Friday, September 17, 2010

Hương vị quê nhà: HƯƠNG BIỂN

Quê ngoại tôi nằm ở ven biển một tỉnh miền Tây-Trà Vinh. Một vùng đất khó, cho đến nay người dân vẫn còn nghèo; đặc biệt là các vùng nông thôn xa xôi. Những ngày cận Tết như thế này, gió từ biển thổi vào phần phật như muốn cuốn lốc hết thảy mọi thứ, cùng với cát. Cát thổi vào mái và vách lá của những ngôi nhà nghe rồn rột. Vậy mà khi gió cát về thì mọi người lại rộn ràng hẳn ra. Những cánh đồng dưa hấu xanh mướt dưới nắng trời, nhú lên những quả con con. Khi tiếng quết bánh phồng vang lên phùm phụp đâu đó thì ngoài đồng cá kèo đã nổi đầu khắp nơi. Một lần về Duyên hải, quê ngoại xa lắc, mấy đứa nhỏ con cậu con dì đi bắt cá kèo cho ăn. Chúng làm một thòng lọng bằng chỉ may, rồi rà ngay trước đầu mấy con cá kèo giật mạnh. Cứ tưởng trò chơi như vậy biết chừng nào mới có ăn; vậy mà trong chốc lát chúng bắt được cả nồi cá kèo mập núc ăn cả ngày không hết. Chứ mấy cái xà ngôn đàng sau ruộng mỗi lần trút ra chỉ có nuớc đem bán mới hết! Một chiếc nồi đất đun bằng rơm của vụ mùa vừa gặt xong, bốc lên mùi ngay ngáy của rạ mới. Cá kèo còn sống nhảy tưng tưng được nhanh tay bỏ vào nồi đậy kín nắp lại, chỉ sau vài phút chúng chết hết. Cho nước mắm rươi vào đun sôi, vớt cho đến hết bọt là chín tới. Không bột ngọt, không đường và phải là mắm rươi với cá kèo còn sống thì mới đúng. Nước mắm làm từ những con rươi biển, có cái mùi đặc trưng của vùng duyên hải. Cá kèo kho khi còn sống mới làm cho con cá giữ vị ngọt và thịt mềm mại, cộng với cái mật đắng trong bụng cá làm cho cá kèo trở thành loại cá độc chiêu, chỉ mình nó mới có. An cá kèo phải ăn nguyên con mới lịch sự, còn bẻ khúc đầu, nơi có cái mật thì khúc đuôi để ai ăn. Ở thành người ta lấy dấm, muối làm cho cá hết nhớt, rồi mới đem kho, khiến cho con cá khô quắt và cứng. Độc món cá kèo kho ăn với cơm nóng, trên mâm có thêm một dĩa dưa hấu mới hái trên rẫy về là một điều hạnh phúc. Hạnh phúc thật đơn giản và bình thường như nó vốn vậy, không chỉ của nguời dân vùng biển, mà còn của những người lưu lạc ở chốn thị thành trêu ngươi nay lại tìm thấy sự quen thuộc nơi ký ức sâu thẳm.

Chiều xuống ở vùng này, gió càng tợn. Những cây dừa cao, trĩu trái cứ nằm xuống đứng lên trông hãi lắm. Gió càng nhiều, người ta càng cười. Vì họ chắc rằng ngày mai tép sẽ đầy ắp xà ngôn. Những con tép bạc đất, mình to bằng ngón tay, trong xanh, búng mình chong chóc trong rổ. Dân ở đây bảo tép sinh ra từ đất. Vì ruộng khô nẻ, cứ có nuớc vào là có tép. Loại tép đó lột hết vỏ lấy noãn bỏ vào trong một trái dừa. Loại dừa chưa khô nhưng cũng khá già, thường dùng để làm mứt. Nuớc dừa này như có ga, uống nghe gay gay. Chừng mười lăm phút, noãn tép đã đỏ rần trong trái dừa. Muối hột đem ra đâm nhỏ với ớt hiểm xanh mọc trong bụi tre. Mấy cọng rau răm, vấp cá sau hè được hái và bày ra quanh mâm. Gắp con tép trong trái dừa chấm vào muối ớt, đưa vào miệng cùng với một cọng rau răm. Vị ngọt của biển dạt dào trong miệng. Một ngụm rượu nếp (trông cứ đùng đục thế nào ấy) đẩy cái ngọt và sùng sục của biển vào tận bên trong. Hai tay cứ vỗ đùi đôm đốp. Thật hào sảng, thật đã! Trong xóm, từng ngọn lửa rơm nướng bánh phồng chợt bùng, chợt hiện. Gió phần phật gợi lên một thời khai phá của cha ông.

Những món ăn vùng quê không chế biến cầu kỳ, không bày biện công phu nhưng cứ xoắn xuýt trong tâm hồn, trong ký ức người đi xa. Ở một góc khuất nào đó, thỉnh thoảng nó chợt hiện lên. Và khi có ai nhắc tới, hồn quê - vị ngọt của món ăn như cứ trào lên trong trái tim và cả trên đầu lưỡi.


No comments: