Thursday, September 16, 2010

XÓM NHỎ


Cả chục năm nay, con hẻm nhỏ vẫn cứ bình yên như ngày nào mà mỗi cư dân cứ phải xắn quần lội qua vũng bùn để vào nhà. Rồi con hẻm được xi măng hóa. Rồi nhà cửa khang trang hẳn ra, rồi xe máy ra vào inh ỏi. Chả bù với lúc mà từ chú Tư, anh Tám đều lặng lẽ mỗi ngày hai buổi đi về trên nhũng chiếc xe đạp cà tàng. Thế rồi, một hôm, cả xóm náo nhiệt lên vì những sự kiện dồn dập. Người ta mới chợt nhận ra rằng thời buổi kinh tế thị trường đã làm cho xóm nhỏ không còn bình yên như xưa nữa…


Từ đám cưới Đài loan...

Lão Tư có mụ vợ chanh chua bán đồ Si đa ngoài phố, tự nhiên sắm hẳn bộ cánh mới tinh tươm. Lão đang ra sức đạp nổ chiếc xe máy mới tậu. Mụ Tư đi tới đi lui trong xóm trong bộ cánh lòe loẹt mà cỡ tuổi mụ không ai dám mặc. Đám con đứa nhỏ nhất 5 tuổi cho tới đứa lớn nhất 18 tuổi cũng lăng xăng như nhà có đám. Mà có đám thật. Chả là lão Tư đang làm đám cưới cho đứa con gái mới 17 tuổi lấy chồng Đài Loan. Cái thằng chồng may thay chả sức mẽ gì nhưng theo lời của mấy thằng nhóc trong xóm con nhỏ chắc phải kêu bằng ba mới vùa. Hàng xóm cũng lấy làm ngạc nhiên nhưng vì đám cưới diễn ra ở nhà hàng và không mời ai nên cũng không ai thắc mắc. Chỉ có đều sau đám cưới mụ Tư không còn chạy chợ Si đa mà ở hẳn nhà. 5-6 chiếc tàu há mồm đều trông chờ vào món tiền cưới mà nghe đâu chưa tới một cây vàng. Con em của đứa vừa lấy chồng được mụ chăm chút, phổng phao hẳn ra mặc dù mới chỉ 15-16 tuổi. Có tin rằng mụ cũng đã lo liệu xong chờ đủ tuổi là theo chị về Tàu. Khổ nỗi, con chị cho đến giờ cũng chả thấy có thư từ gì?


Cho đến khách phương xa...

Buổi chiều, con hẻm vẫn chưa sáng đèn. Bọn trẻ đang chơi đùa hể hả cùng nhau sau cả ngày bị "giam" trong trường. Bỗng cả bọn lặng im mấy giây vì lạ hay vì hãi quá không biết. Sau đó cùng nhau nhao nhao lên như cái chợ trưa. Ê hê lô, Ê, Mỹ đen tụi bây ơi. Té ra, Bà Ba Mỹ (gọi vậy vì bà có chồng Mỹ, đẻ ra đứa con gái đen mun) mấy năm trước đi theo diện con lai, nay dẫn về mấy thằng Mỹ đen thăm nhà. Rồi nhà của bà tràn ngập tiếng Mỹ, bà cũng nói tiếng Mỹ. Giọng của bà rổn rãng, khua khuắn cái lặng yên của con hẻm. Anh Tám dạy trong trường Đại học, ra đứng trước nhà nói nhỏ, mấy thằng Mỹ nói tao còn biết nó nói gì. Còn bà Ba tao chịu không nghe được! Cả tuần liền, ban ngày mấy "chú Mỹ đen" ra đá banh cùng bọn trẻ. Tối đến anh Mỹ đen nhà ta cũng đi uống bia ôm. Được mấy ngày đâm ra ghiền. Bà Ba sợ quá tổ chức ngay đám cưới giữa một chú Mỹ và một trong mấy đứa cháu của bà ở quê ra. Sau đám cưới bà cho nó về Mỹ luôn, nói là để lo thủ tục đem vợ về Mỹ. Không đầy một tuần, đám cưới tiếp theo được tổ chức cho thằng Mỹ còn lại. Hôm về Mỹ, thằng này không chào ai trong gia đình bên vợ mà ra từ giã một em ở quán bia ôm mới chết chứ.


Đoạn kết của ba đám cưới và…một đám ma.

Trong hẻm có một căn nhà mà chủ nhân đã ra mặt tiền làm ăn, bấy lâu nay để trống. Hồi đầu tháng, có người đến dọn ở. Gia đình mới đến có một bà cụ đang hấp hối. Được vài hôm thì cụ qua đời. Đám tang của cụ con cháu đông đúc, có cả người từ nước ngoài về. Ai cũng cho rằng cụ quả là có phước. Buổi tối trước hôm đưa bà cụ về nơi vĩnh hằng, một dàn kèn đồng được mời đến để đưa tiễn. Tiếng kèn đồng vang vang trong con hẻm chật chội như muốn làm nổ tung moị người. Nhưng nghĩa tử là nghĩa tận. Mọi người vào nhà đóng kín cửa, cô Thủy ôm con chặt trong lòng cho nó đừng giật mình. Kèn đồng có thổi bài: lòng mẹ bao la như biển Thái bình …Có tiếng sụt sùi, rồi nức nở…Sáng sớm hôm sau, cũng bản nhạc này, cũng dàn kèn đồng người ta đưa cụ về nơi an nghĩ. Trưa hôm đó, cả xóm cùng tưng bừng vì dường như người ta đang đánh nhau trong ngôi nhà mà sáng nay còn có người mẹ vừa mất. Hóa ra, do bà cụ yếu quá sợ rằng sau khi cụ chết đi thì ngôi nhà chung sẽ dành phần cho ai nên mấy người con bán nhà đi để tiện bề chia chát trong khi cụ còn đó. Bây giờ kẻ ít người nhiều xâu xé nhau sau khi chỉ mới vừa chôn cất bà cụ xong. Tội cho bà, có nhà cửa hẳn hoi lại chết trong căn nhà trọ. Và đau khổ hơn khi con cái đánh nhau vì chuyện chia của…


Rồi con hẻm cũng bình yên trở lại. Nhưng những cư dân lâu năm ở đây chợt nhận ra rằng trong cái nắng trưa như làm đặc sệt không khí, tiếng gà gáy đơn độc như ẩn chứa sự sùng sục của thị trường. Và rồi giữa thành phố rộng lớn này, con hẻm nhỏ dường như rất nhỏ…



No comments: