Sắp đến Tết, cánh đàn ông chắc sẽ không ít người lo tậu "rượu" để vui Xuân, vừa để đải đằng bạn bè trong dịp Tết, vừa để biếu xén, có người tuy không thích uống rượu nhưng cũng có vài thứ để cho bạn bè bíết mình cũng là dân chơi..."rượu". Thời bây giờ ít ai, cặp nách sang nhà tặng bạn một chai ba xị đế bao giờ, chí ít cũng một cặp" lên cơn" có mã rượu ngoại, mặc dù có khi chỉ làm gia chủ mắc công đem đổ...Nói vậy chứ, trong những thức ăn truyền thống, dân dã đôi khi thiếu một ly đế chính hiệu thì thật là vô duyên và mất đi hương vị, thử hỏi có ai ăn mắm sống mà uống rượu Tây bao giờ, mà nếu có cũng làm sao bằng một hớp rượu nếp. Nhiều gia đình còn giữ nếp cổ, các cụ còn không cho phép rót rượu Tây để cúng giỗ nữa là. Ngày Xuân, ở phía Bắc có thịt kho đông,dưa giá chắc là để làm bạn với "cuốc lũi", miền Nam thịt kho, dưa cải xứng với rượu nếp. Mà cách uống nếu được làm khác đi cũng làm cho người sành rượu mất hứng thú. Dân miền Tây uống rượu đế mà rót mỗi người một ly thì "lãng xẹt", phải cưa đôi mới đúng. Ai bảo uống rượu là không văn hóa, miễn là đừng quá lạm dụng, nếu không thì rượu làm sao được phép có mặt trong các dịp cúng kiếng, lễ lộc: rượu từ lâu còn là một thứ lễ quan trọng trong tập tục dân tộc. Có một anh nông dân Nam bộ kể lại như thế này mà khi viết lại cũng còn rõ dãi: " Con cá lóc được bọc bùn dẽo nướng bằng rơm, khi bóc ra chất ngọt chảy dài trên tay; ngắt vài quả ớt hiểm lấy cán dao đâm dập dập với muối hột, rồi sẳn vấp cá, rau húng trong vườn, bóc một miếng cá nóng hổi chấm muối ớt, cắn một cái với mấy cọng rau húng...Lúc đó thật là hết biết trời trăng; làm thêm một ngụm Xuân thạnh, khà một cái...đùi cứ rung rung tận hưởng cái vị ngọt, cái men cay chảy từ từ trong thực quản rồi quần nhau trong bao tử..."
Uống rượu nghe thấy đã như vậy, chứ có lần cũng chứng kiến một chuyện dỡ khóc dỡ cười: một vị khách Tây "bị" một anh Ta đòi cưa đôi một ly "trà đá" chứa đầy Remy Martel. Ông Tây trợn tròn con mắt vì "dội" quá và cũng vì bị cho là xúc phạm; số là uống như vậy thì coi như khi dể rượu Tây là đồ bỏ, trong khi phải mất bao năm mới ra được một chai. Uống rượu Tây, theo Tây là phải từ từ, là rất cầu kỳ. Có lẽ vì mất quá nhiều công đoạn để có được một chai Cognac, Champagne...mà rượu Tây trở nên quí chăng. Một du khách xứ sở của một loại rượu nổi tiếng thú thật đúng như vậy. Chỉ riêng công đoạn sản xuất Champagne cũng cho thấy được "nghề chơi cũng lắm công phu: " Phải làm từ nho chính hiệu xứ Chardone và Pinot (Pháp), loại vỏ và hạt xong được cho lên men trong thùng bằng gỗ sồi. Sau khi cho lên men trong vài năm người ta sơ chế bằng cách trộn các loại với nhau, thêm đường...rồi cho vào chai. Các chai này phải được dốc ngược và xoay đi xoay lại trong 5-7 năm trong các hầm rượu mới được xuất bán. Đó mới chỉ là thứ rượu nhẹ để uống khai vị, còn các loại rượu mạnh khác như Brandy, Cognac, Gin, Whisky, Rum ...thì việc chọn nho, chọn gổ đóng thùng cũng có thể kể thành 1001 đêm! Các loại rượu mạnh thì ngoại trừ các lưu linh cao thủ, còn thì mọi người uống phải pha chế thành các loại cocktail. Tùy theo khẩu vị mà mỗi người mỗĩ xứ có cách pha chế riêng dựa trên căn bản các loại rượu mạnh kể trên và các loại dùng để pha chế khác như trái cây, kem, sô đa...người ta biết hiện nay trên thế giới có đến hơn 2000 loại cocktail. " Chín người mười ý" hàng trăm triệu người uống rượu mà chỉ có vài ngàn cách pha chế kể cũng ít!. Rồi ngoài việc rượu nào đồ nhắm ấy, còn có vấn đề rượu nào ly ấy nửa chứ. Có đên hàng trăm loại ly. Ly uống champagne, ly uống cognac, ly uống cocktail...uống mà trật ly thì kể như là "Hai Lúa". Khi uống để lên mũi ngữi, cầm ly ngắm nghía chất rượu bên trong mới là đúng cách. Vì thế mà có cả một nghề được cấp bằng hẳn hoi là nghề pha rượu: bartender. Một bartender "xịn" phải nhớ gần một ngàn công thức pha chế; thậm chí phải biết cách pha một ly cocktail có ba, bốn tầng màu phân cách nhau trong ly! Một bartender kể rằng khi uống Tequilla, một loại rượu cất từ xương rồng Mexico, phải thoa chanh vào khoảng giữa ngón cái và ngón trỏ, rồi rắc muối lên. Uống một ngụm Tequilla, phải liếm bàn tay nơi có rắc muối một cái, mới đã!
Một anh bạn rủ một đồng nghiệp người Pháp về nhà ăn tối, để chứng tỏ là người sành rượu anh ta mua một chai champagne ngoại hẳn hoi để khai vị. Đến khi khui ra, cũng nổ chát chúa như ai, nhưng lại bị ông bạn cho là đồ giả: rồi anh ta mới chỉ cho biết: rượu champagne thứ thiệt không có ghi các ký hiệu ngôi sao và các dấu V.S.O.P, V.O hay X.O (chứng tỏ đượo cất lâu năm) gì cả; đó là ký hiệu cho brandy, cognac. Mà trên chai rượu champagne nhất thiết phải ghi năm hái nho, làng sản xuất, nơi đóng chai !
Văn hóa rượu là có thật, có văn hóa rượu của Châu Âu, có văn hóa rượu Trung quốc, có cả văn hóa rượu Việt Nam. Việc lạm dụng rượu dẫn đến tệ nghiện rượu, say xỉn thậm chí làm rượu giả cũng làm xấu đi cái "văn hóa rượu" vốn từ xưa đã là một yếu tố tập tục truyền thống. Đầu xuân, nâng chén rượu nồng thơm mùi nếp mới mà ngẫm chuyện rượu Đông Tây, kim cổ há chẳng phải là cái thú sao. Lý Bạch nhà thơ và cũng là một "con sâu rượu" nổi tiếng Trung quốc từng cho rằng thánh hiền có người còn chưa biết nhưng những bợm rượu thì ai cũng biết, quả thật là cái ngông của một nhà thơ:
" Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch
Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh "
No comments:
Post a Comment