Thursday, September 16, 2010

CHUYỆN NHỎ!


Mùa mưa tới, khổ sở vì phải đắp đê chống lũ trong nhà vào mùa mưa trước nên tôi phải nâng nền nhà. Công việc đang tiến hành trơn tru thì đến ngay lót gạch thì trời mưa tối thui, cúp điện. Thợ bỏ về hết. Ông thợ làm cửa sắt bảo thế là không giao hàng đúng hẹn được. Vậy là mất toi hai ngày. Định hỏi ông điện lực sao cúp điện như vậy làm cho dân khổ quá. Có người bảo chỉ có mình chú khổ chứ ai. Chuyện nhỏ. Hỏi ông bạn làm giám đốc xí nghiệp may: cúp điện thì làm sao? Cho công nhân nghĩ chứ sao. Vậy hợp đồng không làm kịp thì...Bị phạt! Sao không mua máy phát. Trời! Điện chạy máy phát giá thành lên tới 3.500 đồng/kwh. Lấy gì làm lời. Sao không khiếu nại ông điện lực. Chuyện của mình là chuyện nhỏ ai để ý. Vận động viên tầm cỡ quốc gia kia bị gãy cổ sắp chết tới nơi mà cái ông có trách nhiệm trả lời tỉnh queo: chuyện bình thường. Quả là trong hàng trăm, hàng ngàn vận động viên mà chỉ có một người bị gãy cổ, theo thống kê là chuyện nhỏ. Ở tỉnh nọ, khi Sở giáo dục hoãn không cho học sinh thi HK2 sau khi tất cả học sinh đều đã chuẩn bị, làm các em vàphụ huynh hoang mang. Ông phó Giám đốc Sở bị "thắc mắc" bèn trả lời rằng chuyện thi cữ có đề sẵn khi nào thi mà không được, hà cớ gì thắc mắc. Chuyện nhỏ. Rất nhiều chuyện nhỏ chung quanh ta bị cho là nhỏ đến nổi nó lớn lúc nào không hay. Nhiều doanh nghiệp tỏ ra tiếc rẻ khi bước vào hội nhập và thương mại điện tử thì mới hay cả mấy năm trước đây cái tên miền của mình đã được người ta đăng ký. Giờ muốn "trả lại tên cho em" phải chi ra khối tiền. Cũng bởi vì, trước đây ta cho là chuyện nhỏ.

Sự thờ ơ, vô trách nhiệm đối với những chuyện nhỏ khiến cho ta chai lì ngay cả với những chuyện lớn. Chuyện các em học sinh qua đò đến trường trong nước xiết đâu có phải khi xảy ra rồi thì mọi người mới hay. Ai cũng biết đó là nguy hiểm, khó khăn cho các em, nhưng chuyện nhỏ: không thể vì cớ đó mà xây cầu. Để rồi 18 học sinh không bao giờ có dịp đi qua cây cầu bắc qua con sông oan nghiệt… nếu có và một ông lão 82 tuổi phải dằn vặt. Trong giáo dục, chúng ta còn thiếu ngay từ khâu đầu tiên tập cho các em học sinh những quan tâm về những người khác, về các vấn đề xã hội. Những việc như ra đường thấy miễng chai phải nhặt bỏ vào thùng rác là việc không thấy bàn tới có lẽ vì là chuyện nhỏ chăng. Một chuyên gia về hàng không từng nghiên cứu và phát biểu một định luật nhằm hạn chế những sai sót có thể xảy ra bằng cách ngay từ đầu lưu tâm đến những chuyện nhỏ: nếu có một sai sót nào đó thì nhất định sẽ có người thực hiện sai sót đó. Do vậy để nó đừng xảy ra thì không cho nó tồn tại.




No comments: