Friday, September 17, 2010

ĐỪNG ĐỔ LỖI CHO THỊ TRƯỜNG


Từ cái thời xa xưa, cái thuở hai bộ lạc biết trao đổi cho nhau những thứ kiếm được. Bộ lạc chuyên sống bằng săn bắt thú có thừ thịt nhưng thiếu rau, trái. Bộ lạc sống bằng hái lượm có thừa trái cây nhưng thiếu thịt. Cả hai trao đổi cho nhau và cùng có mọi thứ. Thị trường hình thành từ đó, nó là động lực cho sự phát triển của xã hội loài người. Khi thị trường phát triển như hiện nay, để sống còn người ta có nhiều thủ đoạn để tồn tại nhưng đó không phải là bản chất của thị trường. Chẳng phải vô tình mà chúng ta có chiến lược về một nền kinh tế "thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa xã hội". Tức là thừa nhận vai trò động lực của sự phát triển của thị trường nhưng cũng cảnh giác với mặt trái của nó.

Ấy vậy mà, ngày nay lắm người khi làm một chuyện trái khoáy hoặc trái với đạo đức kinh doanh... họ liền bào chữa: thị trường mà!

Một doanh nghiệp treo bảng bán màn hình máy tính giá rẻ hơn nhiều so với các cửa hàng lân cận, khách hàng tìm đến mua họ bảo không có hàng. Họ chỉ phá bĩnh đối phương để thu hút khách hàng về mình thôi. Ai đó thắc mắc, họ bảo: thị trường mà! Một cơ sở thu mua nông sản tung tin là họ sẽ thu mua giá cao, nhưng khi nông dân đem hàng đến bán họ õng eo chê khen, rồi mua với giá còn thấp hơn người khác. Họ cũng bảo: thị trường mà!. Người bán rau phun thuốc cho rau xanh tươi họ cũng biết là độc hại cho người tiêu dùng, nhưng họ cũng muốn bán được hàng nên cứ phun. Được hỏi họ bảo: thị trường mà!

Thậm chí, trong một lớp học ban đêm, ngay sau khi thầy giáo đưa những yêu cầu nghiêm khắc; một số liền kiến nghị nhà trường thay thầy khác. Họ bảo họ trả tiền học nên họ là thượng đế. Họ có quyền. Thị trường mà! Một doanh nghiệp kinh doanh xe khách có tiếng ở tỉnh, muốn tuyển nhân viên cho các quầy vé. Họ đến lớp đào tạo nhân viên bán hàng (do họ tổ chức) yêu cầu thầy giáo tạm ngưng ít phút để họ tuyển nhân viên. Phương pháp tuyển dụng được vị phó giám đốc trình bày rất độc đáo. Ông ta nói sẽ đi từ trên xuống xem ai "coi được mắt thì tuyển". Ông ta cũng có nói:"Xin lỗi, thị trường mà!". Lúc ấy, người được lẫn không được tuyển, kể cả thầy giáo đều hụt hẩng. Nhưng biết làm sao. Thị trường mà!

Chúng ta chắc chắn đã nghe những chuyện tương tự đâu đó chung quanh. Rồi có khi chợt nhận ra, chuyện này nghe quen quen. Hình như có lúc, ở đâu đó ta đã tự mình bào chữa: thị trường mà! Những việc như vậy diễn ra bình thường đến nỗi, từ xa xưa người ta đã coi những người làm nghề mua bán là hạ cấp, xếp cuối cùng trong sĩ, nông, công, thương. Những người làm nghề khác thì được người ta gọi là ông, là thầy còn thương nhân thì bị gọi là con buôn.

Vì thế, chúng ta nên nhìn thị trường với những mặt tích cực của nó và hành xử tương xứng. Muốn vậy, đạo đức kinh doanh nên được coi trọng và đưa lên thành một nội dung giáo dục trong kinh doanh; đặc biệt là trong một nền kinh tế thị trường mới phát triển, có nhiều cạnh tranh gay gắt.



No comments: