công viên, sặc sở lắm. Đây là một thành phố của Tỉnh Vân Nam nằm trên cao nguyên phía Tây Nam Trung quốc. Vì đi trước nước ta một giờ, nằm trên cao ở phía tây nên bảy giờ tối mà còn thấy mặt trời, cứ như 5 giờ chiều ở Sài Gòn. Thành phố Côn Minh có cái gì đó vừa rất lạ, vừa rất quen. Vẻ hiện đại của một thành phố mới thể hiện nổi bật với các khu phố có nhiều nhà cao tầng, đường xá rộng lớn có nhiều cầu vượt. Nhưng nó không có cái vẻ xa lạ như Bắc kinh, Thượng hải. Có lẻ ngoài đường còn rất nhiều người đi xe đạp và kiểu kiến trúc của những khu nhà trông giông giống như bên mình, nhiều chung cư rất cũ kỹ với nhiều "lồng chim" nhô ra lấn thêm không gian...

Những ngày chuẩn bị khai mạc hội chợ Thương mại Quốc tế Côn Minh-Asean, con đường từ thành phố ra sân bay đi ngang qua khu hội chợ triễn lãm luôn tấp nập xe cộ, cờ xí giăng đầy. Tài xế taxi nào cũng hỏi chúng tôi một tràng, nhưng không ai hiểu nổi vì không biết tiếng Trung. Độ chừng họ hỏi mình dân xứ nào nên nói là "Việt Nam". Họ cũng không hiểu. Đến chừng học lóm được 2 từ " Yũen Nàm" (Việt Nam), họ mới chịu gật gù.


Ngôn ngữ là cái khó khăn nhất


Đành rằng nhập gia thì phải tùy tục. Tới nước nào thì nói tiếng nước đó mới là phải phải. Tuy nhiên, ở các nơi khác ít nhất cũng có thể giao tiếp bằng tiếng Anh ở các nơi như khách sạn, nhà hàng, siêu thị...Còn ở Côn Minh thì vô phương. Buổi sáng ăn buffet ở khách sạn, nhìn thức ăn bày sẳn thích món nào thì ăn món đó. Cùng lắm thích ăn trứng ốp la thì ra dấu đập hai quả trứng vào chảo thì bồi bàn cũng hiểu. Chứ còn buổi trưa, buổi tối thì...khổ lắm. Ông bạn đi mấy ngày không ăn được bữa cơm ngon, bức xức lắm nên cố tìm ra một tiệm ăn Quảng Đông. Không biết kêu cơm như thế nào nên ra dấu đang lùa cơm vào miệng. Cô gái bồi bàn có khuôn mặt tròn quay, má ửng đỏ, cầm sổ ghi mà cười tít mắt: phàn, phàn. Còn thức ăn thì chịu. Cuối cùng, anh đành dắt cô này đi khắp các bàn trong quán xem người ta đang ăn món gì, thấy ngon thì chỉ cho ghi. Thực khách một phen trố mắt nhìn.

Du khách đến đây đi chợ mua sắm chỉ có thể giao tiếp, ngã giá thông qua chiếc máy tính cầm tay. Còn đi đâu bằng taxi phải nhờ ngừơi biết tiếng Trung viết nơi đến vào mẫu giấy rồi đưa cho tài xế mới được. Có một ông nhờ tiếp tân khách sạn phát âm dùm nơi ông muốn đến. Chui vào taxi ông đọc lại như thế nào không biết mà xe đưa ông đi tới một nơi lạ hoắc, muốn quay về lại không biết nói như thế nào, mới chết!

Các doanh nghiệp đến đây dự hội chợ có một buổi sáng nhốn nháo tìm người làm phiên dịch để giao tiếp. May là có nhiều sinh viên Việt đang theo theo học tiếng Trung tại đây kéo nhau ra, còn rủ thêm đám bạn Trung quốc theo học khoa tiếng Việt. Có nhiều Việt kiều đang sinh sống tại đây cũng đến tìm việc làm với mức thù lao khá hậu: 100 tệ/ngày. Khổ nỗi, các sinh viên Trung quốc thì tiếng Việt nói không rành, sinh viên Việt thì ngược lại. Còn đa số Việt kiều thì nói thạo nhưng không viết được chữ...!?


Hàng hóa đầy ắp thứ gì cũng có

Muốn mua thứ gì ở đây cũng có. Muốn giá nào ở đây cũng có. Đi vào khu chợ con Ốc trên đại lộ Bắc Kinh, nguời ta thấy choáng ngợp vì cái sự phong phú của hàng hóa và nói...thách. Từ giày dép, túi xách, dây nịt...đến những bộ veston sang trọng; những máy thu thanh nhỏ xíu, cho đến điện thoại di động đòi mới đều có. Có một điều là thượng vàng hạ cám. Giá nào cũng có. Một chị bạn dân Sài Gòn đi cùng phải choáng ngợp vì một cửa hiệu nhỏ có để bên ngoài biển "chỉ 5 tệ" (tương đương 10.000 đồng Việt nam). Trong cửa hiệu vô vàn túi xách nữ, balô... mà theo chị nếu mang về làm quà ai cũng xuýt xoa. Mỗi cái chỉ có 5 tệ. Chị cười, không biết nói chơi hay nói thật: Mình mua hết cửa hàng này đem về Sài gòn chắc kiếm kha khá. Ông bạn mua được bộ complet giá 200 tệ. Rất đắc ý vì giá này bên mình không đủ trả công may đo. Hoá ra, một ông khác xem xong bảo rằng ông vừa mua một bộ như vậy chỉ có 120 tệ! Nhưng cũng có những cửa hàng mà chiếc áo thun sport nam treo giá tính đến hơn triệu đồng tiền mình và không trả giá được... trong khi nói thách là một đặc trưng khi đi chợ bên này, nhất là khi phát hiện bạn không phải là người Trung quốc. Chị bạn bảo rằng đêm qua chị mua một đôi giày có 60 tệ, vậy mà người bán hét giá ban đầu đến 500 tệ! Kiểu này nếu không mạnh miệng thì trả giá thế nào cũng dính. Hàng hóa đa dạng và tràn ngập với đủ loại giá cả khiến cho hàng hóa nhập từ nước khác vào khó lòng mà tìm được chỗ đứng trên thị trường này.

Chúng tôi cũng thấy nhiều cửa hàng bày bán dép Bitis, Càphê bột Vinacafé, thậm chí rất nhiều cửa hàng nhỏ có bày bán mít sấy khô Vinamit, made in VN (Ở sân bay Côn Minh cũng có bán). Áo sơmi Trung quốc nổi tiếng là rẻ, vậy mà người ta cứ sắp hàng mua áo An Phước, May Tây đô... Nếu chịu khó nghiên cứu thị trường, tìm ra cái nhu cầu còn thiếu của người dân ở đây thì chúng ta vẫn có cơ hội đấy chứ.


Vẫn còn mặt trái của sự phát triển

Trên đường về khách sạn, mưa phùn và gió rét căm căm. Mới 9 giờ mà các cửa hàng, siêu thị... đã kéo cửa hết. Tiếng rít của những cánh cửa sắt vang lên, thì một đám người đợi sẳn từ lâu ùa vào hành lang để tranh chỗ ngũ, bằng cách trãi những tấm chăn cũ xì, vá chằng đụp. Nhiều lắm những người như vậy. Thấy chúng tôi nhìn, anh bảo vệ khách sạn biết chút tiếng Anh bảo họ là những người nông dân lên thành tìm việc và...vô gia cư. Ở những góc phố, các nàng Kiều co ro trong lớp áo bông chạy theo khách, dù không hiểu họ nói nhưng ai cũng biết là các cô muốn gì...Ngày khai mạc hội chợ nhiều người không cảnh giác đã bị mất máy ảnh, hàng hóa trưng bày...ngay tại nơi mà an ninh xem chừng được bảo vệ rất nghiêm nhặt...

Có cái được, có cái không...nhưng trên đường ra sân bay về lại Việt Nam nhiều doanh nghiệp tự nhủ rằng họ sẽ quay lại thành phố Côn Minh mát mẽ này vì đó là một thị trường đầy tiềm năng, dù rất nhiều cạnh tranh.

No comments: