Thursday, September 16, 2010

Ai mua MAY tôi bán MAI cho…


Sáng ngày ba mươi Tết (thật ra là 29), ông bạn rủ nhau đi mua cành mai về chưng tết. Tờ mờ sáng đã cùng nhau ra chợ. Mọi năm chợ đông là thế, còn năm nay chỉ lèo tèo mấy cành mọn. Thỉnh thoảng có một vài cành trông đèm đẹp thì mất bà bán mai hét giá tận trời xanh. Bọn chúng tôi rõ là có hai cái khổ: mua lỡ cành mai mà mồng một nụ rụng hết, hoặc không nở hoa nào thì thế nào cũng bị chì chiết là vác cái của nợ để phải xui suốt năm. Còn nếu mua đúng cành có thế, đầy nụ búp cho chắc ăn thì phải móc túi khá nặng, có khi còn bị cằn nhằn là không biết trả giá. Mấy năm trước thì chọn lấy một cái khổ, còn năm nay mai có khả năng phải chịu cả hai. Người bán mai bảo, do thời tiết nóng lạnh, mưa nắng thất thường nên mai đã nở hết từ tháng chạp. Người biết chuyện thì bảo mấy năm trước người ta khá dần lên nên tậu mai rầm rộ, mấy cây mai gốc ở vườn, ở quê đã bị nhổ bán sạch nên còn đâu những cây mai to để cắt cành đem bán. Ai nói nghe cũng phải, nhưng Tết mà, phải có mai ở nhà mới may mắn chứ. Cả hai chẳng ai tin điều này, nhưng vấn đề tâm lý lại nặng hơn vì nó cứ ray rứt suốt cả năm nếu có điều gì xảy ra; vả lại chịu sao nổi mấy bà ở nhà nếu Tết mà không có mai (hay là "may" cũng vậy). Biết được điều này nên dân bán mai cũng làm tiếp thị gớm lắm. Mấy cành mai coi được thì để dưới ghe chờ bán sau, còn mấy cành trông bèo bèo thì bán trước. Ra giá xong họ bảo thà chịu mắc chút xíu mà mồng một mai nở đầy nhà, nếu không thì xui cả năm. Mấy ông chọn cái nào? Ông bạn tôi là dân doanh nghiệp cỡ bự đâu dễ mắc lừa, khuyên tôi nên ra ngoại ô vào nhà vườn mua vừa đẹp vừa tươi, lại mua tận gốc giá rẻ. Thế là mỗi người chở một cậu con cưng đi dạo mua mai. Đến nhà vườn. Mấy cây mai đã trụi lủi từ chiều qua, còn mấy cành trông khá khá thì giá tận đâu đâu. Họ cũng nói y như mình nghĩ. Mai này mua tận gốc, mới chặt nên tươi lâu, nở đúng tết… nên mắc. Cuối cùng cũng tậu được một cành vừa ý mà giá thì chưa thố lộ với ai bao giờ.

Tiếp thị giờ đây cũng đã xâm nhập khá sâu vào nghề bán hoa kiểng tết. Họ biết cả khẩu quyết "bán cái mà người ta cần chứ không phải bán cái mình có". Người ta mua hoa Tết với mong muốn có được dấu hiệu, biểu tượng may mắn trong nhà đầu năm. Vậy thì ta kiếm cái "may" để bán. Mai hay may cũng gần như nhau nên mai đắt như tôm tươi là phải. Còn mấy cây kiểng khác thì phải suy nghĩ cho ra một cái tên cho thích hợp. Ngay từ năm trước nhiều nhà vườn đã trúng mánh nhờ cây kim phát tài, nghe đâu nó vốn xuất thân từ bên Thái Lan mà tên thì lạ hoắc. Mấy ông trồng kiểng đặt cho cái tên quá hấp dẫn, quá tiếp thị nên ai cũng cố rinh về cho bằng được một chậu trong dịp tết. Cứ thế năm nay có nhiều cây lạ mà tên cũng lạ: nhưng lại rất hay, rất phù hợp với ngày đầu năm như: bát tiên, túi lộc, cây đô la, đại lợi… Mấy cây phất dũ được gọi là trường sanh, phát tài nên cũng đắt lắm. Mấy ông méo mó nghề nghiệp còn cho hay, năm nay nghề hoa kiểng còn có thêm dịch vụ cho thuê tài chính! Đó là cho thuê kiểng chưng tết, qua mùng thu lại. Dịch vụ này đang rất phát triển và được ưa chuộng. Dự đoán chắc sẽ còn có mua kiểng trả góp nữa đây.

Dẫu sao thì hoa kiểng chắc chắn sẽ cần đến thương hiệu. Ví như hôm cận tết vừa rồi, khi đi mua sắm cùng bà xã, tôi định mua một cây bát tiên có hoa màu hồng lợt, trông cũng đẹp. Nhưng bà xã trợn mắt nói nhỏ: hoa nhợt nhạt thế thì chưng tết sao được. Vậy mà hôm sau, khi về nhà tôi thấy có một chậu y chang như vậy nằm trên bàn phòng khách hẳn hoi. Vợ tôi bảo: Hóa ra, ông bán kiểng bảo tên nó là má phấn môi hồng anh ạ!


No comments: