Ở hầu hết các thị xã lớn nhỏ, ngành kinh doanh mà người ta thấy như là dễ ăn nhất là mở quán cà phê. Đã 8-9 giờ sáng mà mấy quán cà phê vẫn còn đông nghẹt. Khách của quán toàn là dân lực lưỡng cả. Toàn là thanh niên mà lẽ ra giờ này phải tham gia lao động đâu đó, để góp sức cùng xã hội. Vậy mà họ vẫn còn ngồi thừ trên ghế, miệng phì phèo thuốc lá. Khoảng 10 giờ xem chừng tự mình cũng thấy chướng, nên một thanh niên đề nghị: Thôi, Đi. Trưa rồi. Đi đâu? Thì đi chat (!). Mới đây, người ta đưa lên trên báo những con số về "hiện tượng chat" còn dễ sợ hơn là ngồi đồng quán cà phê, mặc dù xem, ra nó trí tuệ hơn. Và những hiện tượng trên là dấu hiệu là triệu chứng của căn bệnh thất nghiệp. Từ đây, nhiều tệ nạn khác sẽ nảy sinh. Ông cha ta nói: Nhàn cư vi bất thiện, kia mà.
Thành thị thì vậy còn nông thôn thì sao? Một dạo đi cùng chuyên gia của UNDP, ngang qua một thị trấn. Ông ta thốt lên dân ở đây còn thất nghiệp nhiều quá, nói xong ông ta chỉ tay sang hai bên đường những quán cà phê video còn đầy nhóc khách như chứng minh điều mình nói. Trên đoạn đi từ Long Xuyên sang Cao Lãnh, dừng chân ở một chiếc quán bên đường lúc 10 giờ sáng, ngó sang những nhà xung quanh thấy có tới 2 độ nhậu, những anh lực điền vai u thịt bắp, ở trần trùng trục, đen bóng đang tiêu phí sức mình qua cái chai đế trắng đùng đục. Một ông lão, ngồi hút thuốc, người cũng nặng mùi rượu khoe: qua cũng vừa ở trong đó ra, bọn nhỏ uống chịu không xiết. Hỏi: bộ họ không làm gì sao? Lúa gặt rồi còn gì nữa mà làm. Làm công thì không ai mướn mà có mướn cũng biết làm chuyện gì? Một năm hai vụ lúa, mỗi vụ chỉ kéo dài hơn trăm ngày,mà có phải ngày nào cũng ở ngoài ruộng đâu. Và như vậy thì mấy ông xã cho là đã có việc làm, nhưng với thời gian lao động như vậy rõ là một dạng thất nghiệp trá hình. Một điều tra gần đây cho biết là trong số 80% dân số là nông dân ở ĐBSCL, thì hơn 30% là thất nghiệp thật sự, và khoảng 60% hộ là thất nghiệp trá hình: tức là có việc làm mà cũng như không. Ông già khi nãy tâm sự: nhà tôi có 10 công ruộng nhưng có tới 4 thằng con trai, đều có vợ cả, nên nghèo lắm.
Do quá trình đô thị hóa và do lượng dân cư tăng nhanh nên một số đất nông nghiệp bị biến thành đất thổ cư nên đất canh tác cho lực lượng lao động càng thêm thiếu hụt. Thời gian lao động nông nghiệp hiện nay theo tính toán chỉ mới sử dụng hết 1/3. Số còn lại dành cho video, dành cho rượu và đủ thứ tệ nạn do nhàn cư vi bất thiện. Mới đây, ở TP. HCM có một quyết sách là đưa các cơ sở xí nghiệp ngành may dần ra khỏi thành phố, nhằm đưa nền công nghiệp này về gần với nguồn cung ứng lao động; đây cũng là vấn đề đáng suy nghĩ, trong thực trạng lao động hiện nay.
Một người dân địa phương đưa tay chỉ một lũ nhóc, chỉ độc mỗi cái quần xà lõn chạy tung tăng trong nắng, rồi cười buồn nói: cùng với rượu chè, tệ nạn, lũ nhóc khổ sở đó cũng là hậu quả của thiếu việc làm. Biết bao giờ những vùng xa xôi như nơi này thật sự được biết đến cái mùi công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.
No comments:
Post a Comment