Friday, September 17, 2010

ĐÀ NẲNG: DU LỊCH HÀNH HƯƠNG VÀ HOÀI CỔ


Vài ngày trước chuyến công tác ở Đà Nẳng, một người bạn cho tôi biết thành phố này đã được công nhận thành phố loại I; vì thế nên trong đầu tôi cứ hiện lên một thành phố ồn ào náo nhiệt của một đô thị công nghiệp. Sau một giờ bay từ thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã có mặt tại Đà Nẳng, nhưng những gì tôi thấy từ trên máy bay lúc sắp đáp xuống và trên đường đi từ sân bay về thành phố không như cái mà tôi hình dung được. Đà Nẳng, dịu dàng và yên tĩnh hơn nhiều so với một thành phố công nghiệp và cảng biển.


Ở tại khách sạn bên dòng Thu bồn, nhìn qua phía bên kia là bán đảo Sơn trà; cứ mỗi lần mở cửa là một cảnh sơn thủy đã được thiên nhiên vẽ ra trước mắt. Mãi đến tối sau khi xong việc, tôi mới có dịp xuống phố. Đường phố ở đây được thiết kế vuông góc và song song nhau như trên bàn cờ. Khu trung tâm cũng náo nhiệt, nhà nào ở đường Hùng Vương cũng là một shop, lớn hay nhỏ; khách du lịch Tây nhiều hơn ta, "Tây ba lô" cũng nhiều mà "Tây ông chủ" cũng không kém. Ở trung tâm thành phố bạn có thể bắt gặp hầu hết chi nhánh các công ty có văn phòng tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội...Nhưng chỉ hơn 10 giờ đêm mọi thứ đều lắng xuống, đường phố thưa thớt...Lúc này, nếu tìm được một hàng mì Quảng, xà vào nếm thử món đặc sản này thật là thú vị mặc dù khách phương xa có lẽ không hợp khẩu vị cho lắm, nhưng đó mới chính là hương vị chính cống của xứ Quảng.


Chiều hôm sau, cả cơ quan chúng tôi cùng thuê một chiếc tàu du lịch trên sông Thu bồn. Khách được ngồi trên boong nếu không mưa và được đưa dọc dòng sông quanh thành phố. Một ban nhạc dân tộc với phong cách mộc mạc nhưng thật nghệ thuật sẽ cùng theo những người khách lạ. Trong khi du khách có thể thưởng thức các món đặc sản như hến, điệp, cua...thì người dẫn chương trình cùng với ban nhạc biểu diễn trước mũi thuyền sẽ đưa ta đến một thế giới của những truyền thuyết xứ Quảng, cùng với những giọng hò Huế à ơi cao vun vút như muốn đưa hồn người về những đỉnh non xa. Là người Việt Nam, dù ở xứ nào, khi ấy thả hồn theo dòng lịch sử của người dẫn chuyện, cùng với tiếng hò lanh lãnh xứ Huế, ta sẽ thấy cội nguồn dân tộc đang về rất gần gũi. Đó chính là cái hay mà những người làm du lịch ở Đà Nẳng làm được. Đầu tư cho một loại hình như vậy, rõ ràng không tốn kém nhiều, rất đơn giản, nhưng hiệu quả về mặt văn hóa, du lịch thật tuyệt vời. Một khách du lịch nói với tôi rằng ông ta có một buổi thật đẹp, mặc dù không hiểu tiếng Việt nhưng ông ta có thể cảm nhận được qua những câu hò, giọng hát một nét gì đó thật là Việt Nam. Trên tàu c ó những vòng hoa mà du khách có thể mua tặng những giọng ca mến mộ và có thể cùng đóng góp cho cuộc hành hương về nguồn dân tộc ấy.


Chuyến bay chiều thứ bảy về Sài gòn giúp tôi có được cả ngày để đến những danh thắng khác. Năm ngọn: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ của Ngũ hành Sơn (thật ra là 6, ngọc kia là Âm hỏa sơn) nằm cạnh bãi biển Non nước mà nếu không đi qua sẽ không phải là du lịch Đà Nẳng (khu này cách Đà Nẳng hơn 20km), nơi đây đã được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh. Núi non và hang động rất nhiều ở năm ngọn ngũ hành này, thế kỷ 19 nhân chuyến nhàn du tại đây vua Minh Mạng đã đặt tên các ngọn núi và cho xây nhiều ngôi chùa như Tam thai, Linh Ưng, và tôn tạo các động. Với vài ngàn, bạn có thể nhờ những cô bé, cậu bé bán nhang lễ Phật dẫn đi khắp nơi và thuyết minh thật "nhuyễn" như một "gay" nhà nghề. (guide: hướng dẫn viên du lịch). Bãi biển Non nước rất vắng khách, cát thật mịn, biển sạch và xanh trong, nước tới ngực vẫn có thể thấy được cá lội dưới chân. Đứng trên ngọn Kim sơn nhìn về phía biển xanh ngăn ngắt, sóng vỗ bờ trắng xóa: thật là hùng vĩ!


Leo núi rã rời, tắm biển chán chê là bụng đã cồn cào, rán thêm một chút để đến phố cổ Hội An thưởng thức món "cao lầu", giốngnhư món mì Quảng, nhưng sợi mì khác hơn. Trên xe tôi cảm thấy cái nôn nao của đói và của sự háo hức được trông thấy những khu phố mà họa sĩ Bùi Xuân Phái đã tạo nên những bức tranh nổi tiếng của mình. Cách Đà Nẳng khoảng 40km về phía Đông Nam, phố cổ Hội An được xây dựng từ thời Nhà Nguyễn vào khoảng cuối thế kỷ 16, đang là một trung tâm thu hút khách du lịch và các nhà nghiên cứu kiến trúc cổ. Thời đó các thương gia người Trung hoa, Nhật, Ân độ Hòa Lan... đã đến đây mua bán tấp nập, hàng năm họ đến và ở lại 6-7 tháng, do vậy họ lập nên một khu phố để có chỗ cư trú lâu dài; đặc biệt là người Nhật và Trung quốc. Quần thể di tích chủ yếu là nhà ở, bến cảng, cầu, nhà thờ tộc...người dân ở đây còn duy trì những tập quán lâu đời và lối sống của một đô thị thời xa xưa.Phố xá hẹp nhưng sạch, các cảnh quan như những ngôi nhà cổ lạ mắt, ngôi chùa cầu kỳ bí được giữ gìn rất tốt nhưng trong những cái đẹp như vậy có những cái rất chướng như ngôi nhà kiến trúc hiện đại nằm lọt thỏm giữa ngôi nhà mái cong làm mất vẻ thẩm mỹ, hoặc như trong những ngôi nhà có treo bảng nhà cổ nhất để du khách tham quan thì bên trong bày bán đầy quần áo, đồ lưu niệm cho khách khiến cho nhiều người mất đi cảm hứng hoài cổ thú vị....


Bồng bềnh trên máy bay về lại thành phố Hồ Chí Minh, tôi cứ nghĩ mãi về Cần Thơ nơi mà tiềm năng của những chuyến du lịch về miền đất trù phú, xanh tươi, những chuyến tàu trên dòng sông với các câu giọng cổ và những câu chuyện thời khai phá cũng hấp dẫn không kém nhưng vẫn chưa thấy được đầu tư, khai thác. Ý tưởng về một chuyến đò hành hương trên sông Thu bồn được tái tạo thành một chuyến đò theo dấu chân xưa về miền khai phá cứ lan man trong suốt chuyến bay.

No comments: