Friday, September 17, 2010

UCRAINA, ĐƯỜNG CÒN XA QUÁ XA

Một phần của Xô viết xưa

Lần đầu đến Ucraina vào những ngày đầu thu trong lòng nhiều lo lắng về những bất ổn về an ninh khu vực của Liên Xô cũ, nhất là sau biến cố Beslan. Sau mười giờ bay từ Hà Nội sang Moscow, chúng tôi chuyển máy bay sang Kiev, thủ phủ của Ucraina. Bước ra khỏi phòng chờ để lên máy bay, không ai bảo ai nhưng trong lòng người nào cũng thắt lại khi trông thấy chiếc máy bay TU-154 đang chờ! Đã thế khi nhìn những đường viền cao su sờn rách thấy cả lớp bố bên trong ở cửa máy bay và nội thất cũ xì ai cũng chờn chợn. Một chị chủ doanh nghiệp, cười nói suốt chuyến đi vậy mà giờ ngồi im thin thít, hai tay nắm chặt ông Phật bằng ngà, lâm râm cầu nguyện.

Rồi chiếc máy bay hồng hộc đưa mọi người đến Kiev sau hơn một giờ bay. Thủ tục xuất nhập cảnh ở đây làm nhiều người ngao ngán. Hộ chiếu có visa chưa chắc đã vào được. Thái độ của nhân viên cũng không thân thiện. Gần cả giờ sau, đoàn các doanh nghiệp TP. Hồ ChíMinh mới qua được cửa ải. Có người thông cảm bảo: thời khủng bố mà! Tuy nhiên, trái hẳn với những ấn tượng "khủng khiếp" ban đầu, sự hiền hòa, hiếu khách của người dân làm mọi người vui trở lại. Thế nhưng trên gương mặt mỗi người hình như có điều gì đó nghĩ ngợi, băn khoăn lắm.

Chúng tôi rời Kiev để về Kharkov bằng xe hơi. Mất hơn 4 giờ để đi hết đoạn đường 500km. Dọc đường, những hàng sồi, phong hun hút cứ vùn vụt qua cửa xe. Lá đã bắt đầu vàng. Phong cảnh cứ như những bức tranh đồng quê của Levitan. Nhìn những cánh đồng lúa mì bạt ngàn vàng óng dưới nắng chiều mới hiểu vì sao bậc thầy Trương Nghệ Mưu chọn Ucraina để quay những cảnh tượng hùng tráng cho Thập điện mai phục. Dọc đường thỉnh thoảng cũng có những nơi nông dân nhóm chợ tự sản tự tiêu, bày ra hàng nông sản như khoai tây, cà chua, mật ong, táo…Một bà già ngồi đan áo, trước mặt là một rỗ khoai tây còn đầy đất, vài lọ mật ong.

Kharkov cổ kính cũng như nhiều thành phố Châu Au khác, nhưng rất trầm lặng, yên bình. Những chiếc xe điện chạy dọc ngang thành phố, lâu lâu bắn lửa xoèn xoẹt. Những đôi tình nhân ngồi ôm nhau trong những công viên đầy cây xanh và bồ câu. Trong công viên có bán nhiều đồ lưu niệm, đặc biệt các con búp bê Matrioska Nga xinh xắn. Một ông già mặc chiếc áo jacket dày, sờn vai; tay cầm túi nylon nhặt một lon bia rỗng lên săm soi. Tôi dõi theo xem ông ta làm gì. Ong đặt lon xuống đất lấy chân đạp bẹp dí, nhặt lên cho vào túi! Rồi đi nhặt tiếp…

Kharkov "by night" cũng nhộp nhịp không kém. Nhiều quán bar, có múa khỏa thân. Gần hai chục sòng casino. Thanh niên ở đây hút thuốc rất dữ, con gái cũng thế; như là một thứ mốt thời thượng. Kharkov như còn đang chập chững, trở mình giữa một nền kinh tế thị trường còn khiên cưỡng.


Đất lành của người Việt

Đến Ucraina đặc biệt là Kharkov, ai cũng biết đến tập đoàn Technocom của người Việt nam, là một doanh nghiệp hàng đầu ở đây đã tạo ra công ăn việc làm cho gần 4000 lao động Ucraina. Anh Phạm Nhật Vượng, chủ tịch tập đoàn, một doanh nhân trẻ chỉ mới 36 tuổi cho biết Technocom đã đầu tư xây dựng, 3 nhà máy sản xuất mì ăn liền hiệu MIVINA, 1 nhà máy sản xuất gia vị, 1 nhà máy in và cả một trung tâm y tế Phương Đông với tổng số vốn pháp định 15 triệu đôla. Các sản phẩm này có mặt khắp các siêu thị. Khoảng 7000 người Việt ở Ucraina (trong đó 5000 người ở Kharkov) đang tham gia vào các hoạt động thương mại tại Ucraina. Cộng đồng người Việt ở đây được đánh giá rất cao về những đóng góp của họ trong nền kinh tế Ucraina, đặc biệt là một cộng đồng rất đoàn kết và có tính tổ chức cao.

Ucraina trong Liên Xô cũ trước đây là một trung tâm công nghiệp nặng. Sau khi Liên Xô tan rã, Ucraina rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng về kinh tế xã hội. Buổi sáng, đi dọc theo con đường Moscovsky ở Kharkov, chúng tôi thấy nhiều nhà máy còn đóng cửa bỏ hoang. Trước cổng còn đầy đủ các huy hiệu mà các nhà máy này đạt được trước đây như huân chương Lê nin, huân chương lao động…(Ở quảng trường trung tâm Kharkov còn một tượng Lê Nin rất đẹp, nghe đâu chỉ còn vài cái ở các nuớc thuộc Liên xô cũ). Anh Thái, chủ tịch Hội người Việt toàn Ucraina nói nhỏ ông nào muốn đầu tư mở nhà máy ở Ucraina qua đây sẽ được mua rẻ mấy nhà máy này…

Cộng đồng người Việt tại Ucraina là những cựu sinh viên sang học tập tại Liên Xô trước đây, những người đi lao động tại các nhà máy… sau khi Liên Xô tan rã nhiều người thậm chí không có tiền mua vé về nuớc. Họ buộc phải ở lại và tìm cách kiếm sống. Và ở Ucraina họ đã thành đạt. Nhìn những ông chủ Việt bên các công nhân Ucraina, ai cũng cảm thấy họ khá thật. Nhiều người đùa, người Việt ở Kharkov là công dân hạng nhất của nước bạn đấy.

Rất dễ gặp người Việt tại Kharkov; đặc biệt là ở các chợ, trung tâm thương mại. Ở chợ Barasonova-một đầu mối bán buôn rất lớn của Kharkov và cả các các tỉnh lân cận- hơn phân nữa chợ là do người Việt quản lý. Văn phòng Ban quản lý có cả một bộ phận phiên dịch cho người Việt. Đi đâu cũng thấy người Việt đang mua bán, nhiều người Ucraina cũng thuê các quầy ở đây để bán hàng. Trông giống như chợ An Đông ở Sài Gòn, nhưng to lớn hơn nhiều lắm. Chợ lúc nào cũng nhộn nhịp; đa phần là bán hàng dệt may, giày dép. Có cả nơi bán cơm hộp cho người mình. Vào ngày thứ hai và thứ năm hàng tuần, chợ không hoạt động ban ngày mà chỉ họp chợ vào lúc 12 giờ khuya. Cả ngàn xe tải về đậu kín bãi xe, còn xe hơi thì không đếm nổi. Các huyện ở Kharkov và các tỉnh chung quanh, người ta về đây mua hàng hóa về bán lại. Việc bán buôn bận rộn đến mức mua lẻ người ta không bán!

Một ngôi làng Việt khoảng 60 ha đang mọc lên. Các căn hộ cao tầng bao chung quanh để bán cho cộng đồng người Việt ở đây. Giữa làng có tượng Thánh Gióng, có khu massage, có công viên nước. Những người Việt nam tại đây đang vừa hòa nhập với cộng đồng người bản xứ vừa tập hợp đoàn kết để bảo vệ và hỗ trợ cho nhau. Chúng tôi có tham gia một tối lửa trại cuối tuần trong một khu nghỉ mát của tập đoàn Technocom, tổ chức cho công nhân viên người Việt. Người lớn ca hát, trẻ con vui đùa. Nếu không có các nhân viên phục vụ và bảo vệ người bản xứ thì không ai nghĩ rằng mình đang ở đất nuớc Ucraina. Giữa rừng thông, các ca khúc truyền thống Việt nam từ loa phát ra vang vang, cùng với cà pháo mắm tôm, canh rau đay… khiến những người xa xứ cảm thấy quê nhà đang ở gần bên. Ngoài ra, người Việt tại đây còn có cả một tờ báo Tuần tin quê hương và…VTV4. Thấy truyền hình đang hát một tuồng cải lương, tưởng là đang xem băng dĩa, hóa ra dân mình bên đây lúc nào cũng bật đài VTV4!


Thị trường cho hàng Việt nam: xa mà gần

Thị trường Ucraina nói riêng và các nước thuộc Liên Xô cũ nói chung không phải là một thị trường mới mẽ đối với Việt nam. Chỉ sau khi Liên Xô tan rã, việc mua bán, thanh toán phức tạp, cùng với cuộc chạy đua của các doanh nghiệp vào thị trường các nước Au Mỹ khiến cho việc xúc tiến thương mại vào thị trường này dần dần bị bỏ quên. Năm 2003 tổng kim ngạch thương mại giữa Ucraina và Việt nam là 253 triệu đôla, trong đó ta xuất khoảng 40 triệu đôla; chủ yếu là hàng dệt may, cao su, giầy dép, thuốc, gạo…

Hàng Việt nam vào các nước Liên Xô cũ, cũng như Ucraina hiện nay hầu như chỉ thông qua các kênh phân phối của người Việt đang sinh sống và làm ăn tại đây. Anh Hải, một thành viên của ban quản lý chợ Barasonova tâm sự với một vẻ mặt buồn buồn rằng chợ của người Việt ta nhưng hiện nay chỉ bán toàn hàng Tàu, hàng Thổ (Thổ nhỉ kỳ). Bởi vì, hàng của họ quá rẻ: cái áo sơmi của họ bán lẽ chỉ có 3 đô la (dĩ nhiên là giá nhập chỉ gần 2 đôla!), cái áo jacket da chỉ có 10 đô! Anh kể lại cuộc làm ăn của mình, cũng của đại bộ phận người Việt ở chợ này rằnhg trước đây dân mình hay "đánh hàng" từ trong nước sang. Dần dần, người Tàu chào giá rất thấp. Trả trước 10% là hàng về tới biên giới, thêm 10% nữa là có thể mang hàng về bán, chừng tháng sau mới trả tiếp. Vậy là hàng mình hết cửa!

Anh Nguyễn Tri Bổng, Phó TGĐ Tribeco thấy hàng giải khát đóng hộp đóng chai của Ucraina trong mấy siêu thị ở Kharkov mà ngao ngán. Giá rẻ như bên mình. Nếu vận chuyển vào đây thì khỏi bán. Thế nhưng, anh cho rằng cũng còn có cửa vì anh có mấy thứ mà bên này không có. Trông thấy áo quần của May Tây Đô đem qua triển lãm, các doanh nghiệp ở chợ Barasonova cừơi lắc đầu bảo rằng hàng cao cấp quá, người ta không có tiền mua đâu. Rồi cũng tự họ nhận ra rằng nếu đem mấy bộ này vào hệ thống siêu thị thì lãi gấp 2-3 lần! Không có thị trường nào là bảo hòa cả mà chỉ là chưa tìm ra "ngõ ngách" mà thôi. Anh Nguyễn Thanh Sơn, giám đốc công ty Agrex âm thầm mua gói trà chỉ để mang địa chỉ trên bao bì về, rồi gởi thơ sang chào hàng… Còn chị Phạm Việt Nga, GĐ Dược Hậu Giang cứ cười tủm tỉm vì thấy hàng của chị cũng có bán trong các quầy thuốc Tây ở Kharkov.

Cần phải có một đầu mối bên này để điều phối, quản lý, xúc tiến thương mại… Hơn ai hết đó chính là những người Việt đang thành công trong thị trường này và không thể không có một cơ quan xúc tiến trong nước đứng ra đại diện các doanh nghiệp trong nước để quan hệ với các doanh nghiệp Ucraina. Các doanh nghiệp cùng đi với chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải trong chuyến công du sang Kharkov muốn bán hàng cho Ucraina lắm nhưng còn nhiều gút mắc cần tháo gỡ; đặc biệt là việc thanh toán. Nghe đâu, nắm được tâm tư này Chủ tịch Lê Thanh Hải dự kiến sẽ đề nghị các cơ quan xúc tiến thương mại của TP. Hồ Chí Minh phối hợp với cộng đồng người Việt tại Kharkov mở một Trung tâm Hàng Việt nam tại đây.

Ucraina vừa xa vừa lạ. Nhưng ở đó bao nhiêu bà con người Việt đang sinh sống và làm giàu nơi xứ người do vậy mà lại rất quen, rất gần. Ngồi chờ gần mười tiếng đồng hồ ở sân bay Borispol Kiev và Domodedovo Moscow nhìn các cửa hàng hàng hóa còn thưa thớt, chợt nghĩ có lẽ đây là một sân chơi vừa tầm cho các doanh nghiệp của ta. Nói theo kiểu của anh Lê Như Ai-TGĐ Sapuwa là vừa "size" và nhiều khả năng thắng.

Những hàng phong lá vàng hơn hôm mới đến chạy ngược về sau. Tạm biệt Ucraina và hẹn rằng sẽ lại đến.

No comments: