Thursday, September 16, 2010

Chợ rau đêm


Giữa lòng đô thị Cần Thơ mà vẫn còn một phiên chợ còn mang tính chất thôn dã, tự sản tự tiêu thì quả là một điều thú vị. Có người gọi đó là chợ Âm Phủ, nhưng những người buôn bán ở đây khi nghe gọi chợ bằng cái tên như vậy, thè lưỡi lắc đầu: sao gọi cái tên kỳ dzậy? Hỏi: vậy chứ kêu làm sao? Họ nói rằng cứ gọi nó là chợ hàng bông khuya là được


Chợ của những người "ngủ sớm dậy khuya"

Vợ chồng anh Hai Tồng, nhà ở tận Phong điền-cách Cần Thơ 15km, từ 2 năm nay, kể từ khi tham gia vào chợ này, đêm nào cũng đi ngũ lúc 7 giờ tối, để 12 giờ khuya là thức dậy ra chợ. Đây là chợ hàng bông theo như cách gọi của người họp chợ. Nhưng chợ không có bán bông hoa gì cả mà chỉ có trái cây và rau cải vườn. Nào là mận, ồi, sa bô; nào là chuối,cam, cóc...Rau thì xà lách, rau thơm, tần ô, bầu bí...Mua gì cũng có. Chợ bắt đầu khởi động từ khoảng 12 giờ khuya khi những chiếc xuồng ba lá chở đầy ấp trái cây rau cải của những người làm vườn làm rẩy từ miệt Phong điền, Cái răng, Ba Láng, Rạch gòi...cặp bến Ninh Kiều. Ghe xuồng tấp nập trên cả một đoạn dài của bến sông, tiếng người gọi nhau i ới. Xe đẩy tay, người vác mướn chen nhau đưa hàng từ bến sông lên họp trên các con đường từ đèn ba ngọn đến ngã tư Ngô Quyền-Lê Thánh Tôn, quẹo sang Tân Trào. Đặc biệt đoạn đường Ngô Quyền chỉ toàn là trái cây các loại, còn đoạn Lê Thánh Tôn-Tân trào dành cho rau cải. Những người từ miệt quê đến đây không chỉ là những người tự sản tự tiêu mà còn có những người mua bán chuyên nghiệp đi thu mua trái cây, rau cải từ vườn, từ rẩy rồi chở ra đây để bán. Chị Hoa, nhà vườn ở Láng Hầm, bày trước mặt mấy thúng cam,ồi; thứ nào cũng tươi chông vì mới hái, tươi cười nói: Đêm nào tôi cũng ngồi ngay chổ này từ 2-3 giờ sáng, chỉ khi nào mưa quá hoặc bệnh hoạn gì mới không ra. Không ra thì buồn và không có tiền. Chị cười sang sảng như quên hẳn thời gian, rằng mới có hơn 3 giờ sáng. Trời hửng sáng, thêm một số các bà các cô đi tập thể dục thấy đồ tươi rẻ nên dừng lại mua khiến chợ càng thêm náo nhiệt. Thế nhưng sự náo nhiệt chỉ diễn ra thêm chừng nửa giờ thôi. Mọi người đang chuẩn bị thu xếp trở lại nhà lồng chợ, hoặc trở về nhà, trả lại con đường cho người qua lại.


Dập dìu kẻ mua người bán

Bà Tám "cải", nhà ở Rạch gòi nhà chuyên trồng rẩy, đang ngồi uống cà phê đá bên cạnh một đống bầu bì, dưa leo ngồn ngộn, cô con gái út tay thoăn thoắt đếm dưa cho vào từng bọc 30 trái để chờ mối đến lấy. Bà bóc một quả dưa leo còn đầy phấn trắng đưa cho tôi: Ăn đi, không có thuốc sâu đâu đừng lo. Của nhà qua trồng đó, bán cho đám lái buôn nó ép giá còn chừng phân nữa (thực tế khoảng 30-40%), nên qua chịu cực đem ra đây bán sướng hơn. Tới sáng khi bà về nhà ngủ, thì mấy đứa con đi mua các đám cải, dưa trong xóm để khuya đến bà lại mang đi. Khoảng hơn 20 người ở chợ rau là dân Cần Thơ, họ là chủ vựa nhưng cũng dọn chợ từ khuya để đón dân nhà vườn mang hàng ra rồi mua lại; sau đó ngồi bán đến tận 6 giờ sáng mới dọn vô nhà lồng chợ. Số còn lại là người dân từ quê ra rồi tự bày bán cho đến sáng mới đi chợ rồi về luôn. Bên phố trái cây cũng vậy. Nhiều chủ vựa cũng thức cùng chợ, chờ nhà vườn mang trái cây ra để sang lại. Còn rau cải Đà lạt thì xe tải đậu ở xa, chỉ chở hàng về từ khuya bằng xe ba gác. Xen lẫn rau trái vườn, còn có cả nhưng thứ mang về từ nơi xa đến tập kết ở chợ này, càng làm cho nó phong phú nhộn nhịp hơn. Việc mua bán sang tay giữa các chủ vựa và dân trồng vườn trồng rẩy thường diễn ra từ 1-3 giờ sáng. Sau giờ này thì người mua thật sự mới xuất hiện: họ là những người bán rau cải từ các chợ nhỏ như Xuân Khánh, Mít nài, Trà Nóc đến bồ hàng về bán, họ là các xí nghiệp công ty ở tận khu chế xuất xuống mua thức ăn về làm bữa cho công nhân. Chị Tám, chị nuôi của một xí nghệp hóa chất, đang khệ nệ nào bí nào rau vừa mặc cả vừa hối thúc đóng hàng mang về, chị đưa tay chỉ ra chợ: ở đó bán mắc mà còn không tươi, vả lại buồi sáng đông người lắm nên đi chợ sớm này cho khỏe, cho rẻ. Chị chỉ cho tôi một quả bầu to đùng chỉ có 800 đồng! Tôi thì mua bầu bí làm gì, nhưng cũng trở lại mua một nãi chuối xiêm to 2500 đồng, và 1kg cam 6 trái 2000 đồng!


Những người thức và sống cùng chợ

Mấy quán cà phê cóc mở sáng đêm phục vụ chợ, mấy xe bánh mì thịt, xôi gà, có cả đống áo quần si đa cho các người dân quê lựa chọn. Mấy tay xe ôm ngáp vắn ngáp dài trên những chiếc ghế nhựa mà quán cà phê dọn ra ngoài đường. Còn mấy bác xe lôi thì có người đang an giấc trên chiếc xe của mình để chờ khách. Co ro trong chiếc áo gió cũ màu cháo lòng, Hòa-một thanh niên chạy xe ôm tâm sự: em đang chờ một chị cấp duỡng cho xí nghiệp hóa chất trên khu chế xuất đi chợ. Nãy giờ đã chở được 3 mối hàng đi về các chợ nhỏ. Bên cạnh mấy chiếc xe lôi là hàng đống rau quả đã đóng kỹ nằm chờ chủ nhân còn đang mua bán gì đó gần đấy. Một xe xôi gà lửng thửng đi đi lại lại trong một đoạn đường có hơn trăm mét, đâu đó vang lên tiếng gọi: xôi ! xôi. Đêm khuya nhưng cô bé chạy bàn cho quán cà phê cứ lăng xăng chạy đi chạy lại mang cà phê cho những người bán hàng, còn vài tiếng nữa là cô sẽ được ngủ bù, vì quán chỉ mở về đêm. Đông đảo nhất phải kể đến đội quân bốc vác, chuyển hàng; họ bận rộn nhất là vào khoảng 1-2 giờ sáng khi mà lượng hàng về rất nhiều, càng về sáng công việc càng thưa dần...


Tan chợ

Khi đầu đường Ngô Quyền, xuất hiện chiếc xe rác to đùng thì Bác Hai già chạy xe lôi, không thèm nhìn đồng hồ cũng nói ngay: 5 giờ rưỡi rồi. Mọi người cũng đang tất bật thu xếp gọn gàng để di chuyển hàng hóa thoắt một cái đã đuợc mang đi đâu hết. Đoạn đường rộn rịp lúc khuya nay lại im ắng. Vợ chồng Hai Tổng bán trái cây đã đi đâu mất. Không biết họ kiếm được bao nhiêu tiền lời nhờ mua đi bán lại mấy chục nãi chuối xiêm để trang trãi ít nhất 1000 đồng hoa chi, 1000 tiền bến đò, 2000 đồng tiền bến đậu ghe, 4000 tiền cà phê đá và 4000 đồng bánh mì mà hàng đêm họ phải chi ra. Nhưng chắc chắn bà Tám "cải" sẽ hài lòng vì không bị lái buôn bóp cổ của bà mấy chục phần trăm. Chợ hàng bông về đêm của Cần Thơ là một đầu mối quan trọng trong hệ thống cung cấp rau quả cho hàng chục chợ nhỏ khác trong nội ô, nuôi sống không biết bao nhiêu người dân quê và cả thành thị. Điều thú vị khác là giữa đêm khuya hai khách du lịch phương Tây vì không ngủ được nên xuống phố dạo chơi, chợt thấy chợ thích chí chụp hình lia lịa. Ông ta nói đây mới thật là một nét đặc sắc của chợ Việt Nam vì không có nơi nào giống như vậy.

No comments: