Thursday, September 16, 2010

MÁ ƠI ĐỪNG GẢ CON XA...


Chỉ vì chuyện mấy cô gái ở Phụng Hiệp- Cần Thơ đi lấy chồng Đài Loan mà mấy người bạn suýt giận nhau. Vì mỗi người mỗi ý cơ mà. Cô kia chắc lưỡi hít hà lo cho số phận má hồng cùng nhau. Phen này đi lấy chồng xứ xa là "mười phần chết bảy còn ba" rồi. Đọc báo thấy bao nhiêu chuyện trái khoáy về vụ này cứ bày ra nhan nhản. Bảo sao không nóng ruột. Còn ông kia là dân làm ăn (gọi là doanh nhân), tính toán thiệt hơn một lúc rồi bảo rằng: vậy cũng hay. Sao mà hay? Ông nói 60.000 ngàn cô kia ở lại Việt Nam, bao nhiêu phần trăm sẽ thất nghiệp, bao nhiêu phần trăm rơi vào tệ nạn. Nếu lấy chồng là mấy anh nông dân chè chén liệu có thoát cảnh bị hành hạ? Bấy nhiêu đó nhà nước lo hết hơi, mà lo bằng tiền thuế của dân không chứ lấy đâu ra. Chuyện cãi nhau là vặt nhưng lại đặt ra lắm vấn đề cần suy nghĩ.


Nhiều người cho rằng hiện tượng lấy chồng Đài Loan là kết quả của tư tưởng vọng ngoại vốn phổ biến trong tiêu dùng nay lây sang hôn nhân. Song lý do này khó thuyết phục bằng tình trạng thất nghiệp phổ biến trong giới thanh niên nông thôn. Hiện nay, hơn 80 phần trăm lao động ở miền Nam là ở nông thôn. Trong đó 50% là nữ giới. Đã vậy, đất canh tác thì ngày càng nhỏ đi chứ không "sinh sôi nảy nở như người" nên công việc đồng áng cũng không đủ để cho lao động nam làm nói chi đến nữ. Hơn thế nữa, làm ruộng có làm mãi suốt năm đâu, cũng phải chờ lúa chín, phải chờ trời mưa. Thế là, khi điều tra lao động ghi là Nguyễn Văn A., nghề nghiệp: làm ruộng. Cứ ngỡ là có nghề ngỗng đàng hoàng nhưng một năm 365 ngày, chỉ ra đồng có vài tuần là hết việc. Cái đó nghe đâu mấy ông ở các viện gọi là thất nghiệp trá hình. Nhiều địa phương kêu gọi công nghiệp hóa nông thôn, mang nhà máy về xây ở nông thôn để thu hút lao động nhằm ly nông bất ly hương. Nhưng nhiều nhà máy phải hoạt động cầm chừng do tác phong kỹ luật công nghiệp không thể một sớm một chiều cảm hóa được cái tính lề mề trong lao động nông nghiệp của công nhân lẫn nhân viên quản lý tại chỗ. Một thanh niên ở Phụng Hiệp khóc lóc như mưa: con bồ của em sắp lấy chồng Đài loan rồi. Sao chú không xin cưới nó trước đi. Cưới rồi lấy gì nuôi. Sao không cho nó đi làm. Nó nói làm công nhân may đi ca, tù túng quá đi không nổi. Vậy chú mày làm cái gì đi để nuôi vợ con. Dạ em không biết may, mà ông già cho có 1 công ruộng. Một ông giám đốc có nhà máy đặt ở huyện than công nhân nữ tới mùa thì xin nghỉ gặt, nghỉ cấy mấy ngày...Còn nam thì vô nhà máy mà nghe nồng nặc mùi hóa chất (cồn), hỏi thì gãi đầu: em mới vô có một xị.

Hóa ra lấy chồng đi nước ngoài, có ít vốn cho bà già không sướng hơn sao. Thế là rủ nhau lấy chồng Đài Loan cả lượt. Ngăn chặn những yếu tố tiêu cực liên quan đến vấn đề này là cần thiết. Song việc giáo dục và cải thiện chất lượng lao động nông thôn phải là căn bản và song hành với quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa nông thôn. Nếu không, có xây mười nhà máy ở huyện xã thì cũng không có ai làm việc. Ông giám đốc công ty may chặc lưỡi, đi lấy chồng Đài Loan trong hai năm tới 60.000 ngàn cô, còn cái nhà máy có mấy trăm công nhân nữ của ông mà không chắc có đủ người để tuyển. Bần cùng sinh sáng kiến, ông nói: hay ta đổi mới tư duy bằng cách thay vì tuyển thợ may là nữ, mình tuyển nam tất. Thế cũng hay. Nhưng liệu có xảy ra vụ lấy vợ Đài Loan không nhỉ?


No comments: