Giáp tết, ở quê nắng lên chói chang quá đầu mà khí trời vẫn còn se lạnh. Nông dân đã nghỉ tay từ nửa tháng trước. Giờ thì ngoài việc chăm chút mấy luống rau, hoa để "ăn tết", chỉ còn nước chiều chiều lai rai. Trưa hè im ắng, chả có một tiếng gà gáy; thậm chí còn nghe cả tiếng ngáy trưa của ông nông dân trên chỏng tre. Chợt có tiếng hô vang vang khắp xóm mà chả ai để tâm càu nhàu. "Hớt tóc ăn tết …đây". Hóa ra đó là tiếng rao của ông thợ hớt tóc dạo già; ông chạy chiếc xe đạp lọc cọc khắp làng trên xóm dưới, cạp quần kẹp lại bằng hai cái kẹp áp bằng cây cho ống đừng dính sên. Có mỗi một câu mà ông lặp lại cả ngày có hơn hàng trăm bận. Nhiều khi nắng trưa nóng và uể oải quá, ông chỉ hô chữ tóc và tết. Vậy mà ai cũng biết, họ đâu cần nghe hết câu. Dịp tết như vầy mỗi ngày ông cũng kiếm được 6-7 "cái đầu", mỗi cái 3.000 đồng (trẻ em thì 2.000). Vị chi, tròm trèm hai chục ngàn. Chỉ có hai chục ngàn nhưng đối với ông là cả vận hội mà mỗi năm chỉ đến một lần. Ông nói: Đàn ông xã này do tôi hớt tóc không đó. Có người một năm chỉ hớt có 2-3 lần. Mà ông trời chắc cũng thương nghèo nên tóc của họ lâu ra lắm chú ơi! Một thằng nhỏ mặc tà lỏn, chạy theo kêu: Tóc, tóc. Vô đây hớt cho con, cho mấy anh con, rồi ba con nữa. Trúng mánh rồi, ông nghĩ. Nhưng biết đâu hớt xong họ sẽ mang con gà giò ra trả tiền công. Vậy cũng được. Chỉ một tháng cuối năm, thu nhập của ông đủ để ăn một cái Tết miền quê tươm tất.
Cô Sáu ở chợ xã hầu như không thể đóng cửa hiệu uốn tóc của mình, ngày cũng như đêm. Có năm đến giao thừa còn phải làm đầu cho mấy cô, mấy bà ăn Tết. Cô than sao họ không lo uốn tóc trước đi, đợi đến tết tới nơi mới làm. Mấy bà cười tỏn tẽn, làm đầu sớm quá, đến Tết nó cũ! Chủ mấy cửa hiệu ở chợ, mấy cô gái con nhà khá giả thì cầu kỳ, mốt này mốt nọ. Có khi họ lên chợ huyện, chợ tỉnh làm đầu cho sang. Còn tiệm uốn tóc ở xã như cô Sáu và mấy người khác nữa chỉ phục vụ chủ yếu cho mấy đứa học sinh và dân quê chính cống. Con nhỏ học trò, cô cho đi xuống mấy ấp xa xa từ ba bữa trước. Nghe đâu nó kiếm cũng khá. Một cái đầu tóc cắt uốn cũng phải mười ngàn, gần cả chục ký lúa chứ chơi sao. Uốn tóc tại nhà, nướng kẹp bằng lò than. Vậy mà có khối người kêu réo làm không kịp. Thật là no dồn đói góp. Cận Tết thì việc làm không hết, nhưng ăn tết xong có khi nghỉ tới đầu tháng hai. Nhưng có nghỉ thêm tháng nữa cũng được. Một tháng làm tết bằng cả mấy tháng trong năm. Phen này sau tết, về tỉnh học thêm ông thầy mấy chiêu mới bấm tóc, ủi tóc gì đó. Còn phải mướn thêm người để lo thêm dịch vụ làm móng. Tự nhiên mấy bà ở xã chợt rộ lên mốt sơn móng tay, không đủ người phục vụ mới chết chứ! Ngoài cửa có một chị thập thò. Cô sáu nói với ra: Trưa đi nghe, bây giờ đông quá.
Bác Hai xe lôi ngồi uống cà phê ở góc chợ huyện. Bình trà này nữa là thứ tư. Bác đợi mấy cô cậu ở xã coi ca nhạc, hội chợ xong mới chở về. Họ bao rồi, đi về 15.000 đồng, sáu đứa, nhưng chắc đợi tới 11, 12 giờ. Mấy hôm rày, chở người ta đi chợ từ xã ra huyện, từ huyện quay về, chiếc xe Dream tàu của bác muốn xì khói. Xe thì xì khói nhưng chủ thì vui như tết. Tết là dịp kiếm ăn của bác và mấy ông xe ôm kia mà. Nghề nào còn nghỉ tết, chứ bác thì đâu có nghỉ. Sáng mùng một năm nào cũng vậy, thắp nhang ông bà xong. Leo lên xe là tới chiều mới xuống. Người ta đi chơi đâu mà lắm thế. Có khi người ta bao xe lôi chạy tuốt lên tỉnh, cả mấy chục cây số. Cực, nhưng một chuyến 8,9 chục ngàn, tính ra cây số thì lời hơn. Thôi thì ăn tết sau vậy.
Thằng Hùng thợ may có cái lưng xem chừng cứ còng thêm trong mấy ngày giáp tết. Nó may từ sáng đến tận khuya, mà vẫn không kịp. Vợ nó chịu hết xiết nên đi ngũ từ nảy giờ. Còn nó thì ráng thêm chút nữa. Bà Ba xóm trên, mới ghé thăm chừng xem nó may bộ đồ ăn tết cho bà xong chưa. Để lên bàn mấy cái bánh phồng mới nướng rơm còn nóng hổi, bà nói nhỏ với nó như sợ có ai nghe thấy: ráng nhe, mai tao lấy nghe. Năm nào cũng vậy, sau ngày đưa ông Táo, hai ba tháng Chạp là bắt đầu giai đoạn thức trắng đêm để may đồ. Cái áo sơ mi ăn công có 15.000 đồng, cái quần 25.000, bộ bà ba 20.000. Kể ra vợ chồng nó kiếm cũng khá đó chứ. Xong mùa này kiếm cả triệu bạc, chứ có phải chơi đâu. Vậy mà cứ than đến rát ruột. Nào là bây giờ thanh niên đâu còn ai may đồ mặc nữa. Ở ngoài huyện mấy cái sơ mi, quần tây coi sang trọng hết sức mà có mấy chục ngàn. Thêm một tí tiền là có ngay một bộ tinh tươm, hàng hiệu. Trên túi áo, túi quần còn có thêm cái lô gô gì đó trông thật bảnh. Nó nói gần đây nó may quần thì ít còn sửa quần thì nhiều lắm, mà chủ yếu là lên lai quần, 2000 đồng một cái! Nó nói qua tết nó xin cho vợ nó vô làm xí nghiệp may mới mở trên huyện cho rồi. Vợ nó vươn vai ngáp mấy cái rồi ra ngồi may tiếp, cứ như nảy giờ nó chưa đi ngủ. Vậy là vẫn còn kiếm ăn bằng nghề may, được đấy chứ.
–—
Mấy cây mai cổ thụ từ đầu trên đến xóm dưới đã bắt đầu trổ hoa, gió Tết càng thổi tợn. Chợ búa càng tấp nập, sung túc vui vẻ. Người ta bảo tết chỉ vui nhờ những ngày Giáp tết, mọi người mua bán, chuẩn bị sắm sửa các thứ. Chứ đến mùng Một thì coi như hết rồi. Đối với những người như ông thợ hớt tóc, bác xe lôi, cô uốn tóc và chú thợ may… ở dưới xã thì quả đúng như vậy. Họ không mong mùng một, mùng hai mà chỉ ước cho những ngày cận tết này dài thêm ra để cho cơ hội kiếm sống cứ mãi rộn ràng. Nói vậy thôi chứ ai mà không mong tết đến. Ai cũng cười bảo vậy.