Sunday, September 19, 2010

XUÂN QUÊ, NGHỀ MỌN


Giáp tết, ở quê nắng lên chói chang quá đầu mà khí trời vẫn còn se lạnh. Nông dân đã nghỉ tay từ nửa tháng trước. Giờ thì ngoài việc chăm chút mấy luống rau, hoa để "ăn tết", chỉ còn nước chiều chiều lai rai. Trưa hè im ắng, chả có một tiếng gà gáy; thậm chí còn nghe cả tiếng ngáy trưa của ông nông dân trên chỏng tre. Chợt có tiếng hô vang vang khắp xóm mà chả ai để tâm càu nhàu. "Hớt tóc ăn tết …đây". Hóa ra đó là tiếng rao của ông thợ hớt tóc dạo già; ông chạy chiếc xe đạp lọc cọc khắp làng trên xóm dưới, cạp quần kẹp lại bằng hai cái kẹp áp bằng cây cho ống đừng dính sên. Có mỗi một câu mà ông lặp lại cả ngày có hơn hàng trăm bận. Nhiều khi nắng trưa nóng và uể oải quá, ông chỉ hô chữ tóc và tết. Vậy mà ai cũng biết, họ đâu cần nghe hết câu. Dịp tết như vầy mỗi ngày ông cũng kiếm được 6-7 "cái đầu", mỗi cái 3.000 đồng (trẻ em thì 2.000). Vị chi, tròm trèm hai chục ngàn. Chỉ có hai chục ngàn nhưng đối với ông là cả vận hội mà mỗi năm chỉ đến một lần. Ông nói: Đàn ông xã này do tôi hớt tóc không đó. Có người một năm chỉ hớt có 2-3 lần. Mà ông trời chắc cũng thương nghèo nên tóc của họ lâu ra lắm chú ơi! Một thằng nhỏ mặc tà lỏn, chạy theo kêu: Tóc, tóc. Vô đây hớt cho con, cho mấy anh con, rồi ba con nữa. Trúng mánh rồi, ông nghĩ. Nhưng biết đâu hớt xong họ sẽ mang con gà giò ra trả tiền công. Vậy cũng được. Chỉ một tháng cuối năm, thu nhập của ông đủ để ăn một cái Tết miền quê tươm tất.



Cô Sáu ở chợ xã hầu như không thể đóng cửa hiệu uốn tóc của mình, ngày cũng như đêm. Có năm đến giao thừa còn phải làm đầu cho mấy cô, mấy bà ăn Tết. Cô than sao họ không lo uốn tóc trước đi, đợi đến tết tới nơi mới làm. Mấy bà cười tỏn tẽn, làm đầu sớm quá, đến Tết nó cũ! Chủ mấy cửa hiệu ở chợ, mấy cô gái con nhà khá giả thì cầu kỳ, mốt này mốt nọ. Có khi họ lên chợ huyện, chợ tỉnh làm đầu cho sang. Còn tiệm uốn tóc ở xã như cô Sáu và mấy người khác nữa chỉ phục vụ chủ yếu cho mấy đứa học sinh và dân quê chính cống. Con nhỏ học trò, cô cho đi xuống mấy ấp xa xa từ ba bữa trước. Nghe đâu nó kiếm cũng khá. Một cái đầu tóc cắt uốn cũng phải mười ngàn, gần cả chục ký lúa chứ chơi sao. Uốn tóc tại nhà, nướng kẹp bằng lò than. Vậy mà có khối người kêu réo làm không kịp. Thật là no dồn đói góp. Cận Tết thì việc làm không hết, nhưng ăn tết xong có khi nghỉ tới đầu tháng hai. Nhưng có nghỉ thêm tháng nữa cũng được. Một tháng làm tết bằng cả mấy tháng trong năm. Phen này sau tết, về tỉnh học thêm ông thầy mấy chiêu mới bấm tóc, ủi tóc gì đó. Còn phải mướn thêm người để lo thêm dịch vụ làm móng. Tự nhiên mấy bà ở xã chợt rộ lên mốt sơn móng tay, không đủ người phục vụ mới chết chứ! Ngoài cửa có một chị thập thò. Cô sáu nói với ra: Trưa đi nghe, bây giờ đông quá.


Bác Hai xe lôi ngồi uống cà phê ở góc chợ huyện. Bình trà này nữa là thứ tư. Bác đợi mấy cô cậu ở xã coi ca nhạc, hội chợ xong mới chở về. Họ bao rồi, đi về 15.000 đồng, sáu đứa, nhưng chắc đợi tới 11, 12 giờ. Mấy hôm rày, chở người ta đi chợ từ xã ra huyện, từ huyện quay về, chiếc xe Dream tàu của bác muốn xì khói. Xe thì xì khói nhưng chủ thì vui như tết. Tết là dịp kiếm ăn của bác và mấy ông xe ôm kia mà. Nghề nào còn nghỉ tết, chứ bác thì đâu có nghỉ. Sáng mùng một năm nào cũng vậy, thắp nhang ông bà xong. Leo lên xe là tới chiều mới xuống. Người ta đi chơi đâu mà lắm thế. Có khi người ta bao xe lôi chạy tuốt lên tỉnh, cả mấy chục cây số. Cực, nhưng một chuyến 8,9 chục ngàn, tính ra cây số thì lời hơn. Thôi thì ăn tết sau vậy.



Thằng Hùng thợ may có cái lưng xem chừng cứ còng thêm trong mấy ngày giáp tết. Nó may từ sáng đến tận khuya, mà vẫn không kịp. Vợ nó chịu hết xiết nên đi ngũ từ nảy giờ. Còn nó thì ráng thêm chút nữa. Bà Ba xóm trên, mới ghé thăm chừng xem nó may bộ đồ ăn tết cho bà xong chưa. Để lên bàn mấy cái bánh phồng mới nướng rơm còn nóng hổi, bà nói nhỏ với nó như sợ có ai nghe thấy: ráng nhe, mai tao lấy nghe. Năm nào cũng vậy, sau ngày đưa ông Táo, hai ba tháng Chạp là bắt đầu giai đoạn thức trắng đêm để may đồ. Cái áo sơ mi ăn công có 15.000 đồng, cái quần 25.000, bộ bà ba 20.000. Kể ra vợ chồng nó kiếm cũng khá đó chứ. Xong mùa này kiếm cả triệu bạc, chứ có phải chơi đâu. Vậy mà cứ than đến rát ruột. Nào là bây giờ thanh niên đâu còn ai may đồ mặc nữa. Ở ngoài huyện mấy cái sơ mi, quần tây coi sang trọng hết sức mà có mấy chục ngàn. Thêm một tí tiền là có ngay một bộ tinh tươm, hàng hiệu. Trên túi áo, túi quần còn có thêm cái lô gô gì đó trông thật bảnh. Nó nói gần đây nó may quần thì ít còn sửa quần thì nhiều lắm, mà chủ yếu là lên lai quần, 2000 đồng một cái! Nó nói qua tết nó xin cho vợ nó vô làm xí nghiệp may mới mở trên huyện cho rồi. Vợ nó vươn vai ngáp mấy cái rồi ra ngồi may tiếp, cứ như nảy giờ nó chưa đi ngủ. Vậy là vẫn còn kiếm ăn bằng nghề may, được đấy chứ.


–—


Mấy cây mai cổ thụ từ đầu trên đến xóm dưới đã bắt đầu trổ hoa, gió Tết càng thổi tợn. Chợ búa càng tấp nập, sung túc vui vẻ. Người ta bảo tết chỉ vui nhờ những ngày Giáp tết, mọi người mua bán, chuẩn bị sắm sửa các thứ. Chứ đến mùng Một thì coi như hết rồi. Đối với những người như ông thợ hớt tóc, bác xe lôi, cô uốn tóc và chú thợ may… ở dưới xã thì quả đúng như vậy. Họ không mong mùng một, mùng hai mà chỉ ước cho những ngày cận tết này dài thêm ra để cho cơ hội kiếm sống cứ mãi rộn ràng. Nói vậy thôi chứ ai mà không mong tết đến. Ai cũng cười bảo vậy.


CẦN THƠ: XA VÀ GẦN


Mấy ông khách nuớc ngoài hay hỏi Cần Thơ cách TP. Hồ Chí Minh bao nhiêu? 174 ki lô mét. Gần thế à? Đi khoảng bao lâu? Gần 5 giờ đồng hồ. Xa đến thế à? Quả thật, để đi đến Cần Thơ không biết là gần hay xa.


Một nhà đầu tư có cơ sở ở Sài Gòn, đến thăm khách hàng ở Cần Thơ. Tám giờ sáng ông đã khởi hành, đến nơi chỉ còn kém 15 phút là hai giờ chiều. Hỏi thăm khách hàng dăm câu lấy lệ. Đói quá nên đi ăn tô phở cho nhanh, rồi rời Cần Thơ về lại Sài Gòn. Trông ông ta thật thảm hại. Công việc không làm được gì mà phải mất cả ngày trời ngồi xe, cực nhọc. Ông tự nhủ, chắc sẽ không bao giờ đi như vậy nữa. Chỉ mỗi việc đi lại khiến cho các nhà đầu tư thật sự nản lòng. Còn nhớ khi cầu Mỹ Thuận chưa xây, quốc lộ 1A chưa nâng cấp, dân Cần Thơ và các tỉnh ngán ngẩm vô cùng khi có việc đi thành phố và ngược lại dân Sài Gòn cũng không vui sướng gì khi về miền Tây. Sau đó, có tàu cánh ngầm chạy tuyến này chỉ đúng 4 tiếng nên giới kinh doanh mừng quá chuyển sang đi tàu.


Cầu xây xong, đường làm xong, những tưởng đã êm. Tàu cánh ngầm ế khách dẹp luôn vì đi xe nhanh hơn, rẻ hơn. Dân chúng vui mừng một lúc. Ai dè… đùng một cái do mấy tay tài xế dỏm lái ẩu gây chết nguời quá mạng trên đoạn đường này nên bây giờ người ta chỉ cho chạy có đoạn 40 ki lô mét, có đoạn 50 ki lô mét/giờ (thậm chí có đoạn 30 ki lô mét/giờ!). Hôm trước, một anh bạn suýt bị máy bay bỏ lại ở Tân Sơn Nhất vì cứ ngỡ mất khoảng 4 giờ là về đến thành phố, nhưng vì bị "bắn tốc độ" nên xe bò mãi đến 5 tiếng rưỡi mới tới. Vì vậy, bây giờ về Cần Thơ hay lên Sài Gòn đều phải đi trước cả ngày cho chắc ăn. Gần mà xa.

Cần Thơ, cũng có sân bay ở Trà Nóc. Có lúc cũng được khai thác, nhưng ít khách nên thôi luôn. Năm 95 - 96 có lần một ông bạn đi từ Sài Gòn về Cần Thơ trên chuyến bay chỉ có hai người! Đoạn đường không này chỉ mất có 20 phút bay (loại máy bay nhỏ) nên người ta đùa bảo chưa kịp thắt dây an toàn đã tới. Vậy mà mọi người vẫn chưa được hưởng dịch vụ vận chuyển này. Mỗi lần về TP HCM họp hành, mấy người bạn ở xa xôi cả ngàn ki lô mét như Đà Nẵng, Hà Nội khởi hành cùng một lúc nhưng khi mình đến nơi thì có người ngủ được mấy tiếng đồng hồ trong khách sạn rồi! Thế mới sướng. Xa mà gần.


Người dân đi đường đã nản, huống chi mấy nhà đầu tư. Vấn đề vận chuyển đi lại như thế đã không thể thuyết phục họ đầu tư mạnh vào khu vực này. Trừ khi… nếu Cần Thơ có sân bay, nếu được phép chạy nhanh thêm một chút…



Friday, September 17, 2010

UCRAINA, ĐƯỜNG CÒN XA QUÁ XA

Một phần của Xô viết xưa

Lần đầu đến Ucraina vào những ngày đầu thu trong lòng nhiều lo lắng về những bất ổn về an ninh khu vực của Liên Xô cũ, nhất là sau biến cố Beslan. Sau mười giờ bay từ Hà Nội sang Moscow, chúng tôi chuyển máy bay sang Kiev, thủ phủ của Ucraina. Bước ra khỏi phòng chờ để lên máy bay, không ai bảo ai nhưng trong lòng người nào cũng thắt lại khi trông thấy chiếc máy bay TU-154 đang chờ! Đã thế khi nhìn những đường viền cao su sờn rách thấy cả lớp bố bên trong ở cửa máy bay và nội thất cũ xì ai cũng chờn chợn. Một chị chủ doanh nghiệp, cười nói suốt chuyến đi vậy mà giờ ngồi im thin thít, hai tay nắm chặt ông Phật bằng ngà, lâm râm cầu nguyện.

Rồi chiếc máy bay hồng hộc đưa mọi người đến Kiev sau hơn một giờ bay. Thủ tục xuất nhập cảnh ở đây làm nhiều người ngao ngán. Hộ chiếu có visa chưa chắc đã vào được. Thái độ của nhân viên cũng không thân thiện. Gần cả giờ sau, đoàn các doanh nghiệp TP. Hồ ChíMinh mới qua được cửa ải. Có người thông cảm bảo: thời khủng bố mà! Tuy nhiên, trái hẳn với những ấn tượng "khủng khiếp" ban đầu, sự hiền hòa, hiếu khách của người dân làm mọi người vui trở lại. Thế nhưng trên gương mặt mỗi người hình như có điều gì đó nghĩ ngợi, băn khoăn lắm.

Chúng tôi rời Kiev để về Kharkov bằng xe hơi. Mất hơn 4 giờ để đi hết đoạn đường 500km. Dọc đường, những hàng sồi, phong hun hút cứ vùn vụt qua cửa xe. Lá đã bắt đầu vàng. Phong cảnh cứ như những bức tranh đồng quê của Levitan. Nhìn những cánh đồng lúa mì bạt ngàn vàng óng dưới nắng chiều mới hiểu vì sao bậc thầy Trương Nghệ Mưu chọn Ucraina để quay những cảnh tượng hùng tráng cho Thập điện mai phục. Dọc đường thỉnh thoảng cũng có những nơi nông dân nhóm chợ tự sản tự tiêu, bày ra hàng nông sản như khoai tây, cà chua, mật ong, táo…Một bà già ngồi đan áo, trước mặt là một rỗ khoai tây còn đầy đất, vài lọ mật ong.

Kharkov cổ kính cũng như nhiều thành phố Châu Au khác, nhưng rất trầm lặng, yên bình. Những chiếc xe điện chạy dọc ngang thành phố, lâu lâu bắn lửa xoèn xoẹt. Những đôi tình nhân ngồi ôm nhau trong những công viên đầy cây xanh và bồ câu. Trong công viên có bán nhiều đồ lưu niệm, đặc biệt các con búp bê Matrioska Nga xinh xắn. Một ông già mặc chiếc áo jacket dày, sờn vai; tay cầm túi nylon nhặt một lon bia rỗng lên săm soi. Tôi dõi theo xem ông ta làm gì. Ong đặt lon xuống đất lấy chân đạp bẹp dí, nhặt lên cho vào túi! Rồi đi nhặt tiếp…

Kharkov "by night" cũng nhộp nhịp không kém. Nhiều quán bar, có múa khỏa thân. Gần hai chục sòng casino. Thanh niên ở đây hút thuốc rất dữ, con gái cũng thế; như là một thứ mốt thời thượng. Kharkov như còn đang chập chững, trở mình giữa một nền kinh tế thị trường còn khiên cưỡng.


Đất lành của người Việt

Đến Ucraina đặc biệt là Kharkov, ai cũng biết đến tập đoàn Technocom của người Việt nam, là một doanh nghiệp hàng đầu ở đây đã tạo ra công ăn việc làm cho gần 4000 lao động Ucraina. Anh Phạm Nhật Vượng, chủ tịch tập đoàn, một doanh nhân trẻ chỉ mới 36 tuổi cho biết Technocom đã đầu tư xây dựng, 3 nhà máy sản xuất mì ăn liền hiệu MIVINA, 1 nhà máy sản xuất gia vị, 1 nhà máy in và cả một trung tâm y tế Phương Đông với tổng số vốn pháp định 15 triệu đôla. Các sản phẩm này có mặt khắp các siêu thị. Khoảng 7000 người Việt ở Ucraina (trong đó 5000 người ở Kharkov) đang tham gia vào các hoạt động thương mại tại Ucraina. Cộng đồng người Việt ở đây được đánh giá rất cao về những đóng góp của họ trong nền kinh tế Ucraina, đặc biệt là một cộng đồng rất đoàn kết và có tính tổ chức cao.

Ucraina trong Liên Xô cũ trước đây là một trung tâm công nghiệp nặng. Sau khi Liên Xô tan rã, Ucraina rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng về kinh tế xã hội. Buổi sáng, đi dọc theo con đường Moscovsky ở Kharkov, chúng tôi thấy nhiều nhà máy còn đóng cửa bỏ hoang. Trước cổng còn đầy đủ các huy hiệu mà các nhà máy này đạt được trước đây như huân chương Lê nin, huân chương lao động…(Ở quảng trường trung tâm Kharkov còn một tượng Lê Nin rất đẹp, nghe đâu chỉ còn vài cái ở các nuớc thuộc Liên xô cũ). Anh Thái, chủ tịch Hội người Việt toàn Ucraina nói nhỏ ông nào muốn đầu tư mở nhà máy ở Ucraina qua đây sẽ được mua rẻ mấy nhà máy này…

Cộng đồng người Việt tại Ucraina là những cựu sinh viên sang học tập tại Liên Xô trước đây, những người đi lao động tại các nhà máy… sau khi Liên Xô tan rã nhiều người thậm chí không có tiền mua vé về nuớc. Họ buộc phải ở lại và tìm cách kiếm sống. Và ở Ucraina họ đã thành đạt. Nhìn những ông chủ Việt bên các công nhân Ucraina, ai cũng cảm thấy họ khá thật. Nhiều người đùa, người Việt ở Kharkov là công dân hạng nhất của nước bạn đấy.

Rất dễ gặp người Việt tại Kharkov; đặc biệt là ở các chợ, trung tâm thương mại. Ở chợ Barasonova-một đầu mối bán buôn rất lớn của Kharkov và cả các các tỉnh lân cận- hơn phân nữa chợ là do người Việt quản lý. Văn phòng Ban quản lý có cả một bộ phận phiên dịch cho người Việt. Đi đâu cũng thấy người Việt đang mua bán, nhiều người Ucraina cũng thuê các quầy ở đây để bán hàng. Trông giống như chợ An Đông ở Sài Gòn, nhưng to lớn hơn nhiều lắm. Chợ lúc nào cũng nhộn nhịp; đa phần là bán hàng dệt may, giày dép. Có cả nơi bán cơm hộp cho người mình. Vào ngày thứ hai và thứ năm hàng tuần, chợ không hoạt động ban ngày mà chỉ họp chợ vào lúc 12 giờ khuya. Cả ngàn xe tải về đậu kín bãi xe, còn xe hơi thì không đếm nổi. Các huyện ở Kharkov và các tỉnh chung quanh, người ta về đây mua hàng hóa về bán lại. Việc bán buôn bận rộn đến mức mua lẻ người ta không bán!

Một ngôi làng Việt khoảng 60 ha đang mọc lên. Các căn hộ cao tầng bao chung quanh để bán cho cộng đồng người Việt ở đây. Giữa làng có tượng Thánh Gióng, có khu massage, có công viên nước. Những người Việt nam tại đây đang vừa hòa nhập với cộng đồng người bản xứ vừa tập hợp đoàn kết để bảo vệ và hỗ trợ cho nhau. Chúng tôi có tham gia một tối lửa trại cuối tuần trong một khu nghỉ mát của tập đoàn Technocom, tổ chức cho công nhân viên người Việt. Người lớn ca hát, trẻ con vui đùa. Nếu không có các nhân viên phục vụ và bảo vệ người bản xứ thì không ai nghĩ rằng mình đang ở đất nuớc Ucraina. Giữa rừng thông, các ca khúc truyền thống Việt nam từ loa phát ra vang vang, cùng với cà pháo mắm tôm, canh rau đay… khiến những người xa xứ cảm thấy quê nhà đang ở gần bên. Ngoài ra, người Việt tại đây còn có cả một tờ báo Tuần tin quê hương và…VTV4. Thấy truyền hình đang hát một tuồng cải lương, tưởng là đang xem băng dĩa, hóa ra dân mình bên đây lúc nào cũng bật đài VTV4!


Thị trường cho hàng Việt nam: xa mà gần

Thị trường Ucraina nói riêng và các nước thuộc Liên Xô cũ nói chung không phải là một thị trường mới mẽ đối với Việt nam. Chỉ sau khi Liên Xô tan rã, việc mua bán, thanh toán phức tạp, cùng với cuộc chạy đua của các doanh nghiệp vào thị trường các nước Au Mỹ khiến cho việc xúc tiến thương mại vào thị trường này dần dần bị bỏ quên. Năm 2003 tổng kim ngạch thương mại giữa Ucraina và Việt nam là 253 triệu đôla, trong đó ta xuất khoảng 40 triệu đôla; chủ yếu là hàng dệt may, cao su, giầy dép, thuốc, gạo…

Hàng Việt nam vào các nước Liên Xô cũ, cũng như Ucraina hiện nay hầu như chỉ thông qua các kênh phân phối của người Việt đang sinh sống và làm ăn tại đây. Anh Hải, một thành viên của ban quản lý chợ Barasonova tâm sự với một vẻ mặt buồn buồn rằng chợ của người Việt ta nhưng hiện nay chỉ bán toàn hàng Tàu, hàng Thổ (Thổ nhỉ kỳ). Bởi vì, hàng của họ quá rẻ: cái áo sơmi của họ bán lẽ chỉ có 3 đô la (dĩ nhiên là giá nhập chỉ gần 2 đôla!), cái áo jacket da chỉ có 10 đô! Anh kể lại cuộc làm ăn của mình, cũng của đại bộ phận người Việt ở chợ này rằnhg trước đây dân mình hay "đánh hàng" từ trong nước sang. Dần dần, người Tàu chào giá rất thấp. Trả trước 10% là hàng về tới biên giới, thêm 10% nữa là có thể mang hàng về bán, chừng tháng sau mới trả tiếp. Vậy là hàng mình hết cửa!

Anh Nguyễn Tri Bổng, Phó TGĐ Tribeco thấy hàng giải khát đóng hộp đóng chai của Ucraina trong mấy siêu thị ở Kharkov mà ngao ngán. Giá rẻ như bên mình. Nếu vận chuyển vào đây thì khỏi bán. Thế nhưng, anh cho rằng cũng còn có cửa vì anh có mấy thứ mà bên này không có. Trông thấy áo quần của May Tây Đô đem qua triển lãm, các doanh nghiệp ở chợ Barasonova cừơi lắc đầu bảo rằng hàng cao cấp quá, người ta không có tiền mua đâu. Rồi cũng tự họ nhận ra rằng nếu đem mấy bộ này vào hệ thống siêu thị thì lãi gấp 2-3 lần! Không có thị trường nào là bảo hòa cả mà chỉ là chưa tìm ra "ngõ ngách" mà thôi. Anh Nguyễn Thanh Sơn, giám đốc công ty Agrex âm thầm mua gói trà chỉ để mang địa chỉ trên bao bì về, rồi gởi thơ sang chào hàng… Còn chị Phạm Việt Nga, GĐ Dược Hậu Giang cứ cười tủm tỉm vì thấy hàng của chị cũng có bán trong các quầy thuốc Tây ở Kharkov.

Cần phải có một đầu mối bên này để điều phối, quản lý, xúc tiến thương mại… Hơn ai hết đó chính là những người Việt đang thành công trong thị trường này và không thể không có một cơ quan xúc tiến trong nước đứng ra đại diện các doanh nghiệp trong nước để quan hệ với các doanh nghiệp Ucraina. Các doanh nghiệp cùng đi với chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải trong chuyến công du sang Kharkov muốn bán hàng cho Ucraina lắm nhưng còn nhiều gút mắc cần tháo gỡ; đặc biệt là việc thanh toán. Nghe đâu, nắm được tâm tư này Chủ tịch Lê Thanh Hải dự kiến sẽ đề nghị các cơ quan xúc tiến thương mại của TP. Hồ Chí Minh phối hợp với cộng đồng người Việt tại Kharkov mở một Trung tâm Hàng Việt nam tại đây.

Ucraina vừa xa vừa lạ. Nhưng ở đó bao nhiêu bà con người Việt đang sinh sống và làm giàu nơi xứ người do vậy mà lại rất quen, rất gần. Ngồi chờ gần mười tiếng đồng hồ ở sân bay Borispol Kiev và Domodedovo Moscow nhìn các cửa hàng hàng hóa còn thưa thớt, chợt nghĩ có lẽ đây là một sân chơi vừa tầm cho các doanh nghiệp của ta. Nói theo kiểu của anh Lê Như Ai-TGĐ Sapuwa là vừa "size" và nhiều khả năng thắng.

Những hàng phong lá vàng hơn hôm mới đến chạy ngược về sau. Tạm biệt Ucraina và hẹn rằng sẽ lại đến.

Chiếc bánh Trung thu ngày xưa và bây giờ

Mỗi khi mùa Trung thu là tôi lại nhớ đến những cái bánh Trung thu thuở còn là sinh viên nhận 17kg gạo một tháng. Cứ đến những ngày này, chúng tôi thường tặng những chiếc bánh cho nhau. Có khi hai đứa cùng tặng nhau một chiếc bánh pía. Cái bánh lúc bấy giờ nghe đâu nhân chỉ toàn khoai lang, mật đường và mỡ vụn, nhưng cái ngon lành của nó vẫn còn trong ký ức cho đến bây giờ. Những lần cùng nhau ăn bánh Trung thu ngày xưa, thường được tô vẽ bằng những câu chuyện của tuổi thơ. Tôi kể cho nàng nghe những chiếc đèn ông sao tự làm bằng tre, đèn cầy tự tạo bằng cách nấu sáp nhặt được đổ vào trong những cái ống bằng cọng lá đu đủ..., những buổi dâng cộ đèn kết thúc bằng cảnh tranh bánh của nhau, đèn bị cháy toang. Tuổi thơ của nàng với một góc bánh nướng mậu dịch cùng những ngọn nến làm bằng hạt bưởi phơi khô xỏ xâu, chạy rong bờ hồ Hoàn Kiếm, nắm đuôi hát: "...đèn ông sao với đèn cá chép, đèn thiên nga với đèn bướm bướm" . Những chiếc bánh ngày xưa không đắt tiền nhưng ngọt lịm, đến giờ còn mãi thòm thèm.


Bánh Trung thu bây giờ khác xưa nhiều lắm. Người ta không gói bánh từng bốn cái một, chồng lên nhau, bọc bằng một lớp giấy màu đỏ thấm đẫm dầu như trước đây. Những cái bánh bây giờ có bao bì riêng biệt, đựng trong những hộp thiếc thật quý phái. Nhân bánh bây giờ rất là đa dạng, không chỉ có đậu xanh hột vịt, giò heo bắc thảo mà còn có cả nhân sôcôla, rồi trà xanh...như lá rụng về cội nữa chứ. Cô sinh viên ngày xưa, nay đã là bác sĩ và mẹ của các con tôi và lâu rồi nàng không còn mua bánh pía cho tôi ăn vì sợ ăn nhiều sẽ tiểu đường! Cũng qua hỏi thăm nhiều người chúng tôi phát hiện ra rằng gần đây, người ta không còn mua bánh Trung thu đơn thuần để ăn trong dịp lễ tết này nữa, mà để biếu nhau là chính. Do vậy cái bánh càng bắt mắt, cái hộp càng đẹp thì mới bán được. Bán được nhưng có nhiều người kháo nhau rằng, sau Trung thu, có khối nhà mang đi đổ hàng đống bánh!

Đèn cầy được thay bằng đèn pin và những chiếc lồng đèn ông sao bằng giấy kính được thay bằng Tôn ngô không bằng nhựa có gắn mô tơ phát ra nhạc. Cũng may, sau mấy ngày chơi chán. Bọn trẻ đâm ra mê mẫn với chiếc lồng đèn bằng mà tôi bỏ ra cả ngày chủ nhật để làm. Cái thú đốt đèn cầy đi rón rén, tránh gió cho đèn đừng tắt làm sao có thể thay thế bằng đèn lồng chạy pin. Nhưng chiếc bánh nướng xẽ đã hai ngày mà vẫn còn phân nửa, bọn trẻ không thích ăn bánh Trung thu, chúng mê sôcôla hơn. Với lại, bây giờ hàng ngày chúng có thiếu thứ của ngọt nào đâu. Trăng đang dần lên nhưng không ai hay vì đèn đường sáng choang, từ đầu con phố đã nghe bọn trẻ con hát cải biên: Tết Trung thu đốt đèn đi chơi, Em đốt đèn nhưng hết pin rồi...."


NHÀ BÁO ĐI TRỒNG DƯA…

Dạo cuối thu năm rồng, trời đồng bằng sông Cửu Long còn mưa như trút. Một ông bạn làm cho công ty giống gợi ý cung cấp giống dưa Đài loan cho trồng mấy công ăn Tết. Lúc đó, ngoài chợ các loại dưa có tên mỹ miều như: Kim mỹ nhân, Hắc mỹ nhân, Xuân Lan…đang bán đầy. Giá mỗi kg cũng phải 5000-6000 đồng. Mỗi công khoảng 500 trái, mỗi trái khoảng 3kg, vị chi là 1 tấn rưỡi. Chí ít cũng phải 5-6 triệu, trừ chi phí cũng phải còn vài triệu. Bài toán chỉ ngồi cũng giải xong. Mấy ông bạn xưa nay cầm bút viết báo, chứ có cầm cuốc trồng dưa bao giờ cũng hăm hở bỏ nhuận bút, lương bổng các thứ mỗi người một triệu hùn vốn trồng dưa. Ông Đức Toàn ra điều ta là nhà doanh nghiệp phán rằng, phải lo ngay đầu ra mới cầm chắc thắng lợi. Chẳng biết thương lượng thế nào, vài ngày sau, anh Thái Hùng, giám đốc công ty may hứa bao tiêu hết toàn bộ sản phẩm. Vậy là thuận buồm xuôi gió


Trồng dưa phải trồng trên đất cát pha. Thế là cả bọn gồm Hoàng Lan, Đức Toàn, Anh Vũ thuê chiếc xe cà khổ xuống tận miền duyên hải Trà Vinh, quê của tôi tìm thuê người, thuê 4 công đất. Đưa cho ông cậu vốn là nông dân bản xứ một xấp tài liệu trồng dưa, ổng coi rồi gật gù: cũng y như người dân ở đây trồng chứ có gì mới đâu. Thế là an tâm hợp đồng miệng với người làm thuê, thuê đất. Lúc còn khoảng 70 ngày là Tết đến, điện thoại tới tấp hối thúc xuống giống cho kịp thu hoạch ngay dịp Tết. Rồi được 15 ngày, cả bọn rủ nhau làm mấy "ông hội đồng thời nay" đi thăm ruộng. Cũng xe pháo, rồi có cả mấy ông chủ doanh nghiệp rãnh rổi đòi theo để hít thở không khí trong lành miền quê. Trẻ con thấy xe hơi thăm ruộng dưa trố mắt nhìn như thấy quái vật. Rồi thì thấy dưa cũng lên xanh um, lòng nhẹ nhỏm phỏng vấn hỏi chuyện dân làng để khi về là mỗi ông cặp nách một bài về thị trường nông thôn. Từ đó, tin tức đưa về cũng có tốt, có xấu. Lúc thì dưa đang bò rất tốt. Lúc thì bão số 6, 7 làm dưa cứ ngóc đầu lên. Ông cậu gọi lên báo xịt thuốc rồi, dưa tiếp tục ngã đầu xuống để bò. Ngày thứ 30, tin vui báo về là dưa có trái đã to bằng cái chén. Lại kéo nhau về, quả thật dưa đã ra trái bằng cái chén ăn cơm. Phen này, chắc là trúng mùa đây. Hôm qua đọc báo thấy dự báo dưa năm nay sẽ rất cao giá vì mưa lâu làm thất mùa. Quá hứng nên rủ ngay ông chủ đất người Khơ me, thật thà làm một xị. Đang cao hứng, được vài ly ông ta nói chưa chắc ăn đâu chú ơi. Thấy cũng chột dạ. Được 50 ngày, sẳn đi công tác ở Trà Vinh, ghé tạt qua đám dưa xem sao, giữa đường gặp người quen hỏi thử xem tình hình thế nào. Chị ta nói dân trồng dưa ở Cầu Ngang năm nay tiêu hết. Trời đất! Nhưng dưa của chú cũng "chạy dây" nhưng còn khá. Phú! Có thế chứ! Thị trường mà nói chạy chợ tức là đắt hàng; còn dưa chạy dây chắc là tốt lắm. Chừng ra tới nơi mới té ra chạy dây là dưa bị si đa hết thuốc chữa! Gọi di động cho ông bạn tiến sĩ nông nghiệp hỏi xem có cách nào không. Ông ta cười trong máy rồi nói xịt Pha-ra-sông đi. Pha-ra-sông là phát bỏ rồi đổ ra sông đấy, chứ dưa bị virus thì thua rồi! Thời may kiểm tra lại chỉ có khoảng vài chục dây bị bệnh nên nhổ bỏ là xong. Ráng chừng 10 ngày nữa là bỏ tiền vào túi rồi.


Vậy mà sau đó mưa đêm liên tục mấy ngày khiến cả bọn trong bụng cứ giật thót theo tiếng mưa. Khoảng 23 Tết (định 25 là thu hoạch) tin báo là nên cắt nhanh kẻo dưa chạy dây. Thôi thì cắt sớm vậy. Hoàng Lan, Đức Toàn lo kho bãi, bốc xuống còn Anh Vũ theo tôi chở dưa về. Gọi điện về hỏi khoảng bao nhiêu trái. Tin báo: hơn 1000 trái. Trước khi đi, Hoàng Lan còn dặn, lựa riêng trăm trái tốt nhất về tặng bạn bè. Chiếc xe tải hồi hộp chạy trên con đường quê cát nóng hổi muốn cháy cả lốp. Vậy mà, không tin vào mắt mình, đống dưa đã cắt xong chỉ chở khoảng hai chiếc xe lam là hết. Cũng gần 2000 trái nhưng mỗi trái chỉ khoảng hơn 1kg, trời ạ!.


Vậy toi hết mấy triệu, nhưng không tức bằng công sức và sự hồ hởi tính toán đã bỏ ra. Buồn chả ăn uống mấy ngày. Cả bọn nhìn nhau mếu máo, còn ông bạn hứa bao tiêu cho đám dưa cứ tủm tỉm cười hoài. Thế mới hay việc gì cũng vậy nếu không có tính chuyên nghiệp thì mọi sự bất thành. Chúng tôi mới rút ra được kinh nghiệm, ngay cả trong vụ trồng dưa nhỏ nhoi của chúng tôi cũng phải cần đến nền tảng là tri thức (khoa học-công nghệ trồng dưa), chúng tôi thiếu cả cái nóng hổi nhất của thời đại là thông tin. Đã vậy sao thành công được. Tính ra việc kinh doanh nhỏ xíu như vậy cũng không phải là chuyện dễ; bởi vậy nghe nói dưa tiêu hết, ông Thái Hùng cứ tủm tỉm cười hoài.



TỜ QUYẾT ĐỊNH


Một ông bạn là giảng viên của trường Đại học Cần Thơ, sáng hôm 20/11, mặt hầm hầm bước vào đưa cho tôi tờ giấy bảo: Quà tết cho các thầy đấy. Quà? Sao lại cay cú thế? Té ra đó là một quyết định điều lực lượng đi lao động của phường, được gởi tới nhà đúng ngay ngày Nhà Giáo Việt nam. Kèm theo đó là một lời cảnh cáo: "yêu cầu anh (chị) chấp hành nghiêm chỉnh quyết định này, mọi sự cản trở hoặc trốn tránh sẽ bị xử lý nghiêm minh". Tôi hơi ngỡ ngàng nên bảo, có lẽ họ lầm tưởng anh là dân thất nghiệp. Nhưng anh chắc rằng đã kiểm tra và được báo là ai cũng phải đi lao động công ích, bất kể anh có là công chức hay không. Nếu không thì đóng 70 ngàn. Ừ thôi thì đóng 70.000. Anh nói, bỏ qua việc lao động công ích có tính đến công nhân viên chức hay không; vấn đề là thái độ và lời văn như thông báo trên là không thể chấp nhận được. Ông cụ nhà cạnh bên ghé mắt xem tờ quyết định rồi thì thầm: tôi nhớ là có đọc mấy lời như vậy ở đâu rồi. Cụ nhớ xem đã đọc ở đâu nào. Hình như là trong lệnh khám nhà hay truy nã gì đấy! Trời, cụ nói gì mà ghê vậy. Chứ không à? Kêu một công chức nhà nước đi lao động mà nói như thế có khác nào triệu tập tội phạm không? Ừ nhỉ? Không chỉ cụ mà tất cả những ai tôi cho xem tờ quyết định trên điều có chung cảm giác ấy. Mấy anh là giáo viên trường Đại học, cán bộ công chức ở trong xóm nghe nói vậy mỗi người đều cầm một quyết định với nội dung như trên chỉ thay tên người được triệu tập mang ra cho nhau xem. Quyết định này "không chỉ một lần mà đến những hai lần" trong năm nay.

Các cụ xưa khi nhà có khách thường bảo con cháu ăn nói cẩn thận, kẻo người ta chê cười. Afta, rồi Asean, rồi WTO đã gần kề, vậy mà người trong nhà với nhau trong những công việc hành chính như vậy lại sử dụng những từ ngữ như thế sao. Lộ trình hội nhập càng lúc càng gần, ta càng phải nhận ra những mặt yếu cần khắc phục, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, cơ chế pháp lý mà còn cả trong cách hành xử của các cấp hành chính cơ sở. Càng về tỉnh nhỏ, càng về vùng nông thôn, yếu kém càng rõ rệt. Việc chuẩn hóa càng bộ là việc không chỉ thực hiện ở các cấp hành chính cấp cao như tỉnh, thành phố, trung ương mà còn phải ở cấp xã phường. Năng lực yếu kém khiến cho việc vận hành nhà nuớc ở cấp xã phường bị đình trệ (không nói tới nhũng nhiểu), và sẽ dẫn đến sự đình trệ kéo theo của bộ máy lớn.

Khách sẽ đến và còn đông nữa chứ. Vì thế việc cải cách và nâng cao năng lực hành chính cấp cơ sở là việc không thể bỏ qua. Ví như cái tờ quyết định của phường mà anh bạn vừa cho xem, nó mới ký ngày 17/11/2002 mà cứ ngỡ nó đến từ thời xửa, thời xưa. Anh nói đùa, nếu ai cũng chấp hành thì trường Đại Học sẽ có một số khoa cho nghỉ, bệnh viện sẽ có một số bác sỉ đi đào kênh. Mà thật đấy chứ. Trong quyết định còn có câu "khi lao động phải mang theo Len, Gào, Cuốc và đồ dùng cá nhân phục vụ cho lao động, đảm bảo hòan thành chỉ tiêu đào đấp được giao" !!!!!


ĐỪNG ĐỔ LỖI CHO THỊ TRƯỜNG


Từ cái thời xa xưa, cái thuở hai bộ lạc biết trao đổi cho nhau những thứ kiếm được. Bộ lạc chuyên sống bằng săn bắt thú có thừ thịt nhưng thiếu rau, trái. Bộ lạc sống bằng hái lượm có thừa trái cây nhưng thiếu thịt. Cả hai trao đổi cho nhau và cùng có mọi thứ. Thị trường hình thành từ đó, nó là động lực cho sự phát triển của xã hội loài người. Khi thị trường phát triển như hiện nay, để sống còn người ta có nhiều thủ đoạn để tồn tại nhưng đó không phải là bản chất của thị trường. Chẳng phải vô tình mà chúng ta có chiến lược về một nền kinh tế "thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa xã hội". Tức là thừa nhận vai trò động lực của sự phát triển của thị trường nhưng cũng cảnh giác với mặt trái của nó.

Ấy vậy mà, ngày nay lắm người khi làm một chuyện trái khoáy hoặc trái với đạo đức kinh doanh... họ liền bào chữa: thị trường mà!

Một doanh nghiệp treo bảng bán màn hình máy tính giá rẻ hơn nhiều so với các cửa hàng lân cận, khách hàng tìm đến mua họ bảo không có hàng. Họ chỉ phá bĩnh đối phương để thu hút khách hàng về mình thôi. Ai đó thắc mắc, họ bảo: thị trường mà! Một cơ sở thu mua nông sản tung tin là họ sẽ thu mua giá cao, nhưng khi nông dân đem hàng đến bán họ õng eo chê khen, rồi mua với giá còn thấp hơn người khác. Họ cũng bảo: thị trường mà!. Người bán rau phun thuốc cho rau xanh tươi họ cũng biết là độc hại cho người tiêu dùng, nhưng họ cũng muốn bán được hàng nên cứ phun. Được hỏi họ bảo: thị trường mà!

Thậm chí, trong một lớp học ban đêm, ngay sau khi thầy giáo đưa những yêu cầu nghiêm khắc; một số liền kiến nghị nhà trường thay thầy khác. Họ bảo họ trả tiền học nên họ là thượng đế. Họ có quyền. Thị trường mà! Một doanh nghiệp kinh doanh xe khách có tiếng ở tỉnh, muốn tuyển nhân viên cho các quầy vé. Họ đến lớp đào tạo nhân viên bán hàng (do họ tổ chức) yêu cầu thầy giáo tạm ngưng ít phút để họ tuyển nhân viên. Phương pháp tuyển dụng được vị phó giám đốc trình bày rất độc đáo. Ông ta nói sẽ đi từ trên xuống xem ai "coi được mắt thì tuyển". Ông ta cũng có nói:"Xin lỗi, thị trường mà!". Lúc ấy, người được lẫn không được tuyển, kể cả thầy giáo đều hụt hẩng. Nhưng biết làm sao. Thị trường mà!

Chúng ta chắc chắn đã nghe những chuyện tương tự đâu đó chung quanh. Rồi có khi chợt nhận ra, chuyện này nghe quen quen. Hình như có lúc, ở đâu đó ta đã tự mình bào chữa: thị trường mà! Những việc như vậy diễn ra bình thường đến nỗi, từ xa xưa người ta đã coi những người làm nghề mua bán là hạ cấp, xếp cuối cùng trong sĩ, nông, công, thương. Những người làm nghề khác thì được người ta gọi là ông, là thầy còn thương nhân thì bị gọi là con buôn.

Vì thế, chúng ta nên nhìn thị trường với những mặt tích cực của nó và hành xử tương xứng. Muốn vậy, đạo đức kinh doanh nên được coi trọng và đưa lên thành một nội dung giáo dục trong kinh doanh; đặc biệt là trong một nền kinh tế thị trường mới phát triển, có nhiều cạnh tranh gay gắt.



THÁI QUÁ BẤT CẬP


Không phải là đệ tử của phái Trung dung, nhưng tôi luôn cho rằng cái gì thái quá thì bất cập. Không phải vậy sao. Có gì hơn biện pháp khuyến mãi khi muốn tăng doanh số. Vậy chứ nhiều công ty cứ lẫn quẩn với điệp khúc khuyến mãi ví dụ như: uống mười lon tặng thêm một lon, một hộp sữa tặng một ly uống cà phê...đến những chuyến du lịch hoặc chiết khấu cao. Lúc đầu kết qủa, khiến ai cũng háo hức, vì thế nên khuyến mãi cứ liên tục, quà tặng cứ liên tục. Đến một lúc, cho dù có khuyến mãi doanh số cũng không tăng lên chút nào vì khách hàng lâu ngày cũng nhàm và bị "miễn dịch khuyến mãi". Trong ý thức họ không còn nghĩ đó là khuyến mãi mà coi như là giảm giá kinh niên (bản chất của khuyến mãi, chiết khấu là một hình thức giảm giá mà) chẳng qua là mua với giá rẻ hơn thôi. Thế nhưng khi ngưng khuyến mãi là doanh số giảm một cái rột, chết đứng. Vì khách hàng bảo như vậy là tăng giá, và chờ đợi đợt khuyến mãi tiếp theo, chừng nào có mới mua! Đâu phải là khuyến mãi ì xèo, liên tục là hay đâu.


Nhân nhắc chuyện kinh doanh nói luôn chuyện trật tự giao thông. Ai biểu mấy ông tài xế chạy nhanh, chạy ẩu quá gây chết người nên mới có chuyện hạn chế tốc độ. Có lần đi trên chuyến xe tốc hành do quá kinh hãi tốc độ của "chú tài" (vì tài xế còn trẻ măng), nên tôi phải tự giác xuống xe đón chiếc khác! Khi treo bảng hạn chế tốc độ thay vì treo nơi cần thiết, tốc độ cho phép hợp lý lại treo quá nhiều, "chậm quá đáng" nên mới có vụ phản đối quyết liệt của cánh tài xế, kể cả người dân, doanh nghiệp...khiến cho mấy ông công chánh giao thông đồng lọat tháo dỡ biển báo. Tháo lẹ quá, triệt để quá nên "phủ định sạch trơn. Mấy bác tài sau một thời gian chân cẳng tù túng, nay lại đạp lút cần! Và rồi cái vòng lẫn quẩn: cấm-dẹp-cấm…chắc sẽ tiếp diễn.


Thuốc lên giá là do độc quyền nhập khẩu. Nhưng cho nhập khẩu tràn lan đâu phải là cái hay. Độc quyền nhập khẩu sẽ sinh ra độc quyền giá. Thế nhưng nếu ta khống chế giá bán ra, không cho vượt thì muốn bán giá cao cũng không được. Chúng ta có biết được giá thuốc bán ra ở nước sở tại không? Chắc chắn là biết. Chúng ta có tính được chi phí nhập khẩu vào Việt nam không? Chắc chắn là biết. Thuốc là hàng hóa đặc biệt do đó mức lợi nhuận phải được khống chế ở các khâu bán sỉ, lẽ. Mức lợi nhuận bao nhiêu chắc rằng ta qui định được. Vậy thuốc nhập khẩu vào là được dán giá lên ngay. Đâu còn bàn cãi là nên dán giá nào, ra sao. Vì vậy, để chống độc quyền mà cho nhập tràn lan có phải chăng là thái quá bất cập?


Qua báo chí ta thấy rất nhiều bài vỡ công kích tệ uống rượu, bê tha nghiện ngập. Vậy mà cũng có những tài liệu cho rằng mỗi ngày một cốc thì sống lâu. Thuốc bổ mà uống nhiều quá còn chết huống chi là…Miễn là đừng thái quá.



THÁNG BA RA RUỘNG THẢ DIỀU


Cuối tháng Ba, đầu tháng Tư năm nào cũng vậy, gió sắp chuyển là đến mùa thả diều. Trời ban ngày nắng gắt, cháy bỏng da. Buổi chiều mát chở lũ nhóc ra đồng thả diều cũng thú vị. Phải có một vùng ngoại vi, có đồng trống mới thả được. Còn trong thành phố dây điện chằng chịt, không có một miếng gió thì làm sao "diều gặp gió".


Hồi còn nhỏ, muốn thả diều phải chuẩn bị cả ngày. Kiếm vành nón lá cũ của mẹ và một cây đũa bếp làm sườn. Xé tập vở ra dán diều. Rồi cắt râu trang trí. Rồi cột dây lèo thả thử xem có bọc gió không...Công phu lắm. Mà hồi đó sao người lớn ít ai thả diều, chỉ có lũ con nít. Còn bây giờ thì một đứa con nít đi thả diều thì có một người lớn đi kèm (có khi hai!). Ngó lên trời diều bay cả bầy. Có người dơi, cá mập, đại bàng, bướm bay rợp trời...Kiếm một con diều giấy làm thủ công đỏ con mắt, mà không có. Bèo nhất có 6000 đồng là có một chú bướm con rồi, vài chục ngàn thì có cá mập, đại bàng...Ra thả diều, nói là giải trí vậy chứ nhiều người ngó quanh xem có con diều nào hơn của mình chăng. Cứ như khoe xe máy không bằng. Một bãi cát qui hoạch khu dân cư chừng vài hecta mà chứa cả ngàn người cùng xe máy...như đi picnic. Thả diều là trò con nít vậy mà cầm diều chạy cho bọc gió chỉ thấy toàn mấy ông bố, đám nhỏ chạy theo nài nĩ ba ơi cho con thả một chút. Hai người yêu nhau cũng đi thả diều, hai ông bà già cũng thả diều. Đám con nít băn khoăn người lớn cũng thả diều nữa à. Có ông thả được diều lên cao, thích chí nằm ngữa trên cỏ, ưỡn bụng nhìn con diều trên trời cao...Rồi diều vướng dây, cự cãi. Rồi câu diều, đánh lộn...Đến nỗi, để giữ gìn trật tự chiều chiều dân phòng phải ra bãi ngồi sẳn!


Một ông bạn than rằng đến diều mà cũng được sản xuất công nghiệp hóa thì buồn thật. Vậy mà ông cũng mua một con diều Trung quốc to đùng, còn gắn thêm mấy bóng đèn chớp gắn cùng cục pin tiểu để con diều cá mập bay lên chớp chớp mắt cho bà con lé mắt chơi! Anh còn định về chế cái môtơ để quấn dây diều nữa chứ. Còn đâu những chiếc diều giấy với những miếng tre mõng làm sáo diều.


Mấy ông tiếp thị đâu bỏ qua. Mấy món có liên quan đến con nít (cả người lớn) đều được đem ra bãi để tiếp thị, sampling...Có người còn định thả hai con diều bay song song mang băng rôn "Công ty X welcome !!!". Mấy xe nước sâm, nước mía tha hồ hốt bạc. Mấy cái quán cóc giờ đây đắt như tôm tươi.


Mùa thả diều đến mới thấy rằng con người đô thị dường như đang sống thiếu một thứ gì mà không ai xác định được, có dịp mới phát hiện ra rằng đó là sự thiếu thốn thời gian và những thú vui...không phù phiếm. Lúc đầu muốn cho con cái biết tuổi thơ của cha mẹ như thế nào và rồi chính mình say đắm trong những trò chơi ký ức. Anh bạn làm diều có đèn chớp cứ loay hoay mãi mà không kéo diều lên cao được vì cục pin nặng quá, vả lại trời nắng có ai thấy đèn chớp đâu. Nhưng cuối cùng rồi công sức sáng tạo của anh cũng được đền bù là khi trời sụp tối, mọi người về gần hết thì ở một góc ruộng, có một con diều cá mập chao qua chao lại, chớp đèn lia lịa khiến mọi nguời phải chú ý. Tội nghiệp anh, vì cái trò chơi trẻ con đơn giản phải bị gánh nặng của công nghệ làm cho nó phù phiếm.

Tản mạn buổi sáng


Mấy người bạn bảo giờ trông mày "phệ" quá. Ngẫm lại thấy người cũng nặng nề, mệt mõi nên quyết tâm tập chạy buổi sáng. Mua sẳn đôi giày, mua luôn cả cái đồng hồ báo thức Trung quốc mấy chục ngàn. Đêm đầu tiên đi ngủ sớm. Vặn đồng hồ báo thức lúc 5 giờ sáng.

Không nhờ đàn chó khoảng hai mươi con trong hẻm nhỏ, sủa vang trời vì có người dây sớm đi đâu đó chắc hẳn đã ngủ luôn tới sáng vì không nghe nổi chuông reo; mặc dù nó kêu inh ỏi. Thèm ngủ quá, nhưng lý trí bảo phải quyết tâm nên mặc quần cộc, áo thun, mang giày đi ra khỏi nhà. Trời buổi sáng mát và thanh khiết quá. Vừa đi vừa nhớ đến khẩu quyết dưỡng sinh đã từng đọc đâu đó: hít vào phình bụng, thở ra thóp vào" liền thực hành ngay. Chợt muốn nôn ẹo như đàn bà ốm nghén: mùi phân chó xộc vào tận ruột như muốn xốc tung ngũ tạng. Chạy ngoằn ngèo trong địa hình đầy chướng ngại vật để thoát khỏi com hẻm chưa tới 100 mét. Mồm thở hồng hộc, rõ khổ; nhưng cũng là vận động đấy chứ. Bước ra công viên, ở đấy trắng bóng người vì đa số ai cũng mặc áo thun trắng cả. Điểm lại chỉ thấy toàn bọn trẻ 17-18 và các cụ 50 trở lên, còn cỡ 30 mấy thì hầu như chỉ cò mình. Chán thật.


Lại cẩn thận hít vào, dễ chịu thật. Buổi sáng cứ đi dọc vĩa hè hít thở là thư giãn rồi. Hộc, lại mùi xú uế từ cống bốc lên. Kệ cứ đi đại xuống phố. Dọc theo con đường lớn, thỉnh thoảng xe ba gác chạy ào qua, trên chở đầy ấp hàng hóa. Đường vẫn còn vắng, ở góc phố mấy cô gái ăn sương vẫn còn dật dừ, nấn ná chưa chịu về. Bọn trẻ lang thang, người mất trí lem luốc co quắp bên hiên của các căn nhà trên phố mà chủ nhân mãi ngủ nên cửa vẫn còn im ỉm. Buối sáng đô thị sao nhem nhuốc quá.


Bọn trẻ tập trung đá cầu, người già thì đi bộ dọc theo phố, đâu đó từng tốp các cụ ông, cụ bà đang tập dưỡng sinh. Người đi đường đông dần lên, mặt trời đã nhá nhem, chân đã mõi. Về thôi. Lan man với những ý tưởng cho một ngày mới, chợt giật mình nhận ra đã tới đầu hẻm vào nhà. Hít một hơi dài, rồi nín thở chạy một mạch. Ông hàng xóm đứng hút thuốc trước nhà cười hễ hả: sung dữ hén. Phù …!



TẾT ĐẾN NÓI CHUYỆN RƯỢU TA, RƯỢU TÂY

Sắp đến Tết, cánh đàn ông chắc sẽ không ít người lo tậu "rượu" để vui Xuân, vừa để đải đằng bạn bè trong dịp Tết, vừa để biếu xén, có người tuy không thích uống rượu nhưng cũng có vài thứ để cho bạn bè bíết mình cũng là dân chơi..."rượu". Thời bây giờ ít ai, cặp nách sang nhà tặng bạn một chai ba xị đế bao giờ, chí ít cũng một cặp" lên cơn" có mã rượu ngoại, mặc dù có khi chỉ làm gia chủ mắc công đem đổ...Nói vậy chứ, trong những thức ăn truyền thống, dân dã đôi khi thiếu một ly đế chính hiệu thì thật là vô duyên và mất đi hương vị, thử hỏi có ai ăn mắm sống mà uống rượu Tây bao giờ, mà nếu có cũng làm sao bằng một hớp rượu nếp. Nhiều gia đình còn giữ nếp cổ, các cụ còn không cho phép rót rượu Tây để cúng giỗ nữa là. Ngày Xuân, ở phía Bắc có thịt kho đông,dưa giá chắc là để làm bạn với "cuốc lũi", miền Nam thịt kho, dưa cải xứng với rượu nếp. Mà cách uống nếu được làm khác đi cũng làm cho người sành rượu mất hứng thú. Dân miền Tây uống rượu đế mà rót mỗi người một ly thì "lãng xẹt", phải cưa đôi mới đúng. Ai bảo uống rượu là không văn hóa, miễn là đừng quá lạm dụng, nếu không thì rượu làm sao được phép có mặt trong các dịp cúng kiếng, lễ lộc: rượu từ lâu còn là một thứ lễ quan trọng trong tập tục dân tộc. Có một anh nông dân Nam bộ kể lại như thế này mà khi viết lại cũng còn rõ dãi: " Con cá lóc được bọc bùn dẽo nướng bằng rơm, khi bóc ra chất ngọt chảy dài trên tay; ngắt vài quả ớt hiểm lấy cán dao đâm dập dập với muối hột, rồi sẳn vấp cá, rau húng trong vườn, bóc một miếng cá nóng hổi chấm muối ớt, cắn một cái với mấy cọng rau húng...Lúc đó thật là hết biết trời trăng; làm thêm một ngụm Xuân thạnh, khà một cái...đùi cứ rung rung tận hưởng cái vị ngọt, cái men cay chảy từ từ trong thực quản rồi quần nhau trong bao tử..."


Uống rượu nghe thấy đã như vậy, chứ có lần cũng chứng kiến một chuyện dỡ khóc dỡ cười: một vị khách Tây "bị" một anh Ta đòi cưa đôi một ly "trà đá" chứa đầy Remy Martel. Ông Tây trợn tròn con mắt vì "dội" quá và cũng vì bị cho là xúc phạm; số là uống như vậy thì coi như khi dể rượu Tây là đồ bỏ, trong khi phải mất bao năm mới ra được một chai. Uống rượu Tây, theo Tây là phải từ từ, là rất cầu kỳ. Có lẽ vì mất quá nhiều công đoạn để có được một chai Cognac, Champagne...mà rượu Tây trở nên quí chăng. Một du khách xứ sở của một loại rượu nổi tiếng thú thật đúng như vậy. Chỉ riêng công đoạn sản xuất Champagne cũng cho thấy được "nghề chơi cũng lắm công phu: " Phải làm từ nho chính hiệu xứ Chardone và Pinot (Pháp), loại vỏ và hạt xong được cho lên men trong thùng bằng gỗ sồi. Sau khi cho lên men trong vài năm người ta sơ chế bằng cách trộn các loại với nhau, thêm đường...rồi cho vào chai. Các chai này phải được dốc ngược và xoay đi xoay lại trong 5-7 năm trong các hầm rượu mới được xuất bán. Đó mới chỉ là thứ rượu nhẹ để uống khai vị, còn các loại rượu mạnh khác như Brandy, Cognac, Gin, Whisky, Rum ...thì việc chọn nho, chọn gổ đóng thùng cũng có thể kể thành 1001 đêm! Các loại rượu mạnh thì ngoại trừ các lưu linh cao thủ, còn thì mọi người uống phải pha chế thành các loại cocktail. Tùy theo khẩu vị mà mỗi người mỗĩ xứ có cách pha chế riêng dựa trên căn bản các loại rượu mạnh kể trên và các loại dùng để pha chế khác như trái cây, kem, sô đa...người ta biết hiện nay trên thế giới có đến hơn 2000 loại cocktail. " Chín người mười ý" hàng trăm triệu người uống rượu mà chỉ có vài ngàn cách pha chế kể cũng ít!. Rồi ngoài việc rượu nào đồ nhắm ấy, còn có vấn đề rượu nào ly ấy nửa chứ. Có đên hàng trăm loại ly. Ly uống champagne, ly uống cognac, ly uống cocktail...uống mà trật ly thì kể như là "Hai Lúa". Khi uống để lên mũi ngữi, cầm ly ngắm nghía chất rượu bên trong mới là đúng cách. Vì thế mà có cả một nghề được cấp bằng hẳn hoi là nghề pha rượu: bartender. Một bartender "xịn" phải nhớ gần một ngàn công thức pha chế; thậm chí phải biết cách pha một ly cocktail có ba, bốn tầng màu phân cách nhau trong ly! Một bartender kể rằng khi uống Tequilla, một loại rượu cất từ xương rồng Mexico, phải thoa chanh vào khoảng giữa ngón cái và ngón trỏ, rồi rắc muối lên. Uống một ngụm Tequilla, phải liếm bàn tay nơi có rắc muối một cái, mới đã!


Một anh bạn rủ một đồng nghiệp người Pháp về nhà ăn tối, để chứng tỏ là người sành rượu anh ta mua một chai champagne ngoại hẳn hoi để khai vị. Đến khi khui ra, cũng nổ chát chúa như ai, nhưng lại bị ông bạn cho là đồ giả: rồi anh ta mới chỉ cho biết: rượu champagne thứ thiệt không có ghi các ký hiệu ngôi sao và các dấu V.S.O.P, V.O hay X.O (chứng tỏ đượo cất lâu năm) gì cả; đó là ký hiệu cho brandy, cognac. Mà trên chai rượu champagne nhất thiết phải ghi năm hái nho, làng sản xuất, nơi đóng chai !


Văn hóa rượu là có thật, có văn hóa rượu của Châu Âu, có văn hóa rượu Trung quốc, có cả văn hóa rượu Việt Nam. Việc lạm dụng rượu dẫn đến tệ nghiện rượu, say xỉn thậm chí làm rượu giả cũng làm xấu đi cái "văn hóa rượu" vốn từ xưa đã là một yếu tố tập tục truyền thống. Đầu xuân, nâng chén rượu nồng thơm mùi nếp mới mà ngẫm chuyện rượu Đông Tây, kim cổ há chẳng phải là cái thú sao. Lý Bạch nhà thơ và cũng là một "con sâu rượu" nổi tiếng Trung quốc từng cho rằng thánh hiền có người còn chưa biết nhưng những bợm rượu thì ai cũng biết, quả thật là cái ngông của một nhà thơ:

" Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch

Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh "

PHÒNG CHÁY SỢ …XUI


Mấy năm trước tới chơi nhà một ông bạn già mới tậu. Thật ra là một căn nhà vách ván tôn, lợp lá trong một khu lao động chật hẹp. Ông than rằng khi mới về ở xóm này, thấy lối đi chỉ có đủ chỗ cho chiếc xe máy chạy vào; mà trong xóm toàn là nhà lá, nhà cây, vách ván. Con hẻm chỉ hơn 30 mét mà gần hai chục hộ. Khi đi họp dân phố, với trách nhiệm người công dân công với cái hăng hái của người mới đến được dân ở đây gọi là ông giáo, ông đề nghị: bà con nên cùng nhau hùn tiền lại mua mấy cái bình chữa lửa. Ở đây chật hẹp lỡ xảy ra hỏa hoạn còn có cái mà cứu. Chớ xe đâu có vô được đây. Những tưởng mọi người hưởng ứng cái rần nào dè cái bà bán bún đầu hẻm đêm nào cũng nấu bếp canh cua tới khuya, phát pháo trước tiên: Nè, ông đừng có trù ẻo nghe. Mới về mà nói bậy nói bạ. Ông hàn dè mũ: Chắc ổng thấy tôi đốt lửa nên hoảng chứ gì. Thôi đi ông. Cả chục năm nay xóm này có bị gì đâu. Miệng ăn mắm ăn muối, có bề gì là tại ông. Ông bạn mặt tái mét vừa giận vừa sợ nên thôi.


Dân mình nghĩ cũng kỳ, cũng lo cũng sợ chứ có phải không đâu nhưng sợ mở miệng nói là xui là kỵ. nên không dám nói. Chừng có chuyện thì bảo sao không ai nói. Vụ cháy ITC vừa qua, khiến người ta hè nhau đi mua sắm bình chữa lửa. Thậm chí có mấy tay làm việc trên nhà cao tầng còn mua cả dây thừng để khi có cháy thì làm Tarzan thời hiện đại. Tự lo bảo vệ cho chắc. Rồi chắc rằng chẳng bao lâu khi vết thương của vụ cháy vừa qua chưa kịp khép lại thì người ta đã quên mất chiếc bình chữa lửa mới mua sử dụng như thế nào. Rồi mấy cuộn dây chắc sẽ đem vất đi.

Đó là chuyện của từng người dân. Còn những khu nhà cao tầng nơi có hàng trăm người làm việc, liệu có đủ lối thoát hiểm cho ngần ấy người. Khi ấy đừng trông mong vào việc "ra đi có trật tự", kẽ trước người sau. Giật mình nhớ lại, mình đang làm việc ở tầng 20 của tòa nhà nếu lỡ...Suỵt, đừng nói xui chứ! Trong những lần diễn tập PCCC, thấy chống tre bay lên ào ào, phóng qua lửa như xiếc, giờ thì thất vọng, bất lực trong những tình huống cụ thể như vậy. Một ông doanh nghiệp bảo: vụ rồi nếu mấy tay bán nệm đem ra cho người bị nạn nhảy xuống thì vừa cứu được người vừa được tiếng! Đừng tưởng là nói chơi, trong phim của Tây thấy cảnh đó hoài chứ gì.

Thôi thì đừng sợ xui do nói trước. Hãy nói ra cái được cái không ngay từ bây giờ, để mất lòng trước đặng lòng sau. Chứ đừng mất bò mới lo làm chuồng. Mất mạng mới...Suỵt, đừng nói dại.



OIV (Chỉ có ở Việt nam)


Lâu lắm rồi khi tôi đi cùng với những đồng nghiệp nước ngoài tham quan rừng U minh ở Cà Mau. Chiếc xuồng con đưa người qua những con lạch, cá nhảy loạn xạ, nhảy bổ cả vào xuồng. Tầng lá tràm khô cao cả mét từ mặt đất, những cái ổ ong như cái lu treo lủng lẳng trên những cây tràm hai bên bờ…Tất cả khiến cho những người nước ngoài lần đầu tiên vào U minh, tưởng như tới thiên đường luôn miệng kêu lên: OIV "Only in Viet Nam" (chỉ có ở Việt nam). Lần đó tôi tự hào biết bao.


Gần đây, tôi lại nghe nhiều doanh nhân ngoại quốc khi nói chuyện với nhau thường dùng thuật ngữ này. Nhớ đến câu này nghe quen quen, tôi tò mò tìm hiểu xem họ nói gì. Hóa ra lần này thì không có gì hay ho. OIV là thuật ngữ họ hay dùng để nói tới những chuyện mà trái khoáy mà ở Việt nam mới có. Đi đường nhìn thấy cái thang tre khóa vào cột điện. Họ bảo: OIV. Nhìn những nhà cao tầng ngang có hơn hai thước cao chục tầng. Họ bảo OIV. Gặp những thủ tục kinh doanh bất hợp lý, nhiêu khê. Họ an ủi: OIV… Cứ ngỡ hiếm hoi lắm mới gặp những chuyện như vậy. Vậy mà hàng ngày xung quanh ta vẫn diễn ra vô số chuyện mà đem so sánh với xứ người thì bản thân ta cũng chỉ biết than trời: OIV (chỉ không biết là ông trời có hiểu OIV là cái giống gì không?)


Cước Internet thì mắc, mà kết nối thì lâu, hay bị cắt. Chắc chỉ ở ta mới có. Điểm tham quan du lịch, chợ búa, nơi công cộng bị cấm chụp hình, chắc là cũng hiếm khi gặp. Chiếc xe đò chỉ có 52 chỗ, lại chở 90 người và thuốc nổ. Còn lâu mới tìm ra chuyện như vậy ở nước nào. Quý tử đua xe hơi trên đường phố là chuyện xưa nay hiếm. Nghe đâu ở Cần Thơ, mấy xe tải nhỏ chở vật liệu xây dựng mà tài xế còn non choẹt đua nhau trên đường nữa kìa. Vậy mới là ghê, hết ý và …OIV


SARS và chiến tranh đã làm cho ngành du lịch của thế giới gánh chịu tai họa. Nhưng gần đây các du khách đến Việt nam đông trở lại vì Việt nam đã khống chế được SARS. Cũng là OIV. Thiên tai lũ lụt thường xuyên nhưng sản xuất lúa gạo luôn ở vị trí các nước đứng đầu. OIV. Mong rằng người phương Tây luôn thốt lên OIV vì những thành tựu và những tốt đẹp của ta. Chứ OIV không chỉ là những chuyện xấu.




Những cơn sốt mùa hè

Không biết số liệu thống kê thời tiết dự báo như thế nào, chứ giữa tháng Tư rồi mà trời nóng như đang ở sa mạc. Trời năm nay nóng hơn thật: Nóng đến nổi bảng điện tử nổi khùng chỉ 45°C! Cái nóng khiến buổi trưa ít kẹt xe hơn vì ai cũng ngại ra đường. Cái nóng còn làm cho những ngừơi làm việc văn phòng siêng năng hơn vì ngại phải đi ra ngoài, kể cả để ăn cơm trưa. Cái "nóng" của vụ án Năm Cam xem chừng dịu lại do cái nóng từ cuộc chiến ở Iraq còn cao hơn. Và rồi bão cát và nóng do nhiệt từ đạn bom đổ xuống Baghdad cũng phải đầu hàng con virus SARS. Người dân bảo rằng cái con SARS ấy có "nóng " thật đấy nhưng vô hình. Còn cái kính chiếu hậu thì sờ sờ ra đấy.


Chưa năm nào có nhiều cái nóng trong mùa hè như năm nay. Những cái nóng đều con người gây ra (kể cả cái nóng vật lý 37°-38°, suy cho cùng cũng do phá hoại môi sinh mà ra). Nhiều ngừơi bảo phải chỉ đích danh là do kinh tế, là do thị trường, là do đô la. Cuộc chiến tranh do nguồn lợi từ các mỏ dầu Iraq đã quá rõ ràng (đài CNN hôm nào cũng chiếu cảnh các nuớc biểu tình với biểu ngữ NO War for Oil). Còn SARS thì có dính líu gì? SARS đã không lan mạnh đến như vậy nếu người ta không sợ ảnh hưởng đến ngành du lịch mà dấu giếm thông tin. Việc bưng bít thông tin về SARS ngay từ nơi xuất phát khiến cho ngành du lịch các nước chết chùm khóc ròng. SARS chỉ gây sốt một lần khi phát bệnh. Chữa khỏi thì coi như xong. Chứ chiếc xe gắn máy gây sốt còn nhiều hơn. Nhà nuớc không cho nhập nữa: sốt giá. Lại cho nhập: sốt. Nhập xe Tàu tràn lan: sốt. Hạn chế nhập: sốt. Hạn chế nhập CKD: sốt. Bắt đội nón bảo hiểm: sốt nón. Mà sốt nón diễn ra phải mấy lần đấy chứ (còn nón bảo hiểm tồn kho là sẽ cứ còn sốt). Rồi bảo hiểm xe máy…kính chiếu hậu: Sốt.


Người dân lãnh đủ sốt các loại. Xét về mặt y học, dân ta có khả năng chịu đựng khá cao. Những cơn sốt thị trường chả làm ai chết cả. Họ chịu được tất, chỉ phải tội chi tiền ra hơi bị nhiều cho các cơn sốt. Và nhiều khi đó là những cơn sốt giả lặp đi lặp lại, kiểu như nón bảo hiểm. Nếu bệnh nhân gặp bác sĩ giỏi, họ sẽ được ngăn không cho bị sốt. Còn ai sẽ ngăn chặn cho nguời dân tránh khỏi những cơn sốt thị trường. Các "bác sĩ" hội chẩn hiện vẫn còn mãi cãi nhau, còn bệnh nhân thì nằm ngáp


MANG QUÊ VỀ THÀNH

Anh làm phóng viên ở Cần Thơ. Nhưng quê thì ở tận Cà Mau, mà còn vô sâu hơn nữa. Sống ở thành phố cùng vợ con đã lâu, nên trông anh không ai biết gốc "nhà quê". Anh thuộc týp người thực tế, chứ không phải mơ màng gì hết. Bài "Trở về dòng sông tuổi thơ" của Hoàng Hiệp anh chỉ nhớ độc có một câu: trong tim ai cũng có một dòng sông quê nhà…Hết. Vậy mà, nhiều lần, nhân một buổi chiều buồn nào đó anh đột ngột xin cơ quan nghỉ phép mấy ngày, nhét mỗi một bộ đồ vào cặp rồi bỏ vợ con đi một mình về quê: vì nhớ quê!


Về quê, ngày đi ra bờ sông cạnh nhà câu cá, được mấy con rô đồng mừng như con nít mang về cho bà chị chiên xả ớt. Rồi ngồi ăn cơm với cá như thể chết thèm từ lâu. Chiều chiều đi ra ruộng bắt cua để nấu với mấy thứ cải trời, tập tàng. Mấy buổi tối ở quê nhà anh luôn ngủ trên chiếc võng trong chòi vịt. Anh kể lại mà nghe còn "đã" lắm: tối tối nằm trong chòi nghe ếch kêu, dế gáy, thỉnh thoảng mấy con cá dưới mương chép miệng bắt bóng chùn chụt. Sướng ơi là sướng! Ngày trở lại thành phố, anh cố gói cho được mấy con cá rô muối xả vào trong cặp mang về cho vợ con. Vợ anh nâng niu đem chiên dòn. Còn thằng con thì giãy nảy không chịu ăn. Khiến cho anh buồn hết mấy ngày.


Mùa hè rồi, về rước hai đứa con nghỉ hè quê Nội. Thằng lớn thằng nhỏ đều hí hửng kể cả ngày về thành tích bắt được mấy con cua đồng, mấy con cá lòng tong. Xem chừng mấy trò chơi điện tử chỉ là thứ vất đi so với thú bắt cua, bắt cá. Rồi về nhà, chúng kể cho đám bạn cùng xóm, cùng lớp nghe khiến mấy đứa này phải trố mắt. Mới hay, có nhiều thứ tuy giản đơn vô cùng nhưng lại tìm không ra trong cái thành phố mà mới năm giờ sáng người ta đã ra đường rượt đuổi nhau cho đến tối.


Về quê thì xa quá nên nhiều người khai thác kinh doanh "tâm sự" này bằng cách mang quê về thành. Thế là nhan nhãn các quán nhậu với thực đơn trông rất "quê mùa" trước cửa: chuột đồng Cao lãnh, ếch nguyên da, cá lóc hấp bầu…Người cũng ùn ùn kéo đến. Như là một cái mốt, gọi là một tí hương vị quê nhà. Ở một số nhà hàng sang trọng ở Cần Thơ, người ta còn bán cả một số món như ốc nướng tiêu, ốc hấp gừng, cơm nguội ba khía…mà mỗi dĩa giá có thể mua được hàng tạ ốc! Ở Mỹ Tho, một bà chủ xinh đẹp phốp pháp còn cho ra một món dân dã kết hợp hương vị hai miền Nam Bắc và Đông y! Món cháo cua đồng được giới thiệu như là một bài thuốc giã rượu tốt nhất, còn hơn cả Berocca. Món này chỉ có cua đồng đem xay nấu cháo cùng với nấm rơm búp nhỏ xíu. Ăn cháo với rau đay, bồ ngót, bông bí… và đủ các loại rau đồng. Không thịt thà gì hết.


Tôi bảo anh nếu nhớ quê quá mà không có thời gian nghỉ phép, tôi sẽ dẫn anh ra quán nhậu có cá rô muối xả để tha hồ mà thương nhớ đồng quê.

NHÀN CƯ…


Ở hầu hết các thị xã lớn nhỏ, ngành kinh doanh mà người ta thấy như là dễ ăn nhất là mở quán cà phê. Đã 8-9 giờ sáng mà mấy quán cà phê vẫn còn đông nghẹt. Khách của quán toàn là dân lực lưỡng cả. Toàn là thanh niên mà lẽ ra giờ này phải tham gia lao động đâu đó, để góp sức cùng xã hội. Vậy mà họ vẫn còn ngồi thừ trên ghế, miệng phì phèo thuốc lá. Khoảng 10 giờ xem chừng tự mình cũng thấy chướng, nên một thanh niên đề nghị: Thôi, Đi. Trưa rồi. Đi đâu? Thì đi chat (!). Mới đây, người ta đưa lên trên báo những con số về "hiện tượng chat" còn dễ sợ hơn là ngồi đồng quán cà phê, mặc dù xem, ra nó trí tuệ hơn. Và những hiện tượng trên là dấu hiệu là triệu chứng của căn bệnh thất nghiệp. Từ đây, nhiều tệ nạn khác sẽ nảy sinh. Ông cha ta nói: Nhàn cư vi bất thiện, kia mà.


Thành thị thì vậy còn nông thôn thì sao? Một dạo đi cùng chuyên gia của UNDP, ngang qua một thị trấn. Ông ta thốt lên dân ở đây còn thất nghiệp nhiều quá, nói xong ông ta chỉ tay sang hai bên đường những quán cà phê video còn đầy nhóc khách như chứng minh điều mình nói. Trên đoạn đi từ Long Xuyên sang Cao Lãnh, dừng chân ở một chiếc quán bên đường lúc 10 giờ sáng, ngó sang những nhà xung quanh thấy có tới 2 độ nhậu, những anh lực điền vai u thịt bắp, ở trần trùng trục, đen bóng đang tiêu phí sức mình qua cái chai đế trắng đùng đục. Một ông lão, ngồi hút thuốc, người cũng nặng mùi rượu khoe: qua cũng vừa ở trong đó ra, bọn nhỏ uống chịu không xiết. Hỏi: bộ họ không làm gì sao? Lúa gặt rồi còn gì nữa mà làm. Làm công thì không ai mướn mà có mướn cũng biết làm chuyện gì? Một năm hai vụ lúa, mỗi vụ chỉ kéo dài hơn trăm ngày,mà có phải ngày nào cũng ở ngoài ruộng đâu. Và như vậy thì mấy ông xã cho là đã có việc làm, nhưng với thời gian lao động như vậy rõ là một dạng thất nghiệp trá hình. Một điều tra gần đây cho biết là trong số 80% dân số là nông dân ở ĐBSCL, thì hơn 30% là thất nghiệp thật sự, và khoảng 60% hộ là thất nghiệp trá hình: tức là có việc làm mà cũng như không. Ông già khi nãy tâm sự: nhà tôi có 10 công ruộng nhưng có tới 4 thằng con trai, đều có vợ cả, nên nghèo lắm.


Do quá trình đô thị hóa và do lượng dân cư tăng nhanh nên một số đất nông nghiệp bị biến thành đất thổ cư nên đất canh tác cho lực lượng lao động càng thêm thiếu hụt. Thời gian lao động nông nghiệp hiện nay theo tính toán chỉ mới sử dụng hết 1/3. Số còn lại dành cho video, dành cho rượu và đủ thứ tệ nạn do nhàn cư vi bất thiện. Mới đây, ở TP. HCM có một quyết sách là đưa các cơ sở xí nghiệp ngành may dần ra khỏi thành phố, nhằm đưa nền công nghiệp này về gần với nguồn cung ứng lao động; đây cũng là vấn đề đáng suy nghĩ, trong thực trạng lao động hiện nay.


Một người dân địa phương đưa tay chỉ một lũ nhóc, chỉ độc mỗi cái quần xà lõn chạy tung tăng trong nắng, rồi cười buồn nói: cùng với rượu chè, tệ nạn, lũ nhóc khổ sở đó cũng là hậu quả của thiếu việc làm. Biết bao giờ những vùng xa xôi như nơi này thật sự được biết đến cái mùi công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.

NGỌN LỬA NGÀY XUÂN


trong bếp nhà tôi, cũng như bao gia đình khác ở miền Nam hay có một góc nhỏ thờ Ông Táo. Chiều tối phải kính cẩn thắp nhang. Cứ như thật sự ở đó có một ông thần linh thiêng hàng ngày chăm chút cho gia đình có cái ăn, cái mặc. Ngày 23 tháng Chạp, nấu chè xôi đưa gia đình ông Táo đi về trời xong là không còn thắp nhang nữa, cho đến tận hôm 30 làm cỗ rước ông bà về ăn Tết mới rước ông Táo về luôn. Nghe đâu ngày xưa, sau ngày 23, người ta không còn nấu nướng nữa vì không có ông Táo. Ngày 30 tết, ông Táo về thì bếp nhà ai cũng luôn đỏ rực, không hầm nồi thịt thì cũng nấu bánh tét, bánh ít…nấu nướng bận rộn (có khi vì cả tuần không đốt lò chăng? ). Lâu rồi mà tôi vẫn nhớ như in những cái bánh ít thử bột đầu tiên mà bọn trẻ chúng tôi giành nhau, tức là thử xem bột bánh như vậy khô hay nhão rồi liệu mà gia giảm. Chuyện thổi lửa mọi khi đứa nào cũng lãng tránh, vậy mà hôm nay đứa nào cũng canh bếp, cho thêm củi vào cái cà ràng, thổi xì xụp. Rồi tranh nhau ngồi canh lửa cho nồi bánh tét mà tận khuya mới chín. Cái cà ràng là cái bếp lò bằng đất sét đắp thành cái lò có ba ông táo, một cái máng để gác củi lên nấu. Không biết vì sao người ta gọi đó là cà ràng, chỉ biết khi nhớ về tuổi nhỏ, nhắc về ngày xưa, về bếp nhà là cái cà ràng hiện lên trước mắt. Đôi khi cố gắng nhét cái bếp ga vào trong ký ức mãi mà không được. Giống như uống thuốc nam thì không uống đựoc thuốc Tây! Hồi đó, tôi hay thắc mắc rằng nhà mình ăn có bao nhiêu mà nấu chi cho mệt, đi ra chợ mua về cho xong. Bà Nội tôi bảo: Ay, ngày Tết mà không nấu nướng gì thì đâu có vui, vả lại cho nó rẻ, gói được nhiều, con cháu quây quần lại có cái mà ăn. Mà thật ra ăn có bao nhiêu. Hồi nhỏ, tôi đã không thích mấy ngày tết mà chỉ thích mấy ngày cận tết, vì nó vui hơn. Thật ra vì mấy ngày cận tết trong bếp luôn rộn rịp, vui vẻ vì đang chuẩn bị mọi thứ cho tết mà, không khí lúc ấy háo hức, chờ đợi. Chứ còn hết ngày mồng Một là coi như tết đã qua rồi.


–—


Mấy bà cô ở Mỹ năm nào về cũng dặn Nội và mẹ tôi làm món này món nọ. Về tới sân bay, gặp người thân khóc hù hòa một chặp; lại nói cười và hỏi có làm món này không, có làm món kia không. Như thể, ở bên đó mấy bà đã bị người ta bỏ đói mấy đời. Vậy chứ kêu ghé đâu đó ăn tạm thì không ai chịu. Phải về nhà, phải bày ra nấu nướng mới chịu. Hóa ra, mấy cô muốn cái gì khác, nhớ nhung một cái gì khác, vô hình lắm chứ không phải chỉ có mấy món ăn ưa thích (mặc dù có thèm thật). Những ngày về thăm quê nhà, thường các cô ít đi đâu chỉ thăm thú bà con ở gần; còn thì chỉ quanh quẩn ở nhà bếp. Chị em lâu ngày gặp lại, không gì đầm ấm hơn là thủ thỉ, trò chuyện với nhau quanh cái bếp, theo các cô là vậy. Buổi sáng, bà Nội tôi hỏi hôm nay các cô thích ăn gì. Thế là một kế hoạch được đặt ra. Những người ở xa về tham gia vào trò nấu nướng như muốn dựng lại một ký ức mà mình đánh mất hơn là nấu một món ăn cụ thể. Người nhặt rau, người thái thịt, làm gà và những câu chuyện ngày xửa ngày xưa sống lại, ấm lên theo khói bếp. Có những khoảng lặng nước mắt rơi ra, ràn rụa không biết có phải vì khói bếp. Có những tiếng cười phá lên rộn rã…cho đến khi món ăn nấu chín. Rồi bày tiệc ra ăn uống với nhau, lại nói cười. Những buổi làm bếp như vậy thật sự là là những ngày sum họp. Khi quay về Mỹ, tới nơi gọi điện thoại về, câu đầu tiên thường là: trời ơi tao nhớ món thịt kho, tao thèm canh chua quá…mặc dù mới ăn ngày hôm trước. Thật ra, các bà chỉ thèm ngồi nói chuyện í ới với nhau quanh cái bếp mà thôi. Nơi đó chứa đựng bao nhiêu tình cảm, bao nhiêu ký ức, kỷ niệm của mọi người. Cái bếp: nơi đó đối với dân mình là gia đình, là quê hương.


–—


Gió se lạnh về là Tết đã gần kề, những người xa xứ, xa xứ ngay trong quê hương mình, luôn canh cánh chờ đợi ngày về quê nhà sum họp trong dịp Tết. Khi ấy trong tôi, tuổi thơ và cái bếp, cái bếp bằng đất hiện lên mồn một. Nó thôi thúc và háo hức lắm, mặc dù bây giờ nồi bánh tét, bánh ít đã không còn vì Nội tôi, mẹ tôi già rồi không còn làm nổi, mà bọn trẻ thì không biết làm. Chỉ mong được ngồi trong bếp xem mọi người làm các món ăn ngày tết đã là sung sướng lắm rồi. Cái Bếp đối với người Việt không chỉ đơn thuần là một biểu tượng phồn thực mà còn mang cả giá trị văn hóa, tinh thần rất lớn.


NHỮNG NÃI CHUỐI CHÓT

Sau ngày giải phóng miền Nam 30/4/75, mẹ tôi từ người đàn bà nội trợ cả ngày chỉ biết có bếp núc, lần đầu tiên ra ngồi chợ tảo tần. Và đây cũng là một cột mốc của gia đình tôi: từ cả đời làm nghề giáo nay học nghề mua bán. Buổi sáng hôm ấy, sau khi bàn bạc với ba tôi, từ sáng sớm, mẹ đã ra chợ với mấy trăm đồng vốn và một cái "xề"(*). Trưa hôm ấy bà về nha, mặt đỏ bừng vì nắng và vì sung sướng đã kiếm được 30 đồng tiền lời từ việc mua đi bán lại mấy chục cam và chuối. Anh em chúng tôi còn nhỏ quá chả biết gì, cũng vui lây vì được mẹ cho một nãi chuối chót. Đó là nãi chuối nằm ở tận cùng của buồng chuối, rất nhỏ, chỉ có vai trái là to, ăn được, còn lại chỉ nhỏ li ti. Niềm vui đó biết đâu còn có cả cay đắng của mẹ và nhất là của ba tôi khi phải từ tầng lớp kẽ sĩ đi đến chỗ "con buôn", vốn là một ý thức hệ còn ảnh hưởng nặng nề vào thời bấy giờ.


Và anh em chúng tôi cùng lớn lên, được học hành đàng hoàng bằng những nãi chuối. Dần dần từng nãi chuối riêng lẻ đã phát triển thành những quầy chuối to chất đầy nhà. Lần đầu khi không còn bán lẻ ngoài chợ, mẹ tôi đã đón những chiếc tàu từ tận Bến Tre để mua chuối xanh đem về "giú" bằng khí đá trong những tấm bạt ni lông to tổ bố. Qua một ngày, chuối dỡ ra còn xanh, cứng nhưng nóng hầm hập. Đem nhúng vào nước lạnh, chỉ sau vài giờ đồng hồ, chuối bằng bắt đầu ửng vàng rất đẹp, sẳn sàng cho các buổi chợ. Những người bán lẻ lại đến tận nhà "đếm" (**) chuối ra chợ bán lại. Họ lựa, họ trả giá nhưng lúc nào cũng bỏ lại những nãi chuối chót vì có ai mua mà bán. Lúc đó, chuối chót ở nhà tôi nhiều vô kể, chả bù khi nhận được nãi chối chót đầu tiên, mấy anh em cứ giành nhau, có đứa khóc cả ngày vì chỉ được có nửa trái. Đầu tiên, chúng tôi cũng mang những nãi chuối chót đem giấu làm của riêng. Lâu dần, chúng bị bỏ lăn lóc khắp nhà, chín rục. Nội tôi phải đi luợm lại và làm ra chuối khô.


Ngày xưa, có khi đò về khuya, dù đang ngon giấc cả nhà cũng bật cả dậy để chỡ chuối từ bến đò về nhà. Tôi vẫn còn nhớ đứa em gái khóc thút thít vì bị gọi giật dậy ngồi trên xe cho tôi kéo, khi đẩy xe đầy ấp chuối xanh nó tì nguời vào xe, chân cứ buớc nhưng đã ngũ gục rồi…Những nãi chuối đưa chúng tôi đi hết tuổi ấu thơ vào cả đại học. Bây giờ, ngồi lại với nhau những ký ức về những nãi chuối cứ kể hoài không hết. Còn tôi, cho đến bây giờ những khi nhìn nãi chuối tôi như cứ thấy nao nao. Những nãi chuối chót bây giờ còn được đem ra bán ngoài chợ, nhìn thấy chúng tôi thấy cả tuổi thơ và niềm vui con trẻ của mình. Hồi đó, khi trường biểu làm lý lịch thì tôi khai nghề nghiệp cha là giáo viên, mẹ là bán trái cây, mặc dù mẹ tôi chỉ bán có duy nhất chuối. Với tôi chuối là vua của trái cây.


Vợ tôi hay mắng con sao không ưa ăn chuối mà chỉ thích ăn toàn bôm, nho Tây, Tàu. Có hôm, nàng mua chỉ một nãi chuối cau thật ngon nhưng phải ăn hơn một tuần mới hết. Tôi muốn kể cho con nghe chuyện về những nãi chuối nhưng sợ rằng chúng không hiểu. Thây kệ, chúng không thích ăn chuối thì thôi, mua thứ khác. Hôm qua thằng con lớn bảo mẹ ơi sao mẹ không mua chuối ăn con thèm quá, thằng nhỏ hưởng ứng phải đó mẹ. Tôi đích thân đi mua ngay một nãi chuối mà trong lòng vui vô cùng.

LÊ DUY


(*) xề: một loại thúng nhưng đường kính to và nông. Làm bằng tre đan.

(**) đếm: từ dùng để chỉ việc mua sỉ ở Nam bộ. Còn dùng từ khác nữa là "bổ" (bổ hàng)

LÃNG PHÍ THÀNH BỆNH


Ghé thăm Cao Lãnh (Đồng Tháp), một ngày hè nóng nực. Anh bạn hỏi: đi bơi không? Thế là tôi may mắn được chiêm ngưỡng một khu liên hợp công trình hết sức hoành tráng và hiện đại của khu liên hợp thể dục thể thao được xây để phục vụ hội khỏe Phù đổng năm 2002. Sự to lớn của nó xứng đáng để được gọi là một làng thể dục thể thao cỡ quốc gia. Nghe đâu kinh phí xây dựng lên tới cả trăm tỷ đồng. Nhưng giờ đây nó đã thực hiện xong vai trò lịch sử và sắp về hưu vì kể từ dạo ấy đến nay chưa có một giải nào có tầm cỡ của nó được tổ chức tại đây. Cái hồ bơi đúng chuẩn và lớn nhất ĐBSCL (nói khiêm tốn thế chứ người ta còn cho rằng cả nước nữa cơ) hiện nay được mở cửa cho nhân dân mua vé vào bơi. Khốn nổi, dân sông nước miền Tây khoái bơi ngoài sông hơn vì vừa thoải mái vừa không tốn tiền. Nhìn lượng người vào tắm cũng có thể nhẫm tính: doanh thu hàng tháng không đủ trả lương cho những người bán vé và bảo vệ! Trong khi đó, cuối năm nay nuớc ta sẽ tổ chức Sea Games 23, các vị lãnh đạo thể dục thể thao đang tất bật lo xây cất cơ sở vật chất cho ngày hội này, người hâm mộ sợ không biết có kịp thời gian. Vậy mà không nghe ai nói sẽ đưa một môn nào đó về thi đấu tại đây: vừa có dịp sử dụng cơ sở này ( mới xây không lâu) vùa đỡ phải lo lắng. Người biết chuyện bảo còn nhiều vấn đề khác nữa chứ có phải tiết kiệm là được đâu, đừng "mất công lo bò trắng răng".


Câu chuyện sau là một nghịch lý của cái có lý. Một đơn vị trung ương về địa phương mở nhà máy. Địa phương cấp ngay cho một miếng đất mà trên đó có một cái nhà kho vốn chứa thuốc sâu trước đây. Cái nhà kho không biết xây đã bao lâu (nghe đâu đã 7-8 năm) nhưng nay thì đã rệu rã. Nguyên giá thì chẳng biết là bao nhiêu nhưng đơn vị tiếp nhận phải bồi hoàn tài sản theo luật định giá trị còn lại của nhà kho sau ngần ấy năm khấu hao trên hai trăm triệu đồng. Sau đó họ phải đập bỏ để xây nhà máy mới vì không thể dùng vào việc gì được. Việc bán sắt vụn thu lại hơn chục triệu đồng! Đương nhiên là đơn vị mới phải gồng gánh vài trăm triệu trên như một khoản đầu tư ban đầu và toàn bộ nhà máy mới phải è ra trả món nợ này. Vậy mà có người nói tiền nào mà chẳng phải của nhà nuớc! Thế mới đau. Sẳn câu chuyện này liên hệ với việc đào lên lắp xuống của mấy ông công chánh, điện, nước. Việc đào đắp như vậy thiệt hại như thế nào thì ai cũng biết. Thế nhưng cho dù đào lên hay lắp xuống, xây hay phá, thì giá trị công trình đều được tính vào GDP cả. Như thế ai thì cũng có công hết! Lãng phí không chỉ từ những công trình lớn mà còn trong cả những bữa tiệc thừa mứa. Hóa ra lãng phí là căn bệnh phổ biến. Chống lãng phí không những từ cơ chế quản lý mà còn cả trong ý thức mỗi người. Việc cũng chả dễ dàng gì nếu mọi người không cùng làm.


LÁ CHUỐI GÓI XÔI


Một lần trên đường phố Kuala Lumpur vào buổi sáng, tôi thấy ngạc nhiên vì có một chị ăn mặc theo kiểu phụ nữ Hồi giáo, lái xe con đổ vào sân của một toà nhà văn phòng. Chị mở cốp xe sau và bày ra nhiều món ăn sáng truyền thống, kháng hàng rất đông, hầu hết là dân làm việc văn phòng ở tòa nhà này. Tôi tò mò đến xem vì có nhiều món giống như bên mình, không khác chút nào, trong đó có xôi đậu phộng. Có điều khiến tôi ngạc nhiên: cũng là xôi nhưng khi gói bằng hộp nhựa thì rẻ hơn (chỉ một hai xu) là gói bằng một thứ lá to bằng bàn tay, như lá dầu của mình. Chị lý giải là món xôi cà ri này phải gói trong thứ lá đó mới thật sự là truyền thống và mang hương vị đặc trưng. Cái hộp tuy đẹp, gọn nhưng là sản phẩm công nghiệp mất rồi! Bỏ ra vài xu để mua cái hương vị, mua cái truyền thống, mua cái "đúng gu" thì đâu có mắc.


Một lần khác đi công tác ở Trà Vinh, ông bạn chợt kêu xe thắng gấp khi thấy một bà kẽo kẹt quang gánh bán bánh ống. Thứ bánh làm bằng bột nếp giã nhỏ,hấp trong cái ống, thơm lừng mùi lá dứa. Bánh gói trong lá chuối và ăn với dừa, muối mè. Cái món này anh bạn kia lâu rồi không trông thấy, tưởng đâu chỉ còn trong tiềm thức. Gặp lại như bắt được vàng. Điều này khiến tôi nghĩ đến món xôi bắp mà mấy đứa nhỏ hay mua ăn sáng, trên đường đến trường. Thứ xôi bắp gói trong bọc ni lông, có kèm một cái muổng nhựa bé xíu, rất sạch sẽ. Tuy sạch sẽ, nhưng lại không lãng mạn bằng cái thứ xôi gói trong lá chuối, bẻ xéo hai đầu rồi ốp lại. Vắt bên hông một cọng dứa dại cắt ngắn. Khi ăn gần hết, phải liếm lá cho sạch đừơng! Con tôi nghe kể thì phì cười. Ai lại thế. Còn mấy ông bạn già nghe xong thì buồn buồn, cười cười.


Nhà tôi hai mươi năm trời bán lá chuối tươi cho người ta gói bánh ít, bánh tét, chả lụa…Nguồn cung cấp ban đầu là do những người nông dân đi xin rọc lá trong vườn, mang bán cho mẹ tôi. Dần dần, họ phải đi mua lại lá trong vườn mới có. Riết rồi phải đặt hàng trước nhà vườn mới để dành cho. Cái nghề tưởng đâu chỉ để kiếm cơm qua lúc khó khăn. Nhưng lại nuôi sống cả nhà cho tới nay. Mới đây đọc báo thấy có doanh nghiệp xuất khẩu được lá chuối sang tận Hoa Kỳ. Thấy cũng mừng, mừng thật sự. Những người Việt ở xa sẽ được ăn thứ bánh gói trong lá chuối hấp chín. Cái mùi thơm, không thể có nếu bọc bánh trong ni lông rồi đem hấp bằng lò microwave. Cái thú nhỏ nhoi đó cũng là một hạnh phúc lớn của người xa xứ. Ngay như chúng ta ở trong nước mà còn khoái ăn xôi gói trong lá chuối thay vì túi nhựa; phải không. Các đại gia bao bì rồi sẽ ghen tỵ đây

KỲ VỌNG ẢO


Kỳ vọng là một động lực phát triển của con người, của xã hội. Một nhà tâm lý học mới viết trên báo về những điều đại loại như vậy. Xã hội kỳ vọng vào một tầng lớp, một thế hệ khiến cho những thành viên thuộc tầng lớp, thế hệ đó phải tích cực phấn đấu. Cha mẹ kỳ vọng vào con cái, khiến cho con cái phải cố gắng, phải vươn lên. Đó là lẽ thường. Nó chỉ không thường khi đó là những kỳ vọng ảo. Kỳ vọng ảo làm thui chột, thậm chí giết chết phát triển. Có kỳ vọng tức có người tạo ra kỳ vọng và người được kỳ vọng. Người tạo ra kỳ vọng ảo có những ước muốn, xa vời, không tưởng, thậm chí ích kỷ khiến cho người được kỳ vọng như trở thành tù nhân bị giam trong những ước vọng không thật.


Kỳ vọng về 1 triệu tấn đường/năm là không thật, khiến cho ngành mía đường điêu đứng. Người ta muốn có một thế hệ giỏi giang siêu đẳng nên chúng ta có toàn học sinh giỏi. Ồ, không! Xuất sắc. Vì giỏi chỉ là trung bình. Cha mẹ muốn con mình hơn người, hơn hẳn cơ đấy nên đã xóa từ nghỉ hè trong tự điển. Thậm chí nhiều người từng phê phán chuyện này cũng không hẳn chấp nhận bỏ cuộc đua (không dám thì đúng hơn). Vì chúng ta bị những kỳ vọng ảo bao vây. Những áp lực của những mong muốn không tưởng, dày đặc quanh ta khiến cho những người còn đôi chút tỉnh táo, đôi khi hòai nghi: mình có sai lầm chăng? Có quá ít người đúng giữa nhiều người sai thì người đúng cũng trở thành sai. Và...không ai thích mình sai. Và những kỳ vọng ảo lại có đất sống.


Một người từng làm nhiều chuyện hay nên được ông bạn tin cậy, kỳ vọng anh ta sẽ dễ dàng làm nên kỳ tích khác. Thế là anh nhận một công việc, cố sức chứng tỏ và cuối cùng bị vây bởi kỳ vọng mà chính anh nay nhận ra là nó ảo. Thằng con bảo cô giáo nói nó làm toán đúng, giỏi. Cha mẹ liền đặt kỳ vọng cho nhà toán học tương lai và thế là mùa hè của nó bị cách ly bằng những lớp học hè, bằng sách toán nâng cao. Người ta mơ thị xã mình là một đô thị như trong phim (cứ cho là vậy) và thế là... qui hoạch! Biết con mình quá tải, biết con mình mệt nhưng chung quanh ai cũng đang đào tạo nhà tóan học, nhà văn tương lai...chẳng lẽ mình lại...Thôi ráng lên con nhé!

Trên mạng, tôi thấy có một người mẹ, quyết cho con vui chơi "thả giàn" kỳ hè này vì không muốn làm mất tuổi thơ của con. Một người cha chặc lưỡi khi không có quê nội hay ngoại cho con về nghỉ hè...thay vì cho chúng giải trí bằng cách đi học hè...


Bao giờ thì anh kia dũng cảm chỉ ra những kỳ vọng ảo vây quanh cho bạn mình thấy để mà từ chối công việc quá sức mình, bao giờ người cha không còn mơ con là thần đồng, bao giờ xã hội không còn mong muốn một cách duy ý chí về một thế hệ đầy thiên tài, bao giờ…thì những giá trị thực mới đến và mọi việc sẽ diễn ra như nó phải như vậy. Xã hội sẽ tốt đẹp hơn, ít stress hơn, con cái chúng ta sẽ hạnh phúc hơn với tuổi thơ và...những kỳ vọng sẽ thật hơn.

KHÓI BỤI ĐÔ THỊ


Có mấy người bạn ở Cần Thơ bảo mỗi khi đi Sài gòn, trở về tới bến phà cảm thấy trong lòng rất là khoan khoái. Vì vốn đã quen với yên tĩnh, chậm rải nên khi phải sống trong cảnh chạy đua theo kiểu "rush hour", tất bật tất cả đều không chịu nổi. Một ông bạn ở thành phố kể về công việc hàng ngày của anh nghe mà bắt rùng mình. Sáng 5.30' cả gia đình đều đã thức dậy, mấy đứa nhỏ cầm một hộp sữa, cái bánh ngọt mua sẳn rồi lên xe cho bố chở từ Gò Vấp về Thị nghè học. Anh đi làm suốt, trưa ăn qua quít đâu đó. Chiều 6 giờ mới đón con, cho đi học thêm. 9 giờ tối cả nhà mới gặp nhau. Sáng hôm sau kịch bản lặp lại.


Bây giờ Cần Thơ tuy chưa đến nổi như thế, nhưng những nhịp điệu đô thị, những khói bụi phố phường cũng đang dần dần bao lấy thành phố. Tôi cũng trở về Cần Thơ sau một chuyến công tác ở Sài Gòn náo nhiệt. Con sông Hậu sóng vỗ phập phồng. Gió mát rười rượi từ dòng sông, làm cho tâm hồn người cũng mát lây. Phà cặp bến, hít một hơi sảng khoái: về nhà! Khói từ mấy chiếc xe tải đang gồng mình leo phà đen ngòm làm cháy phổi. Mấy người bán hàng cách đó cả cây số nói chỉ cần nhìn thấy khói bốc lên từ xa là biết phà cặp bến. Mấy chiếc xe lam, xe Daihatsu nổ máy bành bạch, nhả khói cuồn cuộn. Thật tình mà nói, Cần Thơ không bị khói ô nhiễm từ những nhà máy công nghiệp mà vì khói từ những cuộc sống đời thường.

Người dân trên đoạn đường 30/4 đang mở rộng phải hứng bụi từ cả năm nay do đường làm chưa xong. Xe chở đất đá chạy rầm rập rải bụi suốt ngày. Mỗi khi đi ngang đoạn này mọi người đều ngưng thở chạy qua cho nhanh. Nhà tôi nằm khuất trong một con hẻm nhỏ, xa đường giao thông. Vậy mà một ngày đi vắng nhà khi trở về bụi đóng hàng lớp. Mấy căn nhà trong xóm, xây cất dở dang, không che chắn, bụi xi măng bay mịt mù. Ở ngoài đường lớn nhiều công trình to trộn xi măng ngợp trời, có che phủ gì đâu. Phát triển mà mỗi người chịu một chút chứ. Người lạ đến đây hay giựt mình vì tự nhiên bổng thấy trên đường có một xe đẩy lù lù đi tới khói bay mịt mù. Té ra đây là xe bán bánh mì thịt nướng, người dân ở đây cũng quen rồi. Buổi sáng, một góc đường bổng bốc khói khiến mấy người tập thể dục sớm đâm hoảng, sợ hỏa hoạn. Thế nhưng đó là lò nướng thịt của một tiệm cơm, bày thịt ra vỉa hè nướng thoải mái vì nướng trong nhà khói không chịu nổi, đem ra ngoài cho mỗi người chịu một chút. Tiệm may nằm gần đó khóc không ra tiếng vì khi giao hàng cho khách, cái áo dài có mùi thịt nuớng như có ai mặc rồi... Dân choai choai cũng tham gia tích cực, chúng móc bô cho ra nhiều khói, rồi xài phụ gia trong xăng cho khói có mùi thơm, vậy mới hấp dẫn mấy em. Khói xe "su" còn thơm gấp mấy lần mấy anh yên hùng.

Vậy đó khói và bụi len dần vào cuộc sống thường nhật của người dân Cần Thơ, vốn yên bình lâu nay. Với quan điểm, mỗi người chịu một ít cái hệ quả của phát triển, của đô thị hóa, người ta vứt ra đường mọi thứ tạp nhạp, kể cả "dẫn chó ra đường" ... cho gọn. Cái miệng cống gần một quán cà phê đầy ắp những quả dừa rỗng, cho tiện tay ấy mà...Bảo sao nước không lụt, đường không ngập.

Một thành phố công nghiệp và môi trường xanh, sạch đâu có mâu thuẫn với nhau. Người dân ai cũng mong Cần Thơ sẽ phát triển thành một trung tâm công nghiệp của khu vực nhưng xanh sạch như Singapore. Điều ước này đâu khó lắm, phải không?

MỘT THOÁNG HƯƠNG XUÂN


Mùa xuân ở miền Nam không có cái lạnh của miền Bắc, nhưng lại có cái nắng đầu chì chiết. Cái nắng mà bầu trời xanh trong không có chút mây nào che chắn. Sau một tí se se của gió mùa Đông bắc vào độ Noel, cái nắng về không phải để báo xuân mà báo Tết. Tây và ta cùng ăn Tết dương lịch, nhưng đến Tết Nguyên Đán thì chỉ có ta ăn mà thôi. Mấy ngày mùng, dân mình cười đùa tí toét trên phố còn mấy ông tây lững thững dọc đường, mắt nhìn ta ăn tết một cách hờ hững. Chả là mấy ngày nghỉ này là bonus khi sang làm việc ở Việt nam. Thế nhưng nhìn mặt mấy ông, coi chán chường lắm. Chắc thấy người ta ăn tết vui nên nhớ nhà.


Nhớ lúc còn nhỏ, Tết về háo hức lắm, chứ không như bây giờ, nghe nói tết chỉ hình dung ra những ngày nghỉ ngắn ngũi mà không phải bận tâm đến công việc. Thế thôi. Chẳng còn cái không khí sắm sửa cho tết. Bởi vì, mọi thứ đều sẳn sàng ngay trong những ngày bình thường có thiếu món gì đâu. Chẳng đợi tết đến mới có bánh Tét, bánh chưng…dưa hấu thì bán quanh năm không hết. Mấy tết gần đây, chỉ mua cho bọn trẻ nửa ký mứt bí, nửa ký mứt dừa, vậy mà qua Rằm tháng Giêng phải bỏ vì không ai ăn. Cái thú mặc áo mới ngày Tết cũng không còn. Vì bây giờ đâu có khăn gì để mặc một bộ đồ mới may sẳn. Chả bù cho cha mẹ chúng ngày xưa chỉ chờ dịp Tết để có bộ cánh mới. Thật là cái gì sẳn quá, đầy đủ quá thì không còn quý kể cả hương xuân! May mà có chợ hoa làm cho mấy ngày tết có cái gì đó khác thường.


Mấy đứa nhỏ thích lắm, đưa ông Táo xong chúng hầu như đã nghỉ học hết. Mà nghỉ tết thì sướng hơn nghỉ hè nhiều vì không phải học thêm. Ngay lúc này thường thì chợ hoa lại được bày ra. Tối tối, được cha mẹ đưa ra chợ hoa chơi chả mua gì nhưng thích, thích lắm. Mà thích thật, giữa thành phố chợt có một rừng hoa. Rồi ông đi qua bà đi lại, đông ơi là đông. Phải khen và biết ơn vì mấy ông nhà vườn hay thật- mà các loài hoa cũng hay- cứ đúng mấy ngày tết ta thì hoa mới nở đồng loạt, chứ tết dương lịch thì có thấy gì đâu. Hoa mai thì độc đáo hơn, rằm tháng Chạp lặt hết lá thì mùng một tết trổ hoa (ngoài Bắc thì có hoa đào, cũng thế). Kể cũng lạ. Không có mai hay đào chắc là mình không biết có tết. Bên Nhật nghe đâu bây giờ người ta chỉ ăn tết theo Dương lịch, nói dại, nhỡ ta cũng thế không biết mấy ông nhà vườn có làm hoa nở vào dịp Noel được không.

Thằng con chợt hỏi bao giờ thì về Nội. Chợt bâng khuâng và vui vui khi nghỉ đến những ngày tết được về quê. Nơi tuổi thơ yên ả trôi qua… hồi cả chục năm trước. Vả lại, một năm có mấy khi về quê. Nay có dịp về thăm cũng tiện bề. Nhiều gia đình anh em cùng hẹn nhau về, và đông quá nên phải nấu thứ này bày thứ kia mới có cái mà ăn mà bù khú. Thế là bếp được nhóm lên mà bếp là nếp nhà, là quê hương mà. Còn bạn bè họp mặt gặp nhau hàng ngày, vậy mà í ới nhau trong mấy ngày tết lại có cái thú khác. Mồng một, mồng hai…nhiều người về quê, chỉ còn vài ông quê xa, hoặc "không còn quê" ở lại thành phố. Vắng có mấy ngày, vậy mà gặp nhau mừng như gặp Việt kiều. Ông bạn vong niên bức xúc lắm. Tết mà thêm mấy ngày nữa, chắc tao chết vì chán.

Không có những cái hương vị quê nhà mang đầy chất tinh thần như vậy thì chắc là Tết buồn lắm. Bởi vật chất của Tết thì có nhiều, thừa mứa, khi nào cũng có. Chỉ có cái hương, cái hoa…của ngày Xuân là không phải lúc nào cũng có. Tôi có cách riêng để nâng niu chúng. Trồng mấy cây mai để mấy đứa nhỏ lặt lá (chỉ 5 phút là xong), khiến chúng háo hức với Tết hơn. Mấy tháng cận tết không cho mặc thêm đồ mới. Rồi cho chúng về quê. Rồi họp mặt bạn bè vào mùng Năm (có hơi xui một chút, nhưng không sao)… phải nuôi dưỡng cho chúng một chút hương vị tết, hương vị Xuân- để sau này chúng còn có cái để gọi là ký ức. Nếu không thì ngày tết chỉ còn biết chạy rong đón cái nắng rát mặt. Còn gì là Hương Xuân.

Hương vị quê nhà: HƯƠNG BIỂN

Quê ngoại tôi nằm ở ven biển một tỉnh miền Tây-Trà Vinh. Một vùng đất khó, cho đến nay người dân vẫn còn nghèo; đặc biệt là các vùng nông thôn xa xôi. Những ngày cận Tết như thế này, gió từ biển thổi vào phần phật như muốn cuốn lốc hết thảy mọi thứ, cùng với cát. Cát thổi vào mái và vách lá của những ngôi nhà nghe rồn rột. Vậy mà khi gió cát về thì mọi người lại rộn ràng hẳn ra. Những cánh đồng dưa hấu xanh mướt dưới nắng trời, nhú lên những quả con con. Khi tiếng quết bánh phồng vang lên phùm phụp đâu đó thì ngoài đồng cá kèo đã nổi đầu khắp nơi. Một lần về Duyên hải, quê ngoại xa lắc, mấy đứa nhỏ con cậu con dì đi bắt cá kèo cho ăn. Chúng làm một thòng lọng bằng chỉ may, rồi rà ngay trước đầu mấy con cá kèo giật mạnh. Cứ tưởng trò chơi như vậy biết chừng nào mới có ăn; vậy mà trong chốc lát chúng bắt được cả nồi cá kèo mập núc ăn cả ngày không hết. Chứ mấy cái xà ngôn đàng sau ruộng mỗi lần trút ra chỉ có nuớc đem bán mới hết! Một chiếc nồi đất đun bằng rơm của vụ mùa vừa gặt xong, bốc lên mùi ngay ngáy của rạ mới. Cá kèo còn sống nhảy tưng tưng được nhanh tay bỏ vào nồi đậy kín nắp lại, chỉ sau vài phút chúng chết hết. Cho nước mắm rươi vào đun sôi, vớt cho đến hết bọt là chín tới. Không bột ngọt, không đường và phải là mắm rươi với cá kèo còn sống thì mới đúng. Nước mắm làm từ những con rươi biển, có cái mùi đặc trưng của vùng duyên hải. Cá kèo kho khi còn sống mới làm cho con cá giữ vị ngọt và thịt mềm mại, cộng với cái mật đắng trong bụng cá làm cho cá kèo trở thành loại cá độc chiêu, chỉ mình nó mới có. An cá kèo phải ăn nguyên con mới lịch sự, còn bẻ khúc đầu, nơi có cái mật thì khúc đuôi để ai ăn. Ở thành người ta lấy dấm, muối làm cho cá hết nhớt, rồi mới đem kho, khiến cho con cá khô quắt và cứng. Độc món cá kèo kho ăn với cơm nóng, trên mâm có thêm một dĩa dưa hấu mới hái trên rẫy về là một điều hạnh phúc. Hạnh phúc thật đơn giản và bình thường như nó vốn vậy, không chỉ của nguời dân vùng biển, mà còn của những người lưu lạc ở chốn thị thành trêu ngươi nay lại tìm thấy sự quen thuộc nơi ký ức sâu thẳm.

Chiều xuống ở vùng này, gió càng tợn. Những cây dừa cao, trĩu trái cứ nằm xuống đứng lên trông hãi lắm. Gió càng nhiều, người ta càng cười. Vì họ chắc rằng ngày mai tép sẽ đầy ắp xà ngôn. Những con tép bạc đất, mình to bằng ngón tay, trong xanh, búng mình chong chóc trong rổ. Dân ở đây bảo tép sinh ra từ đất. Vì ruộng khô nẻ, cứ có nuớc vào là có tép. Loại tép đó lột hết vỏ lấy noãn bỏ vào trong một trái dừa. Loại dừa chưa khô nhưng cũng khá già, thường dùng để làm mứt. Nuớc dừa này như có ga, uống nghe gay gay. Chừng mười lăm phút, noãn tép đã đỏ rần trong trái dừa. Muối hột đem ra đâm nhỏ với ớt hiểm xanh mọc trong bụi tre. Mấy cọng rau răm, vấp cá sau hè được hái và bày ra quanh mâm. Gắp con tép trong trái dừa chấm vào muối ớt, đưa vào miệng cùng với một cọng rau răm. Vị ngọt của biển dạt dào trong miệng. Một ngụm rượu nếp (trông cứ đùng đục thế nào ấy) đẩy cái ngọt và sùng sục của biển vào tận bên trong. Hai tay cứ vỗ đùi đôm đốp. Thật hào sảng, thật đã! Trong xóm, từng ngọn lửa rơm nướng bánh phồng chợt bùng, chợt hiện. Gió phần phật gợi lên một thời khai phá của cha ông.

Những món ăn vùng quê không chế biến cầu kỳ, không bày biện công phu nhưng cứ xoắn xuýt trong tâm hồn, trong ký ức người đi xa. Ở một góc khuất nào đó, thỉnh thoảng nó chợt hiện lên. Và khi có ai nhắc tới, hồn quê - vị ngọt của món ăn như cứ trào lên trong trái tim và cả trên đầu lưỡi.


Tản mạn: Ở TIỆM HỚT TÓC


Mỗi lần đi hớt tóc đối với tôi là một lần đi xuống đời, một lần đi thư giãn. Thư giãn thật chứ không phải trong ngoặc kép. Một cái tiệm hớt tóc nhỏ ở một góc con đường. Một con đường hẹp, đầy ổ gà mà cả gần chục năm không thấy ai nói chuyện sửa sang gì cả. Cả ba cha con mỗi lần hớt tóc phải đi 2-3 cây số, nhưng tiền công cả lượt chỉ tốn có 10.000 đồng. Mấy ông bạn chế nhạo ham hớt tóc rẻ mà tốn tiền xăng đi xa còn hơn. Thật ra, đâu phải vì ham rẻ mà đến đây. Chỉ vì quen rồi, ai hớt cũng không hài lòng. Anh thợ hớt cho mình đã biết ý rồi. Cứ đến nơi là leo lên ngồi khỏi phải dặn. Cái tiệm nói cho sang, chứ thật ra là một cái chòi nhỏ đủ che nắng mưa, có phần nhếch nhác. Nhưng người đến đây toàn là người quen cả. Hớt tóc riết rồi quen ấy mà. Có ông bác sĩ, có anh kỹ sư, có cả mấy cậu sinh viên...cả mấy chú xe ôm. Người ngồi hớt tóc lẫn kẻ ngồi chờ, ai cũng góp một câu vào câu chuyện đời. Lúc thì vụ án này, lúc thì chính sách nọ. Anh thợ hớt tóc thi thoảng châm thêm vài câu như khích mọi người bàn luận. Người ta nói rượu vào lời ra, chứ chưa nghe ai nói hớt tóc, lời ra! Một cái xã hội to đùng chốc bỗng được khái quát thành những câu chuyện trong quán hớt tóc.


Tôi có thói quen đọc báo xong là mang quẳng vào tiệm đề anh cho khách đọc. Không ai đọc báo kỹ bằng những người ngồi chờ hớt tóc. Qua vài ngày là mấy tờ báo cáu bẩn, nhàu nát như giẽ rách. Anh xe ôm vỗ đùi cái đét: thấy chưa, làm ẩu thế nào cũng bị bắt mà. Ê! ông nhà báo, bữa nào viết vụ này nhe. Anh nhà báo cười hì hì. Còn ông bác sĩ ngồi nghe ậm ừ, rồi nói bắt quàng sang chuyện chiến tranh Iraq... Mọi chuyện trên đời đều được bàn luận tại đây. Có lúc bí quá, mặc dù tóc còn ngắn tôi cũng cố đi hớt tóc một buổi để tìm ý viết bài! Định bụng sẽ đề nghị mấy ông làm chính sách vĩ mô, hôm nào đi hớt tóc bụi một bữa...Người nói hết chuyện trong bụng, nói thoải mái. Hớt xong cái đầu là nhẹ nhỏm. Nhẹ cả trong lòng. Thế nên ai cũng coi chuyện đi hớt tóc ở tiệm này là thư giãn.


Một hôm trời mưa, con đường ngập nước. Chiếc xe tải chạy ngang qua làm một vạt nước bắn tung vào tiệm. Thế là hớt không cần xịt nước. Kẻ thì rủa xả, người thì cười ha hả...rồi thì chuyện con đường đau khổ mấy năm trời dân kêu réo vẫn không ai ngó ngàng được đem ra mổ xẻ. Văn phòng của một tờ báo lớn cũng nằm trên con đườngnày, nhưng đăng bài biết bao lần mà có kết quả gì đâu. Chiếc xe tải thoát nạn, người ta chuyển sang chửi rủa những ai có trách nhiệm. Tôi hỏi đùa: mấy ông không giữ ý gì cả, cứ bô bô chửi đổng. Không sợ à. Anh thợ hớt tóc cười: cùng phe mà. Ai vào đây đều cùng phe mình cả, vì nếu khác phe người ta đã đi chỗ khác hớt rồi. Anh cười hà hà.


Sáng chủ nhật, tôi chở thằng nhỏ đi hớt tóc chuẩn bị khai trường. Vả lại, lâu rồi cũng đâm nhớ những người góp chuyện, quen nhau vì hớt tóc. Nhớ cái không khí sang sảng của cái tiệm hớt tóc nhỏ mà chứa đầy những câu chuyện lớn của xã hội. 9-10 giờ mà tiệm vẫn còn đóng, không như mọi khi mở cửa từ sáng sớm. Hỏi ông cụ bên cạnh. Ông bảo: nó chết rồi chú à. Sụp ổ gà, té xe chết hồi hôm. Bàng hoàng và thẩn thờ. Một thế giới đã bị mất. Một người ra đi. Cái xã hội nhỏ không còn người tụ tập góp chuyện. Con đường vẫn còn ngập nước. Ở đầu đường sáng nay mấy chiếc xe ủi đã bắt đầu san lắp để làm đường. Nhưng anh thợ hớt tóc thì không chờ được.

ĐI HỘI CHỢ NƯỚC NGOÀI

Bây giờ người ta đi nước ngoài như đi chợ, vì đi lại dễ dàng. Thế nhưng đi hội chợ nước ngoài là chuyện khác. Đó những chuyến đi tìm cơ hội giao thương, đi làm ăn chứ có phải đi chơi đâu. Cái tâm lý đi bán hàng hội chợ còn ám ảnh mãi nên nhiều doanh nghiệp đi dự hội chợ nuớc ngoài cứ khệ nệ mang hàng đi bán thay vì đi tìm người để giúp mình bán (đại lý. đối tác bán hàng). Dĩ nhiên tìm được người bán hàng cho mình ở nước đó và cả bán được hàng tại hội chợ thì hay quá rồi.


Hội chợ Thương mại quốc tế Côn Minh-Asean vừa qua, Vinacafé và Bitis...sử dụng đại lý của mình tại chỗ để bán hàng và giới thiệu sản phẩm thật là lưỡng tiện. Có nhiều doanh nghiệp khác cũng mang hàng sang bán, được nhiều người ưa chuộng nhưng dân địa phương họ hỏi ở Côn Minh muốn mua thì sao? Không có câu trả lời tức là công sức bỏ ra đã phí hoài. Công ty May Tây đô mang hàng sang trưng bày tại hội chợ, ai đi xem cũng xuýt xoa đòi mua, nhưng ông Giám đốc cứ liên tục trả lời: hàng chỉ trưng bày thôi không bán. Xem chừng quá nhiều người hỏi, ông cho viết một tờ cáo bạch: hàng mẫu không bán! Nhưng ông vẫn có mặt suốt mấy ngày để tìm cái gì đó. Cuối cùng một công ty xuất nhập khẩu tại Côn Minh đã tìm đến thương lượng và nhận làm đại lý độc quyền, nhiều công ty khác tìm đến chào hàng cho ông các loại vải. Mục đích của ông là như vậy.


Có doanh nghiệp vào hội chợ cứ đi năn nỉ mấy doanh nghiệp mà gian hàng còn nhiều khoảng trống để xin được bày hàng vì họ thiếu chỗ. Hoá ra khi được rồi, họ lại bán cái chỗ đó cho mấy người bán đồ kim hoàn, đồ nhựa của Myanmar, Trung quốc...!


Nhiều tỉnh, cử hẳn một đoàn doanh nghiệp xem ra rất tốn kém. Nhưng nghe đâu đoàn chỉ toàn là cán bộ hội nông dân phụ nữ ...từ Việt Nam sang xem hội. Cũng có đoàn đạt nhiều hiệu quả, có đoàn thì không. Vì có đoàn đi hội chợ thật sự , lại có đoàn thì chỉ đi "hội" mà thôi. Vài doanh nghiệp có hàng tham gia triển lãm, trưng bày tại hội chợ nhưng gọi mãi: người đâu? không thấy. Thông tin chỉ là những tờ brochure vô tri, thiếu trước hụt sau. Tuy nhiên, tỉnh An Giang đã làm nên đình đám ở hội chợ Côn Minh do lãnh đạo đoàn theo rất sát các doanh nghiệp, giúp trưng bày, liên hệ tổ chức, tiếp khách...và các doanh nghiệp tham gia cũng chuẩn bị rất kỹ. Các gian hàng đầy ắp người. Chắc vì thế mà dân Trung quốc có biết ăn mắm bao giờ nay xúm lại mua mắm Bà Giáo Khỏe ào ào.


Cái đơn giản là danh thiếp và tài liệu giới thiệu mà nhiều doanh nghiệp còn quên. Huống hồ là việc phải có phiên dịch tiếng Trung quốc ở hội chợ Côn minh, khiến cho nhiều doanh nghiệp chạy đôn chạy đáo trong ngày khai mạc...Quả là không đơn giản. Có người đặt vấn đề rằng đi hội chợ (kể cả trong nước) là một hoạt động xúc tiến kinh doanh và quảng bá thương hiệu thường xuyên của một doanh nghiệp. Chính vì thế, hoạt động này phải được chuyên nghiệp hóa. Nên chăng?