Friday, September 17, 2010

LÃNG PHÍ THÀNH BỆNH


Ghé thăm Cao Lãnh (Đồng Tháp), một ngày hè nóng nực. Anh bạn hỏi: đi bơi không? Thế là tôi may mắn được chiêm ngưỡng một khu liên hợp công trình hết sức hoành tráng và hiện đại của khu liên hợp thể dục thể thao được xây để phục vụ hội khỏe Phù đổng năm 2002. Sự to lớn của nó xứng đáng để được gọi là một làng thể dục thể thao cỡ quốc gia. Nghe đâu kinh phí xây dựng lên tới cả trăm tỷ đồng. Nhưng giờ đây nó đã thực hiện xong vai trò lịch sử và sắp về hưu vì kể từ dạo ấy đến nay chưa có một giải nào có tầm cỡ của nó được tổ chức tại đây. Cái hồ bơi đúng chuẩn và lớn nhất ĐBSCL (nói khiêm tốn thế chứ người ta còn cho rằng cả nước nữa cơ) hiện nay được mở cửa cho nhân dân mua vé vào bơi. Khốn nổi, dân sông nước miền Tây khoái bơi ngoài sông hơn vì vừa thoải mái vừa không tốn tiền. Nhìn lượng người vào tắm cũng có thể nhẫm tính: doanh thu hàng tháng không đủ trả lương cho những người bán vé và bảo vệ! Trong khi đó, cuối năm nay nuớc ta sẽ tổ chức Sea Games 23, các vị lãnh đạo thể dục thể thao đang tất bật lo xây cất cơ sở vật chất cho ngày hội này, người hâm mộ sợ không biết có kịp thời gian. Vậy mà không nghe ai nói sẽ đưa một môn nào đó về thi đấu tại đây: vừa có dịp sử dụng cơ sở này ( mới xây không lâu) vùa đỡ phải lo lắng. Người biết chuyện bảo còn nhiều vấn đề khác nữa chứ có phải tiết kiệm là được đâu, đừng "mất công lo bò trắng răng".


Câu chuyện sau là một nghịch lý của cái có lý. Một đơn vị trung ương về địa phương mở nhà máy. Địa phương cấp ngay cho một miếng đất mà trên đó có một cái nhà kho vốn chứa thuốc sâu trước đây. Cái nhà kho không biết xây đã bao lâu (nghe đâu đã 7-8 năm) nhưng nay thì đã rệu rã. Nguyên giá thì chẳng biết là bao nhiêu nhưng đơn vị tiếp nhận phải bồi hoàn tài sản theo luật định giá trị còn lại của nhà kho sau ngần ấy năm khấu hao trên hai trăm triệu đồng. Sau đó họ phải đập bỏ để xây nhà máy mới vì không thể dùng vào việc gì được. Việc bán sắt vụn thu lại hơn chục triệu đồng! Đương nhiên là đơn vị mới phải gồng gánh vài trăm triệu trên như một khoản đầu tư ban đầu và toàn bộ nhà máy mới phải è ra trả món nợ này. Vậy mà có người nói tiền nào mà chẳng phải của nhà nuớc! Thế mới đau. Sẳn câu chuyện này liên hệ với việc đào lên lắp xuống của mấy ông công chánh, điện, nước. Việc đào đắp như vậy thiệt hại như thế nào thì ai cũng biết. Thế nhưng cho dù đào lên hay lắp xuống, xây hay phá, thì giá trị công trình đều được tính vào GDP cả. Như thế ai thì cũng có công hết! Lãng phí không chỉ từ những công trình lớn mà còn trong cả những bữa tiệc thừa mứa. Hóa ra lãng phí là căn bệnh phổ biến. Chống lãng phí không những từ cơ chế quản lý mà còn cả trong ý thức mỗi người. Việc cũng chả dễ dàng gì nếu mọi người không cùng làm.


No comments: