Ở trong bếp nhà tôi, cũng như bao gia đình khác ở miền Nam hay có một góc nhỏ thờ Ông Táo. Chiều tối phải kính cẩn thắp nhang. Cứ như thật sự ở đó có một ông thần linh thiêng hàng ngày chăm chút cho gia đình có cái ăn, cái mặc. Ngày 23 tháng Chạp, nấu chè xôi đưa gia đình ông Táo đi về trời xong là không còn thắp nhang nữa, cho đến tận hôm 30 làm cỗ rước ông bà về ăn Tết mới rước ông Táo về luôn. Nghe đâu ngày xưa, sau ngày 23, người ta không còn nấu nướng nữa vì không có ông Táo. Ngày 30 tết, ông Táo về thì bếp nhà ai cũng luôn đỏ rực, không hầm nồi thịt thì cũng nấu bánh tét, bánh ít…nấu nướng bận rộn (có khi vì cả tuần không đốt lò chăng? ). Lâu rồi mà tôi vẫn nhớ như in những cái bánh ít thử bột đầu tiên mà bọn trẻ chúng tôi giành nhau, tức là thử xem bột bánh như vậy khô hay nhão rồi liệu mà gia giảm. Chuyện thổi lửa mọi khi đứa nào cũng lãng tránh, vậy mà hôm nay đứa nào cũng canh bếp, cho thêm củi vào cái cà ràng, thổi xì xụp. Rồi tranh nhau ngồi canh lửa cho nồi bánh tét mà tận khuya mới chín. Cái cà ràng là cái bếp lò bằng đất sét đắp thành cái lò có ba ông táo, một cái máng để gác củi lên nấu. Không biết vì sao người ta gọi đó là cà ràng, chỉ biết khi nhớ về tuổi nhỏ, nhắc về ngày xưa, về bếp nhà là cái cà ràng hiện lên trước mắt. Đôi khi cố gắng nhét cái bếp ga vào trong ký ức mãi mà không được. Giống như uống thuốc nam thì không uống đựoc thuốc Tây! Hồi đó, tôi hay thắc mắc rằng nhà mình ăn có bao nhiêu mà nấu chi cho mệt, đi ra chợ mua về cho xong. Bà Nội tôi bảo: Ay, ngày Tết mà không nấu nướng gì thì đâu có vui, vả lại cho nó rẻ, gói được nhiều, con cháu quây quần lại có cái mà ăn. Mà thật ra ăn có bao nhiêu. Hồi nhỏ, tôi đã không thích mấy ngày tết mà chỉ thích mấy ngày cận tết, vì nó vui hơn. Thật ra vì mấy ngày cận tết trong bếp luôn rộn rịp, vui vẻ vì đang chuẩn bị mọi thứ cho tết mà, không khí lúc ấy háo hức, chờ đợi. Chứ còn hết ngày mồng Một là coi như tết đã qua rồi.
–—
Mấy bà cô ở Mỹ năm nào về cũng dặn Nội và mẹ tôi làm món này món nọ. Về tới sân bay, gặp người thân khóc hù hòa một chặp; lại nói cười và hỏi có làm món này không, có làm món kia không. Như thể, ở bên đó mấy bà đã bị người ta bỏ đói mấy đời. Vậy chứ kêu ghé đâu đó ăn tạm thì không ai chịu. Phải về nhà, phải bày ra nấu nướng mới chịu. Hóa ra, mấy cô muốn cái gì khác, nhớ nhung một cái gì khác, vô hình lắm chứ không phải chỉ có mấy món ăn ưa thích (mặc dù có thèm thật). Những ngày về thăm quê nhà, thường các cô ít đi đâu chỉ thăm thú bà con ở gần; còn thì chỉ quanh quẩn ở nhà bếp. Chị em lâu ngày gặp lại, không gì đầm ấm hơn là thủ thỉ, trò chuyện với nhau quanh cái bếp, theo các cô là vậy. Buổi sáng, bà Nội tôi hỏi hôm nay các cô thích ăn gì. Thế là một kế hoạch được đặt ra. Những người ở xa về tham gia vào trò nấu nướng như muốn dựng lại một ký ức mà mình đánh mất hơn là nấu một món ăn cụ thể. Người nhặt rau, người thái thịt, làm gà và những câu chuyện ngày xửa ngày xưa sống lại, ấm lên theo khói bếp. Có những khoảng lặng nước mắt rơi ra, ràn rụa không biết có phải vì khói bếp. Có những tiếng cười phá lên rộn rã…cho đến khi món ăn nấu chín. Rồi bày tiệc ra ăn uống với nhau, lại nói cười. Những buổi làm bếp như vậy thật sự là là những ngày sum họp. Khi quay về Mỹ, tới nơi gọi điện thoại về, câu đầu tiên thường là: trời ơi tao nhớ món thịt kho, tao thèm canh chua quá…mặc dù mới ăn ngày hôm trước. Thật ra, các bà chỉ thèm ngồi nói chuyện í ới với nhau quanh cái bếp mà thôi. Nơi đó chứa đựng bao nhiêu tình cảm, bao nhiêu ký ức, kỷ niệm của mọi người. Cái bếp: nơi đó đối với dân mình là gia đình, là quê hương.
–—
Gió se lạnh về là Tết đã gần kề, những người xa xứ, xa xứ ngay trong quê hương mình, luôn canh cánh chờ đợi ngày về quê nhà sum họp trong dịp Tết. Khi ấy trong tôi, tuổi thơ và cái bếp, cái bếp bằng đất hiện lên mồn một. Nó thôi thúc và háo hức lắm, mặc dù bây giờ nồi bánh tét, bánh ít đã không còn vì Nội tôi, mẹ tôi già rồi không còn làm nổi, mà bọn trẻ thì không biết làm. Chỉ mong được ngồi trong bếp xem mọi người làm các món ăn ngày tết đã là sung sướng lắm rồi. Cái Bếp đối với người Việt không chỉ đơn thuần là một biểu tượng phồn thực mà còn mang cả giá trị văn hóa, tinh thần rất lớn.
No comments:
Post a Comment